Từ các mô hình
Ông Hoàng Công Tuấn ở xã Quảng Thọ cảm nhận: “Gần hết đời người gắn bó với vùng quê Quảng Điền, chưa bao giờ tui cảm thấy vui trước sự đổi thay của quê hương như bây giờ. Đến đâu, cũng thấy người dân làm đường bê tông, đê bao nội đồng, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa thôn, xã, các khu vui chơi giải trí. Các mô hình sản xuất mới được người dân hưởng ứng, áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Khi triển khai, các công trình NTM được người dân Quảng Điền đồng tình, ủng hộ. Bà con sẵn sàng hiến đất, hiến cây, đóng góp vật liệu và ngày công lao động để xây dựng các công trình. Chỉ vài năm gần đây, diện mạo các địa phương có nhiều chuyển biến, khởi sắc rõ nét. Giao thông, nhà văn hóa, các công trình công cộng được xây dựng khang trang, chỉnh trang tươm tất, sạch đẹp.
Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, đến nay, hầu hết đường liên xã và đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Đường trục thôn, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa đạt trên 95%. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 71,98%.
Các công trình thủy lợi, nhất là công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Hệ thống trạm bơm tưới tiêu, các tuyến đê xung yếu, các tuyến đê bao, kênh mương kết hợp làm đường giao thông, cống nội đồng, một số đoạn đê xung yếu bị sạt lở nghiêm trọng được khắc phục, nâng cấp, cứng hóa, tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất. Đến nay, 100% diện tích đất nông nghiệp, lúa, hoa màu trên địa bàn huyện cơ bản chủ động tưới tiêu, ổn định, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng.
Thu nhập 38 triệu đồng/người/năm
Từ khi HTX NN Quảng Thọ 1 tổ chức bao tiêu toàn bộ sản lượng lạc sau thu hoạch, phục vụ chế biến tinh dầu lạc, chị Trần Thị Hòa ở xã Quảng Thọ yên tâm với mô hình trồng lạc.
Các vụ lạc gần đây, chị Hòa không còn lo sản phẩm bị tồn đọng, giá thấp, bấp bênh như trước. Tùy thuộc vào chất lượng lạc qua các vụ, HTX đã thu mua với mức giá có chênh lệch, song đảm bảo đôi bên cùng có lợi, chị Hòa và các hộ trồng lạc đều có lãi.
Một số mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện đã được các HTX, DN tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo mô hình “chuỗi giá trị” như thu mua, chế biến trà rau má, sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng, khoai lang mỡ...
Các cánh đồng mẫu lúa chất lượng được mở rộng với diện tích 535,8 ha (19 cánh đồng lớn), giá trị tăng bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả khá cao, như nuôi trồng thủy sản xen ghép, trồng mía, rau má, trồng rau an toàn, trang trại tổng hợp... cho thu nhập từ 150-300 triệu đồng/ha.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng nhấn mạnh, Quảng Điền xác định sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ mới thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Thời gian qua, huyện có cơ chế, chính sách phát triển nhanh một số ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp như may mặc, sản xuất thực phẩm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, khai thác vật liệu xây dựng, sản xuất bờ lô và một số dịch vụ vận tải, nhà hàng, thương mại...
Một số ngành nghề, như đan lát Bao La, đan lát Thủy Lập, làm nón lá, chế biến trà rau má, cơ khí, dịch vụ kinh doanh tổng hợp, nhà hàng... có nhiều chuyển biến.
Các loại hình du lịch sinh thái biển, đầm phá bước đầu được khai thác và có chiều hướng phát huy tiềm năng, phát triển bền vững. Nhiều chương trình, tour du lịch gắn với các hoạt động khá đa dạng, hấp dẫn đang hình thành và phát triển, như tour du lịch cộng đồng “Sóng nước Tam Giang” ở thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi); tour du lịch “Một ngày trên phá Tam Giang” của Công ty An Thạnh; tour “Hoàng hôn trên phá Tam Giang” của Công ty CP Truyền thông quảng cáo và du lịch Đại Bàng...
Sau gần 10 năm triển khai, Quảng Điền huy động 5.356,528 tỷ đồngxây dựng NTM. Đến nay, huyện có 10/10 xã đạt chuẩn NTM; đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 25,7 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn 5,75 % (giảm 10,11% so với năm 2010).