Ghi nhận ở chợ Thủy Phù
Chợ Thủy Phù, TX. Hương Thủy là 1 trong 9 mô hình điểm được chọn để triển khai. Bán hàng rau quả từ lâu, bà Nguyễn Thị Hường nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, khi câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tiểu thương chợ Thủy Phù ứng xử đẹp và nói không với thực phẩm bẩn” được thành lập, bà đã hăng hái tham gia. Bà Hường cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi luôn mang đến quầy hàng những thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Bà Dương Thị Trang, hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Thủy Phù, chia sẻ: “Từ khi gia nhập CLB này, nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chị em tiểu thương được nâng lên rõ nét. Vừa là chủ lò mổ, vừa tham gia bán thịt tại chợ nên tôi luôn chọn những con lợn có nguồn gốc, khỏe mạnh, được cơ quan thú y kiểm tra trước khi đưa ra thị trường. Nhờ vậy, quầy thịt của tôi đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng”.
Khảo sát cho thấy, các mặt hàng kinh doanh thực phẩm, như rau củ, hàng tươi sống tại chợ Thủy Phù được các tiểu thương bày bán sạch sẽ, gọn gàng hơn. Đa số các tiểu thương đã biết lựa chọn các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt quan tâm đến các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Các thành viên của CLB quyết tâm kinh doanh, buôn bán “đúng, đủ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng xử có văn hóa, tạo chữ tín trong kinh doanh”; tẩy chay các mặt hàng không rõ nguồn gốc, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chú trọng nâng cao ý thức
Chúng tôi đã có dịp tham dự buổi ra mắt CLB “Phụ nữ tiểu thương ứng xử đẹp và nói không với thực phẩm bẩn”, gồm 25 thành viên là các chị hội viên Chi hội tiểu thương xã Bình Tiến (TX. Hương Trà). Tham gia CLB, các thành viên, hội viên và phụ nữ được phổ biến, tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực về ý thức thực hiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực hiện Luật An toàn thực phẩm, ứng xử có văn hóa, lịch sự trong kinh doanh. Việc xây dựng, giữ gìn đoàn kết trong mô hình được đặc biệt chú trọng, không gây mất trật tự trong khu vực kinh doanh, mua bán; thăm hỏi, giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh triển khai tập huấn và thành lập 9 mô hình điểm “Phụ nữ tiểu thương ứng xử đẹp và nói không với thực phẩm bẩn” tại 9 chợ của 9 huyện, thị xã và thành phố Huế với 245 thành viên tham gia. Đây là mô hình nhằm hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, hướng đến nhiều tầng lớp phụ nữ, trong đó có phụ nữ tiểu thương cùng nhau bảo tồn văn hóa; xây dựng cảnh quan môi trường của chợ ngày càng xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thành nếp sống, buôn bán văn minh, thân thiện, lịch sự, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Tại các địa phương triển khai mô hình, cấp hội phụ nữ tổ chức tập huấn, tọa đàm tuyên truyền, giáo dục tới các tiểu thương không bán hàng giả, hàng cấm; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan nơi bán hàng. Chính quyền địa phương đã treo bảng quy tắc ứng xử tại các trung tâm thương mại, chợ, phát tài liệu về ứng xử văn minh tới từng quầy hàng, người bán... Nhờ đó, thái độ ứng xử của các tiểu thương chuyển biến tích cực hơn, không còn cảnh quát tháo, chửi nhau giữa các tiểu thương và tiểu thương với khách hàng.
Nhân rộng mô hình
Bà Hoàng Thị Liên, bán bún ở chợ Đông Ba, mô hình thí điểm ở Huế, cho biết: Từ ngày có CLB, bà con trong vùng rất vui và tin tưởng khi mua hàng ở chợ, không lo mua phải hàng kém chất lượng hay thực phẩm bẩn nữa. Chợ Đông Ba được dọn dẹp sạch sẽ, bán hàng chu đáo, cân đúng trọng lượng. Đặc biệt, hầu hết các tiểu thương đều là thành viên CLB “Phụ nữ tiểu thương chợ Đông Ba văn minh, lịch sự, nói không với thực phẩm bẩn” nên dù đi đâu, không chỉ riêng bà mà người dân khác đều về đây để mua hàng…
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân trong xã hội. Làm sao để không mua phải thực phẩm bẩn, bảo vệ được sức khỏe cả gia đình và người thân trở thành vấn đề bức thiết. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tiểu thương trong chợ về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng.
Hiệu quả và tác động của mô hình “Phụ nữ tiểu thương chợ Đông Ba văn minh, lịch sự, nói không với thực phẩm bẩn” còn được bà Lê Bích Diệp, một tiểu thương khác ở chợ Đông Ba phân tích: Trước kia người dân chủ yếu mua hàng ở chợ, nhưng nay xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng, cửa hiệu trên các tuyến phố, cùng với hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích hoặc thậm chí là cả bán hàng qua mạng. Trong sự cạnh tranh đó, nếu tiểu thương các chợ truyền thống không thay đổi, vẫn giữ thói quen nói thách, buôn bán hàng không đúng giá, thái độ khó chịu, khiếm nhã với người mua... thì khó có thể giữ chân khách hàng.
Bước đầu được kiểm chứng và cho thấy hiệu quả tại các mô hình thí điểm, theo đại diện của Hội LHPN tỉnh, trong thời gian đến, mô hình “Phụ nữ tiểu thương văn minh, lịch sự, nói không với thực phẩm bẩn” sẽ được tiếp tục tại các chợ của các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Qua đó, góp phần trong việc xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao nhận thức của các hội viên, phụ nữ trên địa bàn trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Bài, ảnh: Huế Thu
https://baothuathienhue.vn/ung-xu-dep-va-noi-khong-voi-thuc-pham-ban-a114851.html