Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng số trẻ em tính đến thời điểm 30/6/2020 là 293.477 trẻ em, chiếm 26% tổng dân số (trẻ em nam chiếm trên 51%); số trẻ em trong các gia đình nghèo là 10.394 em, chiếm gần 3.1% trên tổng số trẻ em. Tổng số trẻ em thuộc 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.285 trẻ em; trong đó 4.049 trẻ được hưởng trợ cấp xã hội và chăm sóc bằng các hình thức khác nhau (đạt 95%).Trong những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng quan tâm thực hiện; 100% trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện và trợ giúp kịp thời, tái hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh đã xây dựng và phát triển 5 mô hình điểm chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng, mở rộng 6 mô hình ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em như: Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng (xã Phú Diên, huyện Phú Vang); Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền); Mô hình phòng ngừa trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng (phường Phú Hậu,thành phố Huế); Mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng (phường Hương Sơ, thành phố Huế và xã Hồng Thượng, huyện A Lưới).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của tỉnh đã đạt được trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian vừa qua. Thứ trưởng cho rằng, việc thực hiện Luật Trẻ em dù mới triển khai được 2 năm, khoảng thời gian chưa dài nhưng qua báo cáo của tỉnh đã cho thấy sự triển khai kịp thời, có kế hoạch đồng bộ và sâu rộng trong cộng đồng, mang lại nhiều kết quả tích cực; công tác tuyên truyền pháp luật về trẻ em có nhiều mô hình, sáng kiến hay, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân; thực hiện tốt các quyền của trẻ em, góp phần giúp trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, theo báo cáo, tình trạng trẻ bị bạo hành, ngược đãi, lạm dụng tình dục, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra; việc xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em có nơi vẫn chưa thật sự nghiêm minh. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như tư vấn, hướng dẫn về phòng chống hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em, nhất là phổ biến những kỹ năng sống và phòng ngừa hành vi xâm hại cho trẻ em. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm dành nguồn lực cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, bạo lực trẻ em; bảo vệ trẻ em trước môi trường mạng; tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng ban điều hành bảo vệ trẻ em cấp xã; nâng cao sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em.