Quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á
Quan điểm đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á nằm trong hệ thống quan điểm đoàn kết quốc tế nói chung trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho đến nay, qua các nguồn tư liệu lịch sử và đánh giá của các nhà sử học cho thấy: Có thể chia quá trình hình thành và phát triển của quan điểm này thành hai thời kỳ.
Một là, thời kỳ hình thành, kiểm nghiệm và khẳng định sự cần thiết xây dựng và phát triển quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á (Đầu thế kỷ XX đến 1945).
Hai là, thời kỳ Hồ Chí Minh xác lập và tổ chức thực hiện quan điểm đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á thông qua đường lối đối ngoại của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1945-1969).
Việc phân chia quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ với các nước Đông Nam Á trong bài viết này chỉ có ý nghĩa tương đối, mang tính chất gợi mở bước đầu cho việc tiếp tục nghiên cứu phân kỳ một cách chuẩn xác hơn. Trong hai thời kỳ lớn nêu trên, mỗi thời kỳ có vị trí tương đối độc lập trong mối quan hệ biện chứng - thời kỳ trước làm tiền đề cho thời kỳ tiếp theo và ngược lại thời kỳ sau là sự bổ sung, phát triển và hiện thực hoá kết quả của thời kỳ trước.
Thời kỳ hình thành, kiểm nghiệm và khẳng định quan điểm đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á trong tư tưởng Hồ Chí Minh (đầu thế kỷ XX đến 1945)
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lịch sử như thách đố quyết liệt số phận của các dân tộc châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Cả khu vực hầu như đều trở thành thuộc địa của các nước thực dân đế quốc phương Tây.
Với truyền thống bất khuất, ở nhiều nước châu Á và Đông Nam Á, các nhà yêu nước đã liên tiếp đấu tranh, không ngừng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh là một trong những người ưu tú đó. Nhưng ở Hồ Chí Minh, con đường cứu nước mà Người lựa chọn có nhiều khác biệt so với những người đương thời. Từ một người dân nô lệ, mất nước ra đi bằng con đường lao động bôn ba thế giới, Người đã đến nhiều nơi trên khắp năm châu, chứng kiến những nỗi khổ đau của người dân thuộc địa bị bóc lột, đồng thời cũng thấy được sự văn minh phồn hoa của các trung tâm tư bản, chứng kiến tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân loại bị áp bức. Từ chủ nghĩa yêu nước Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành một chiến sĩ cộng sản trong phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Với trí tuệ hơn người và sự mẫn cảm chính trị Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tiếp thu một cách sâu sắc những tư tưởng cách mạng của bản "Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" mà Lênin mới soạn thảo đầu tháng 6/1920 và hơn một tháng sau được đăng tải trên báo Humanitê của Đảng Cộng sản Pháp vào giữa tháng 7/1920. Những tư tưởng cách mạng mang tính vạch thời đại trong bản Luận cương của Lênin đã được Hồ Chí Minh nhanh chóng lĩnh hội, Người đã nắm bắt được "cái thần" của tư tưởng này và khẳng định: "Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"[2]. Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc sức mạnh có ý nghĩa quyết định của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là sự đoàn kết, đoàn kết quốc tế của nhân dân các dân tộc bị áp bức. Vào năm 1924, Người đã khẳng định: "Vì tự do và ấm no, những người bị áp bức bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống bọn áp bức" bởi "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản"[3].
Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh thật rộng rãi, đoàn kết giữa giai cấp vô sản ở các nước tư bản và đoàn kết các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới. Trong đó, Người rất coi trọng sự đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức ở châu Á và ở Đông Nam Á mà dân tộc Việt Nam là một thành viên. Đó là các dân tộc trong cùng khu vực, có cùng chung kẻ thù là đế quốc - thực dân, mặt khác họ còn là láng giềng thân thiết, có nhiều nét tương đồng về văn hoá và vận mệnh.
Theo thống kê từ các nguồn tư liệu, trong những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã viết khoảng 20 bài về các dân tộc châu Á và Đông Nam Á với những đề tài rất đa dạng và nội dung phong phú, từ Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, đến Inđônêxia, Thái Lan, Ấn Độ... Những bài viết đó đã phác hoạ lên một bức tranh châu Á và Đông Nam Á tương đối toàn diện, có những nơi được mô tả rất chi tiết "cận cảnh".
Nội dung xuyên suốt của các bài viết là lời tố cáo mạnh mẽ tội ác tàn bạo của bọn thực dân Anh, Pháp, Nhật... và cũng là lời kêu gọi các dân tộc bị áp bức hãy vùng lên đấu tranh, cổ vũ và thúc giục họ đoàn kết lại thành sức mạnh để tự giải phóng. Những bài viết đó còn mang một ý nghĩa: là những thông tin về nhau, rất quý để các dân tộc Đông Nam Á biết tới nhau, hiểu về nhau, chống lại sự bưng bít, hạn chế thông tin của bọn đế quốc, thực dân.
Hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh trong giai đoạn này bao gồm việc sử dụng các biện pháp nhằm thức tỉnh, động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động các nước - nhất là các nước thuộc địa ở châu Á và Đông Nam Á, tập hợp họ lại thành một mặt trận chống đế quốc thực dân tự giải phóng. Người tích cực tham gia xây dựng các tổ chức liên minh cách mạng thế giới. Năm 1921, Người tham gia sáng lập: Hội liên hiệp thuộc địa. Trong lời kêu gọi thành lập Hội, Người viết:
"Nếu câu phương ngôn "Đoàn kết làm ra sức mạnh" không phải là một câu nói suông, nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau,
Nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa;
Hãy gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa"[4].
Năm 1925, Người viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, tham gia sáng lập và hoạt động trong tổ chức: Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức.
Tuyên ngôn của Hội kêu gọi: "Hỡi các bạn thân yêu, muốn xua tan những đau khổ cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng. Bọn đế quốc ở tất cả các nước đã liên minh lại để áp bức chúng ta. Còn chúng ta, những người dân thuộc địa và toàn thể công nhân trên thế giới, chúng ta phải hợp lực lại để chống lại chúng"[5].
Các Hội liên hiệp mang tính chất quốc tế mà Hồ Chí Minh tham gia sáng lập nêu trên là hình thức sơ khai của mặt trận các dân tộc bị áp bức trên thế giới nói chung, ở Đông Nam Á nói riêng chống ách áp bức của thực dân, đế quốc. Đồng thời, đây cũng là hiện thực hoá và là sự kiểm nghiệm thực tế quan điểm đoàn kết quốc tế, đoàn kết các dân tộc bị áp bức trong khu vực của Hồ Chí Minh theo lập trường cách mạng vô sản.
Ngoài ra trong giai đoạn này, Hồ Chí Minh còn tích cực tham gia nhiều diễn đàn quốc tế như: Hội nghị quốc tế nông dân lần thứ nhất (1923); Đại hội "Liên đoàn chống đế quốc" (Brúcxen, 1927); Đại hội Thanh niên quốc tế, Phụ nữ quốc tế; Dự Đại hội V Quốc tế cộng sản... Bằng các hoạt động thực tiễn trên, Hồ Chí Minh đã góp phần đấu tranh cho việc nhận thức đúng đắn vấn đề thuộc địa trong cách mạng vô sản, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về tình hình châu Á, về cuộc đấu tranh của các dân tộc Đông Nam Á chống thực dân đế quốc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quan điểm "tả khuynh" trong Phong trào cộng sản quốc tế nên tư tưởng đoàn kết quốc tế và đoàn kết các dân tộc bị áp bức ở châu Á và Đông Nam Á của Hồ Chí Minh trong nửa đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX không được vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, thậm chí còn bị phê phán. Trong những năm tiếp theo, đặc biệt là từ 1941 đến 1945 do tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và những thay đổi lớn trong tiến trình cách mạng Việt Nam nên tư tưởng đoàn kết và đoàn kết khu vực, đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh được kiểm nghiệm và vận dụng đem lại thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 - ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thời kỳ Hồ Chí Minh xác lập và tổ chức thực hiện quan điểm đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á thông qua đường lối đối ngoại của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1945-1969)
Trong những năm tháng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức coi trọng và không ngừng tăng cường vun đắp tình đoàn kết giữa nhân dân ta với các dân tộc Đông Nam Á và châu Á. Người đã nhiều lần gửi điện, thư tới các vị đứng đầu và nhân dân các nước trong khu vực như Inđônêxia, Miến Điện, Ấn Độ... mà số lượng của chúng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong số điện và thư của Người gửi ra nước ngoài lúc bấy giờ. Người còn nhiều lần nhắc đến sự đoàn kết các dân tộc Đông Nam Á trong các dịp gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia hay trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài. Với lời lẽ chân thành, tình cảm chứa chan đầy sức lôi cuốn, thuyết phục ở Người, đã tạo nên mối thiện cảm sâu sắc, sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của các dân tộc trong khu vực đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.
Trong thư gửi các chiến sỹ và nhân dân Nam Dương (Inđônêxia) ngày 3/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi cuộc kháng chiến của Inđônêxia và cuộc kháng chiến của Việt Nam "Như hai đội quân trên một mặt trận: Mặt trận giải phóng của các dân tộc Á Đông"[6].
Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vẫn cố gắng bắt tay đoàn kết và hoà tiếng nói chung cùng các dân tộc thuộc địa - mà trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á đấu tranh chống thực dân - đế quốc. Việt Nam đã cử đoàn đại biểu của mình đi dự Hội nghị liên Á đầu năm 1954 ở Ấn Độ; Hội nghị Băng Đung (Inđônêxia - 4/1955). Đây là các diễn đàn quốc tế đầu tiên của các nước thuộc địa lên tiếng tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc và kêu gọi đoàn kết đấu tranh.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta đi thăm nhiều nước châu Á, trong đó có Miến Điện (nay là Mianma) (1958) và Inđônêxia (1959)... để bày tỏ lòng cảm ơn của nhân dân ta đối với sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân các nước trong khu vực đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời thắt chặt hơn nữa mối tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước đó mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dày công vun đắp. Các nhà lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ, Miến Điện và Inđônêxia đã nồng nhiệt đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người bạn lớn thân thiết từ lâu, một sứ giả vĩ đại của hoà bình, hữu nghị và đoàn kết của các dân tộc Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á
Quan hệ với các nước láng giềng luôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước ta Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm phát triển quan hệ đối ngoại hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc. Người từng nói: "Trung Quốc là một nước vĩ đại, hùng cường và đẹp đẽ. Nền văn hoá lâu đời và ưu tú của Trung Quốc đã có ảnh hưởng sâu xa ở châu Á và trên thế giới"[7].
Thời kỳ từ sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, hai nước cùng xây dựng chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn xây dựng mối quan hệ mới, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Trung Quốc. Người viết:
Mối tình thắm thiết Việt - Hoa
Vừa là đồng chí vừa là anh em"[8]
Bí quyết thành công trong đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc là đã vận dụng kinh nghiệm ngoại giao của ông cha, ứng xử phù hợp với truyền thống của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; am hiểu sâu sắc văn hoá Trung Hoa, kết mối thân tình với nhân dân và có quan hệ hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau với các nhà lãnh đạo Trung Quốc; đồng thời khéo xử lý quan hệ Việt - Trung phù hợp với các mối quan hệ toàn cầu mới, trong sự tương tác với các nước lớn khác, đồng minh hay đối phương của Việt Nam.
Đối với các nước trên bán đảo Đông Dương - đây là các dân tộc cùng chung cảnh ngộ, cùng chịu sự áp bức, đô hộ của thực dân Pháp và sự can thiệp của các thế lực đế quốc nên đã tạo ra cơ sở khách quan để ba nước Đông Dương đoàn kết, hợp tác và liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung vì độc lập dân tộc và tự do của mỗi nước.
Bản Thông cáo chính sách đối ngoại đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 03 tháng Mười 1945 nêu rõ: "Đặc biệt là đối với nhân dân bạn Khơme và Lào, nước Việt Nam đặt mối quan hệ dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết. Đã từng chịu ách đô hộ của Pháp, nhân dân ba nước lẽ dĩ nhiên phải cùng nhau đấu tranh để cởi ách đô hộ đó, giúp đỡ lẫn nhau giành lại và duy trì nền độc lập của mình... Ba nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc kiến thiết và cùng nhau tiến lên trên con đường tiến bộ"[9].
Đoàn kết, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi trên cơ sở bình đẳng tôn trọng quyền tự quyết dân tộc và độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là quan điểm đối ngoại căn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng có chung biên giới.
Tư tưởng đoàn kết hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng của Hồ chí Minh được thể hiện trên hai nội dung cơ bản:
Thứ nhất, đoàn kết giữa các dân tộc châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng phải dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp hành động và cổ vũ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược.
Thứ hai, phải coi sự nghiệp giải phóng của các dân tộc bị áp bức ở Đông Nam Á, ở châu Á là sự nghiệp của chính dân tộc mình.
Nội dung thứ nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với các dân tộc bị áp bức ở Đông Nam Á xuất phát từ chính con người yêu nước Á Đông này. Là một người dân mất nước ở Đông Nam Á ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, ngộ được "cái thần" tạo nên sức mạnh đưa cách mạng đến thành công là sự đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc bị áp bức với giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh đã "Phương Đông hoá" quan điểm này của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người cho rằng muốn xây dựng sự đoàn kết giữa các dân tộc ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trước hết phải làm cho họ hiểu biết về nhau, tôn trọng lẫn nhau.
Trong một bức thư gửi cho Pêtơrốp - Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản, ngày 24/5/1924, Người nêu rõ: "... nguyên nhân đầu tiên gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự đơn độc. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ. Do đã, họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau..."[10]. Từ đây, Người kiến nghị với Quốc tế Cộng sản trong khi chỉ đạo chiến lược, cần chú ý đến tính "đặc thù" của các dân tộc phương Đông, các dân tộc ở Đông Nam châu Á.
Trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" xuất bản năm 1925, Người đã lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh giai cấp vô sản ở chính quốc, thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, tạo nên sự quan tâm đoàn kết giữa phong trào cách mạng phương Đông và phương Tây. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) viết: "Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là "một trong những cái cánh" của cách mạng vô sản"[11].
Để các dân tộc châu Á và Đông Nam Á đoàn kết với nhau còn phải xây dựng cho được thái độ tôn trọng nhau và tin cậy lẫn nhau. Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về đức tính này - Người đã làm "cầu nối" đoàn kết giữa các dân tộc. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, trước ách nô dịch của bọn đế quốc - thực dân, nhiều nhà yêu nước ở các quốc gia châu Á đã đề xướng những học thuyết mưu cầu giải phóng dân tộc với những đường lối đấu tranh khác nhau như: Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc; Học thuyết bắt bạo động của Môhanđát Găng đi ở Ấn Độ... Là một người cộng sản với khẳng định nổi tiếng "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin". Tuy nhiên, ở Hồ Chí Minh cũng có sự phân biệt rõ ràng những học thuyết chống lại mình và những học thuyết khác với mình. Người luôn tôn trọng những học thuyết khác với mình và kính trọng những người đề xướng chúng, không mắc phải những sai lầm thường thấy như bài xích, đố kỵ nhau. Có được điều này là do Hồ Chí Minh đã hiểu rõ hoàn cảnh cụ thể, điều kiện lịch sử giữa các nước khác nhau, Người đã nhận ra mẫu số chung ở nơi họ là lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm chống lại đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc. Nói về Tôn Trung Sơn, Người gọi ông là "người cha của cách mạng Trung Quốc", người đứng đầu Chính phủ Quảng Đông cách mạng, người luôn trung thành với Cương lĩnh chống đế quốc và chống quân phiệt; người đã lớn tiếng tuyên bố đoàn kết với các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và vô sản quốc tế.
Hồ Chí Minh còn khẳng định: "Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta".
Khi đặt chân tới Bom Bay (Ấn Độ), Hồ Chí Minh đã nói với nhân dân thành phố quê hương của M.Găng đi: "Thánh Găngđi, Người đã nêu cao đạo đức yêu nước, khắc khổ, nhẫn nại, suốt đời hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho hoà bình" và nhân dân Việt Nam "luôn luôn ghi nhớ sự đồng tình và ủng hộ của Thánh Găngđi... đối với cuộc kháng chiến của chúng tôi".
Như vậy là, để đoàn kết được với các dân tộc ở châu Á nói chung, ở Đông Nam Á nói riêng, Hồ Chí Minh đã chủ trương đẩy mạnh trao đổi thông tin, tăng sự giao lưu tiến tới hiểu biết và tôn trọng nhau giữa các dân tộc. Điều này được Người đánh giá cao và luôn chú trọng chăm lo xây dựng, củng cố. Hồ Chí Minh coi đó là điều kiện tiên quyết để vượt qua mọi trở ngại, đoàn kết các dân tộc Đông Nam Á thành một mặt trận rộng rãi chống đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc.
Với nội dung thứ hai trong tư tưởng đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á của Hồ Chí Minh: Có thể khẳng định rằng trong số rất ít các lãnh tụ cách mạng châu Á, Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng cách mạng và hoạt động ở nhiều quốc gia từ: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Xrilanca, Singapo... Hồ Chí Minh luôn coi sự nghiệp giải phóng các dân tộc châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng như là sự nghiệp của chính dân tộc Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã xây dựng được mối quan hệ cách mạng với lực lượng cách mạng ở nhiều nước Đông Nam Á như: Các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, Miến Điện (Minama), Malaysia, Inđônêxia, Thái Lan... Với cương vị là uỷ viên Bộ phương Đông trực thuộc Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo cán bộ và xây dựng phong trào cách mạng ở một số nước châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Tháng 5/1925 tại Trung Quốc, từ những kinh nghiệm và cách tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa ở Pháp trước đây, Hồ Chí Minh đã cùng một số đại biểu các dân tộc bị áp bức ở châu Á thành lập: Á châu bị áp bức liên hiệp hội - một hình thức mặt trận khu vực để chống thực dân. Hội gồm những người yêu nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Inđônêxia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... Hội trưởng là ông Liêu Trọng Khải - một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Hồ Chí Minh với bí danh (Lý Thuỵ) làm Tổng Thư ký và là người dự thảo nội dung công việc và Điều lệ Hội. Đến đây cho thấy, tư tưởng đoàn kết các dân tộc thuộc địa (trong đó có các dân tộc Đông Nam Á) thành một mặt trận là nhất quán trong đường lối chiến lược của Hồ Chí Minh.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với cương vị là Chủ tịch một nước dân chủ độc lập, Hồ Chí Minh vẫn không ngừng xây dựng, vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc bị áp bức ở châu Á và Đông Nam Á. Trong thư gửi các vị lãnh đạo các quốc gia châu Á ngày 20/6/1947, Người đã nói với các dân tộc châu Á: "Hỡi anh em các dân tộc châu Á! Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Đấu tranh cho tự do, độc lập của Việt Nam tức là đấu tranh cho tự do, độc lập của đại gia đình châu Á. Trước kia anh em đã đồng tình với chúng tôi. Từ đây mong anh em càng ủng hộ. Với sự đồng tình và ủng hộ của anh em, cuộc kháng chiến cứu quốc của Việt Nam nhất định thắng lợi... Các dân tộc châu Á đoàn kết muôn năm!"[12].
Đến năm 1954, khi Hội nghị Liên Á tổ chức tại Niu Đêli (Ấn Độ) quy tụ được đại biểu của 28 quốc gia châu Á tiến hành thảo luận về sự hợp tác giữa các nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức vui mừng, Người đã gửi điện mừng và sau này khi đánh giá về Hội nghị này, Người viết: "Kết quả rất tốt, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử mà đại biểu các dân tộc châu Á gặp mặt nhau để gây thiện cảm hiện tại và mở đường liên lạc tương lai"[13].
Với chiều dài hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã xây dựng và vun đắp nên mối quan hệ tốt đẹp hữu nghị giữa các dân tộc ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Những giá trị: Đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, tôn trọng, ủng hộ giúp đỡ nhau trong tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh đã trở thành những giá trị truyền thống chung của các dân tộc bị áp bức ở châu Á và Đông Nam Á. Đúng như Tạp chí "Times Manila" (Philippin) đánh giá Hồ Chí Minh là "lãnh tụ vĩ đại của châu Á"[14].
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với các dân tộc Đông Nam Á trong đường lối đối ngoại đổi mới của Việt Nam hiện nay
Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta từ khi đổi mới đến nay được hoạch định và thực hiện với tư cách là một bộ phận của chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, làm cầu nối nước ta với thế giới, gắn sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc ta với trào lưu phát triển và tiến bộ của thời đại. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế cũng như đoàn kết với các dân tộc châu Á và Đông Nam Á được vận dụng trong chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, trong chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo định hướng XHCN, trong đường lối tích cực, chủ động hội nhập với khu vực và quốc tế... của đường lối đối ngoại đổi mới Việt Nam.
Trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc có một vị trí đặc biệt. Lào và Campuchia vừa là láng giềng, vừa là bạn truyền thống. Với Lào, quan hệ hợp tác đặc biệt tiếp tục được củng cố và phát triển đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, làm cho sự tin cậy giữa hai dân tộc ngày càng vững chắc. Với Campuchia, hai nước đã triển khai, thực hiện nhiều dự án hợp tác cùng có lợi, đặc biệt tỏ rõ thiện chí để giải quyết các vấn đề bất đồng như người Thượng vượt biên trái phép sang Campuchia, vấn đề người Khơme Crôm ở Nam Bộ, cũng như vấn đề kiều bào ta tại Campuchia..
Trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc thực hiện nguyên tắc “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” đang từng bước được thực hiện. Nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai bên, kể cả cấp cao nhất cũng được triển khai trên tinh thần tích cực và thiện chí. Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc không chỉ dừng lại giữa hai nhà nước mà còn có quan hệ đặc biệt giữa hai đảng chính trị. Một số vấn đề quan hệ song phương vốn tồn tại phức tạp như biên giới, hải đảo cũng được quan tâm giải quyết bằng các Hiệp định biên giới trên đất liền và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ. Hợp tác toàn diện về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, học thuật lý luận…được coi là một trong những thành tựu trong quan hệ với Trung Quốc.
Các hiệp ước, hiệp định ký với Trung Quốc, Cam-pu-chia trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc biến đường biên giới chung Việt Nam với các nước láng giềng thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, thịnh vượng chung.
Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, tham gia hội nhập trở thành thành viên chính thức của ASEAN (tháng 7/1995) đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á. Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào sự liên kết của Hiệp hội, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong quan hệ với các nước trong khu vực, Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong Hiệp hội, phấn đấu xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN cũng như tại Diễn đàn ARF thường niên, Việt Nam đã trở thành hạt nhân xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết, nhất trí cao giữa các nước thành viên. Việt Nam đã cùng các nước ASEAN bảo vệ, ủng hộ Mianma trên con đường cải cách, dân chủ, ổn định và phát triển, chống mọi âm mưu chia rẽ sự đoàn kết chung trong Hiệp hội. Một ASEAN đoàn kết và phát triển, một Đông Nam Á hoà bình, tự do và trung lập luôn là mục tiêu hướng tới của các nước Đông Nam Á và cũng là chủ trương lớn trong chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng.
Tóm lại, vận dụng tư tưởng về quan hệ với các nước láng giềng của Hồ Chí Minh, trong hơn hai mươi lăm năm qua, Đảng ta đã hoạch định đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn, phù hợp. Nhờ đó hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến mới, đưa đất nước lên một tầm cao mới. Phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, những thành tựu trong hoạt động đối ngoại có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Điều đó đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định bản lĩnh lãnh đạo của Đảng và khả năng của đất nước, vững vàng vượt qua mọi thử thách để vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
PGS.TS.Thái Văn Long
Ths. Trần Thị Huyền Trang[1]
Ghi chú
[1] Bài viết phục vụ nghiên cứu đề tài cơ sở phân cấp 2023: “Qúa trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các quốc gia láng giềng giai đoạn hiện nay” , Học viện Chính trị khu vực 1
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, T.20, tr.127.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.1, tr.266.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.1, tr.437.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.1, tr.447.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.396.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.8, Sđd, tr. 2
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.11, Sđd, tr. 64
[9] Dẫn theo: Nguyễn Di Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Sđd. tr. 144.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.263.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 2, tr.124.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.381-382.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr.355.
[14] Dẫn theo: Nguyễn Quốc Hùng: Hồ Chí Minh và tình đoàn kết giữa các dân tộc châu Á... trong Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản - công nhân quốc tế, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990, tr.274.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, T.1, T.2, T.5, T.12.
2.Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, 1984, T.1, T.4.
3.Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời Hồ Chí Minh của Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984.
4.Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990.
5.Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.