Tự tin
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Phong Điền) là một trong những hội viên tham gia vòng thi cấp vùng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN phát động tổ chức, không chỉ tập trung tiếp cận tín dụng mà còn chú trọng xây dựng năng lực khởi nghiệp cho phụ nữ, từ kiến thức, kỹ năng, kết nối các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm, đăng ký thương hiệu… nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất kinh doanh của chị em trong xu thế nền kinh tế số, kinh tế xanh, bền vững.
Nhờ được hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp, chị Hiền hiện đang khai trương thêm cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm chất lượng cao “Cây Hibicus Sabdariffa” (Atiso đỏ).
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao, từng bước đưa thương hiệu cây Atiso đỏ Phong Điền có chỗ đứng nhất định không chỉ tại thị trường trong tỉnh, mà còn phổ biến rộng rãi đến các tỉnh bạn. Chị Hiền cũng là một trong 2 chủ dự án gọi vốn thành công 1 tỷ đồng tại chương trình gọi vốn cho doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hue - Pitching 2021.
Sau khi đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh với mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ; đồng thời, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Ý nghĩa hơn, các chị đã và đang dần vượt qua tư duy nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm; dần tiếp cận được lối tư duy, muốn nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau.
Toàn tỉnh hiện thành lập 6 câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp” với 176 thành viên, được trao cơ hội kinh doanh nhằm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển được thành lập với số vốn hơn 4 tỷ đồng, cho trên 170 chị vay vốn với số tiền từ 20 - 50 triệu đồng/người. Sau nhiều trăn trở, các chị đã tận dụng thế mạnh riêng của địa phương là nông sản, đặc sản vùng núi; phân công nhau tìm đến từng hộ có khả năng đáp ứng được yêu cầu để xây dựng tổ liên kết sản xuất nông sản, đặc sản an toàn ban đầu. Ngoài ra, phụ nữ khởi nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí từ các chuyên gia, các dự án để nâng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường vào hệ thống siêu thị…
Tiếp sức cho phụ nữ nông thôn
Với sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp ban/ngành và của các cấp Hội Phụ nữ đã có 651 phụ nữ được giúp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Sở Công thương hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn Thái Thị Lệ và cơ sở Phạm Thị Huê (huyện Quảng Điền) đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến vào chế biến gạo và nước mắm (kinh phí 116 triệu đồng); hỗ trợ Công ty TNHH TM&DV Thêu may Đoan Trang thiết bị sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng (kinh phí 180 triệu đồng)…
Các cấp hội trực tiếp về cơ sở khảo sát nhu cầu, tuyên truyền, vận động các nhóm, tổ, các làng nghề có mong muốn thành lập nhưng còn khó khăn để cùng hỗ trợ giải quyết; tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Đến nay, các cấp hội đã thành lập 78 tổ liên kết; 11 tổ hợp tác; 6 hợp tác xã trên nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Từ quá trình vận động thành lập và đi vào hoạt động, các cấp hội tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nhiều mặt như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết nối thị trường, doanh nghiệp... để tiêu thụ sản phẩm. Từ chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn tỉnh có 1.320 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 51.585 thành viên.
Theo bà Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" của Chính phủ bước đầu tạo thay đổi trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh. Đề án đã thể hiện được vai trò kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng nhiều chương trình để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển. Hoạt động hỗ trợ hướng đến các đối tượng phụ nữ, nông thôn, thành thị; quan tâm phụ nữ yếu thế, khuyết tật, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Huy động các nguồn lực từ xã hội, các tổ chức quốc tế. Nhiều ý tưởng, đề án được hiện thực hóa và tăng trưởng về quy mô sản xuất, kinh doanh, vươn ra thị trường ngoài tỉnh; nhiều sản phẩm khẳng định thương hiệu và trở thành sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, trong triển khai đề án, vẫn gặp khó khăn do trình độ, năng lực của một bộ phận phụ nữ còn hạn chế, như không sử dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng của bảo hộ trí tuệ, đăng ký thương hiệu và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm nên khả năng cạnh tranh không cao; thiếu yếu tố sáng tạo trong sản phẩm và mô hình kinh doanh; còn e ngại, sớm hài lòng, chưa vươn xa.
Chỉ tiêu hỗ trợ 200 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, doanh nghiệp nữ mới thành lập chủ yếu là giúp phụ nữ khởi sự kinh doanh, làm kinh tế gia đình; xác định, lựa chọn những ý tưởng, đề án khởi nghiệp có tiềm năng để tập trung đầu tư, từng bước phát triển thành doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp nữ của đề án. Song, điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện còn thiếu, nhất là về kinh phí. Việc thực hiện đề án vì vậy còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.
Bài, ảnh: An Nhiên
https://baothuathienhue.vn/dong-hanh-cung-phu-nu-khoi-nghiep-a112075.html