MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với phong trào dân vận ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 1937 - 1949
Ngày cập nhật 24/12/2023

Trong quá trình hoạt động cách mạng và trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đề cao vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, vì vậy, đồng chí xác định công tác dân vận là hết sức quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược, cuộc kháng chiến cần sự đoàn kết của toàn dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, tài đức vẹn toàn, là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế, đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội và nhân dân ta. Người đã lãnh đạo và giành nhiều thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 17 tuổi đồng chí đã làm những công việc nặng nhọc và tham gia các cuộc đình công đòi chủ trả tiền công cho người lao động.

Có thể nói, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đánh giá cao vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ độc lập dân tộc. Tư tưởng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng được khơi dậy trong một buổi nói chuyện giữa đồng chí Hoàng Anh (Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ) với đồng chí Nguyễn Chí Thanh (lúc đó tên là Nguyễn Vịnh) vào đầu năm 1937, sau khi kết thúc cuộc đón tiếp Gôđa ở Huế. Hai người đã nhất trí rằng: “Mục đích chính của chúng ta là cố gắng tiếp xúc rộng rãi với nhân dân, khêu gợi lòng yêu nước của dân, giải thích cho mọi người hiểu rõ vì đâu mà nhân dân ta phải đói nghèo cực khổ, vận động nhân dân mạnh dạn đứng lên đoàn kết đấu tranh chống bất công, chống áp bức, chống bóc lột…”([1]). Được các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo và vận động được nhiều thành viên tham gia đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh. Trưởng thành trong phong trào Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Chí Thanh hiểu rõ vai trò của nhân dân, cần phải dựa vào dân trong đấu tranh cách mạng và tầm quan trọng của công tác dân vận. Tháng 9 - 1938, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Nguyễn Vịnh đã lãnh đạo nhân dân và dân biểu đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và Chính phủ Nam Triều góp phần to lớn trong cuộc tập dượt lần thứ hai dẫn đến Cách mạng Tháng Tám, năm 1945; tích cực mở rộng Mặt trận dân chủ ở tỉnh nhà và phát huy ảnh hưởng đến tỉnh bạn. Năm 1939, đồng chí tiếp tục cùng Tỉnh ủy lãnh đạo các cuộc mitting, vận động nhân dân biểu tình, đấu tranh ngăn chặn làn sóng khủng bố của địch, chống bắt lính đưa sang châu Âu làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp.

Công tác dân vận luôn được đồng chí Nguyễn Chí Thanh thực hiện xuyên suốt trong quá trình tham gia cách mạng, kể cả trong 3 lần đồng chí bị địch bắt giam. Tháng 7 - 1939, tại nhà lao Thừa Phủ, đồng chí đã vận động các đảng viên bị bắt giam cùng thành lập nên Chi bộ nhà lao để bảo vệ nhau, truyền bá tư tưởng cách mạng. Chi bộ nhà tù do đồng chí Nguyễn Vịnh đứng đầu đã nhiều lần phát động anh em đấu tranh quyết liệt để cải thiện đời sống nhà tù, khiến địch phải nhượng bộ. Ba lần bị địch bắt giam trong các nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt của miền Trung, dù ở bất cứ nhà tù nào, đồng chí cũng luôn thể hiện tinh thần kiên trung, đấu tranh không mệt mỏi. Trong tù, đồng chí thường giới thiệu về những kinh nghiệm công tác quần chúng, tập hợp quần chúng nhất là đối với nông dân.

Sau khi vượt khỏi ngục tù của giặc trở về với nhân dân, nhờ sự lăn lộn với phong trào, bám sát nhân dân, năm 1941, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng với các đồng chí khác đã xây dựng lại cơ sở trong quần chúng, khôi phục lại những cơ sở đảng bị địch đánh phá ở các huyện trong tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và thành phố Huế làm cơ sở vững chắc để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn luôn sâu sát với cơ sở, đặc biệt trong những ngày cẳng thẳng do thực dân Pháp phá hoại Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), đồng chí đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu ở ba huyện phía bắc tỉnh Thừa Thiên với tư tưởng chỉ đạo: “Cán bộ bám đất, bám dân, bám cơ sở, kiên quyết tiêu diệt quân Pháp ở Huế khi có lệnh của Trung ương”([2]).

Đối với các đoàn thể quần chúng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, nhất là về công tác đào tạo cán bộ cho các đoàn thể quần chúng. Tháng 7 - 1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì hội nghị cán bộ Đảng tỉnh Thừa Thiên tại trụ sở Ủy ban Hành chính Trung bộ (Tòa Khâm sứ cũ). Hội nghị đã thống nhất ba vấn đề lớn, trong đó có nội dung công tác cán bộ, gấp rút đào tạo cán bộ cho các đoàn thể quần chúng. Với công tác thanh vận, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã quan tâm, trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoạt động của Đoàn thanh niên Dân chủ Thừa Thiên Huế.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một người rất giỏi công tác vận động, ngoài cán bộ, chiến sỹ hay các tổ chức đoàn thể, thì học sinh cũng là một đối tượng mà đồng chí thường xuyên vận động, dìu dắt theo con đường cách mạng. Đồng chí luôn coi đây là một lực lượng có nhiều triển vọng nếu được lãnh đạo sát sao và chân tình. Với đề xuất thành lập Hội thơ cách mạng, đồng chí đã đưa những cậu học sinh tâm hồn còn khá lãng mạn trở thành những cán bộ Việt Minh lúc nào không hay biết. Nhạc sỹ Trần Hoàn cho rằng: “Đó là một cách tiếp cận và vận động quần chúng của anh, rất giản dị, gần gũi và thân tình, đầy sức thuyết phục đối với các đối tượng “nhất quỷ nhì ma” này”.

Kiên trì quan điểm lấy dân làm gốc, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền lý luận với thực tiễn. Trong lãnh đạo đấu tranh vũ trang, đồng chí Nguyễn Chí Thanh không chỉ là người chỉ đạo vững vàng, mưu lược, tài trí mà còn có những cống hiến lớn lao vào công trình tổng kết lý luận và chỉ đạo chiến lược quân sự theo đúng đường lối và tư tưởng chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Năm 1947, khi mặt trận Huế bị vỡ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Đảng bộ địa phương phát triển sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, trong vùng địch tạm chiếm. Tại Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh ở làng Nam Dương (Quảng Điền), ngày 25-3-1947, với tầm nhìn chiến lược, nhận định của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Thừa Thiên - Huế và cả Bình - Trị - Thiên: “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần tranh thủ từng thôn, từng người dân, chúng ta không thể mất dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng!”. Theo lời kể của Đại tướng Lê Đức Anh: Ngày đầu kháng chiến, dải đất miền Trung nhanh chóng bị thực dân Pháp chiếm đóng. Quân và dân ta thiếu thốn mọi đường: Thiếu vũ khí, lương thực, thiếu căn cứ địa an toàn trong khi các đơn vị vũ trang còn non trẻ, nhiều bề nguy khốn. Lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh đưa ra nhận định mới: Mất đất nhưng chưa mất nước; kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát sẽ xoay chuyển được tình thế. Bình - Trị - Thiên trở thành một mặt trận sôi động và cực kỳ anh dũng, đã góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra Thanh - Nghệ - Tĩnh của thực dân Pháp. Thời đó, đồng bào ở vùng này đã nói: “Anh Thanh là linh hồn của cuộc chiến đấu của Bình - Trị - Thiên khói lửa!”([3]). Nói về chiến công của Mặt trận Bình - Trị - Thiên với sự đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Phùng Quang Thanh có viết: đồng chí đã cùng Phân khu ủy lãnh đạo quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách với tinh thần “mất đất chưa phải là mất nước; chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân; có lòng tin của dân là có tất cả”. Từ đó, Phân khu ủy đề ta nghị quyết “phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch. Kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch” ([4]). Trong bài viết “Nhớ mãi anh Nguyễn Vịnh”, đồng chí Hoàng Anh đã khẳng định đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sát cánh với quân dân Bình - Trị - Thiên, tìm ra con đường chống giặc trên đất quê hương: “bám đất, bám dân mà chiến đấu, nhằm chỗ sơ hở, chỗ yếu của địch mà đánh, không để cho địch ăn ngon ngủ yên, lấy súng giặc để giết giặc và xây dựng lực lượng của ta…”. Với tinh thần đó, tháng 3-1947, quân và dân ta đã tiêu diệt gọn hai đồn địch (đồn Hồ Thành và đồn tiền tiêu của Pháp ở Hóa Mỹ), tuy là trận đánh nhỏ nhưng đã củng cố được lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Giữa năm 1947, phong trào kháng chiến ba tỉnh Bình - Trị - Thiên đã được khôi phục ở hầu hết các huyện và không ngừng phát triển. Sự phát triển của phong trào kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, có ý nghĩa rất quan trọng, cùng quân dân cả nước đánh bại âm mưu và hành động đánh nhanh thắng nhanh cảu quân đội viễn chính Pháp.

Sau này, tư tưởng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh: “Tiến vào lòng địch, bám dân, không mất dân thì không bao giờ mất đất” đã trở thành động lực cho cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các tỉnh khác trong kháng chiến. Chính tư tưởng tiến công, tin vào dân, dựa vào dân đó đã giúp cán bộ, chiến sỹ Thái Bình vượt sông, vượt đường len lỏi qua đồn bốt địch trở về bám dân, bám đất, giữ vững địa bàn tiến hành cuộc chiến đấu trong lòng địch, ngày xuống hầm, đêm vượt hầm vận động nhân dân đấu tranh chính trị và vũ trang, xây dựng cơ sở, bảo vệ nhân dân. Như vậy có thể thấy, ý chí cách mạng kiên cường cùng với nghệ thuật chiến tranh nhân dân của đồng chí có sức lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn, góp phần làm nên những thắng lợi trên nhiều mặt trận của quân và dân ta.

Thực tế đã chứng minh, với các cương vị Bí thư Xứ ủy Trung kỳ kiêm phụ trách Lào (1945 - 1946), Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên (1947 - 1948), Bí thư Liên khu ủy 4 (1948 - 1950), đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân vượt qua khó khăn to lớn, giành thắng lợi rất quan trọng.

Thêm một luận điểm nữa để khẳng định đồng chí Nguyễn Chí Thanh đánh giá cao vai trò của công tác dân vận. Đó là từ năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều động vào quân đội, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác dân vận trong quân đội, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa quân đội với nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Trong giáo dục tư tưởng cho bộ đội, đồng chí thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ đoàn kết quân dân, thấm nhuần tư tưởng: Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quan hệ giữa quân đội và nhân dân là quan hệ “cá nước”. Liên hệ mật thiết với nhân dân, đó là nguồn sống và sức mạnh hùng hậu của quân đội ta mà quân đội địch không bao giờ có được([5]). Đối với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì vậy, cần phải tranh thủ nhân dân. Một mặt thì bộ đội giữ vững kỷ luật đối với nhân dân, nói chung là không xâm phạm đến tính mạng, tài sản, tín ngưỡng của nhân dân, không làm cho dân ghét, dân kêu, dân oán. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến ở thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thi dân luyến tiếc; mặt khác phải làm công tác dân vận, nghĩa là bộ đội đều phải tham gia việc vận động quần chúng nhân dân theo một kế hoạch chung của chính quyền và đoàn thể địa phương. Theo đồng chí, trong công tác dân vận, cấp trên không đòi hỏi anh em bộ đội làm nhiều, chủ yếu cần làm cho được mấy việc chính sau đây:

Thứ nhất, tuyên truyền cho dân hiểu rõ chính sách kháng chiến, chính sách đối với tôn giáo của Chính phủ ta. Đồng thời vạch mặt bọn pháp, can thiệp Mỹ và bù nhìn Bảo Đại để họ căm thù giặc, hăng hái kháng chiến, tôn trọng và phục tùng mệnh lệnh của Chính phủ do Hồ Chủ tịch lãnh đạo. Nhưng phải chú ý lời nói của ta đi đôi với việc làm và việc làm của ta có tác dụng tuyên truyền nhiều hơn là lời nói. Nếu chúng ta tuyên truyền cho dân phục tùng mệnh lệnh, kỷ luật của Chính phủ mà tự ta không giữ được kỷ luật đối với nhân dân của Chính phủ, thì thà ngậm im còn hơn là nói huênh hoang, khoác lác.

Thứ hai, thiết thực giúp đỡ đồng bào:

- Khi đồng bào chạy tránh giặc thì chúng ta cần phải tìm cách bảo vệ tài sản của đồng bào, mình không xâm phạm đến đã đành mà lại còn ngăn cản không cho ai thừa cơ cướp bóc, phát tán lung tung.

- Chỉ dẫn cho đồng bào cách đào hầm trú ẩn, cách đề phòng phi cơ, đại bác của địch, cách tổ chức canh gác để đề phòng địch càn quét, khủng bố và đề phòng trộm cướp ở trong làng.

- Hết sức cố gắng tìm mọi trường hợp giúp đỡ đồng bào trong công việc gặt hái cất giấu và vận chuyển thóc gạo.

- Không được mua bán vô tổ chức làm cho giá sinh hoạt lên cao mà lại còn phải giúp đỡ đồng bào trong việc đổi chác, mua bán hàng ngày khỏi phải đình trệ.([6]

Những tư tưởng, quan điểm và sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về công tác dân vận, về nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình - Trị - Thiên và cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này đã khẳng định tính nhân dân sâu đậm trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Qua đó, để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá cần phát huy và vận dụng:

Một là, tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận rõ và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, phát huy tinh thần sáng tạo của quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa.

Hai là, thường xuyên chăm lo giữ vững đoàn kết toàn dân, đoàn kết các lực lượng, trong đó đoàn kết trong Đảng là nhân tố quyết định, là hạt nhân của đoàn kết toàn dân.

Ba làluôn luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang phải luôn dựa vào dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Bốn là, phải gắn chặt lý luận với thực tiễn, phải nắm vững lý luận đồng thời nắm rõ tình hình thực tế để vận dụng lý luận một cách sáng tạo và đạt kết quả tốt nhất.

Năm là, với quần chúng và phong trào, phải đi sâu, đi sát vào quần chúng nhân dân, dù ở bất cứ đâu, làm việc gì. Vì có tiếp xúc với quần chúng nhân dân mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ, giúp cho người cán bộ định ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp lãnh đạo hiệu quả cao. Gắn bó với thực tiễn, gắn bó với nhân dân, đồng chí nhấn mạnh phải theo “đường lối quần chúng”, phải học tập quần chúng, học tập nhân dân. Có như vậy mới tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, rèn giũa tư duy, củng cố nhận thức lý luận.

56 năm đã trôi qua, kể từ khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra đi nhưng những bài học quý giá mà đồng chí để lại vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần phải học tập và noi theo tấm gương “sáng trong như ngọc một con người” của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ra sức thi đua lập thành tích trên mọi lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và đặc biệt là thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

www.tinhuytthue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.634.926
Truy cập hiện tại 1.548