MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Chuyển biến trong thực hiện đốt, rải vàng mã tại Huế
Ngày cập nhật 11/07/2022
Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý việc đốt vàng mã của người dân trên địa bàn thành phố Huế

Sau 5 năm thực hiện các quy định về đốt, rải vàng mã trên địa bàn TP Huế đã có được những chuyển biến tích cực, nhất là tình trạng rải vàng mã xuống đường phố khi đưa tang, ném xuống các dòng sông đã được hạn chế.

 

Tuy nhiên công tác này cũng đang gặp khó khăn khi nhiều xã, phường sau khi thành phố Huế được mở rộng…

Tích cực tuyên truyền và kiên quyết xử lý

Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định số 60/2017/QĐ-UBND quy định tất cả các tuyến đường, sông, ao, hồ trên địa bàn thành phố Huế đều cấm rải vàng mã. Trên cơ sở đó, Thành ủy, UBND TP Huế cũng đã liên tục có các Nghị quyết, kế hoạch thực hiện nếp sống văn minh đô thị và đốt, rải vàng mã đúng nơi quy định.

Trong 5 năm qua, các cơ quan của TP Huế đã phát hành hơn 10.000 tờ tơi, 15.000 tờ gấp, 400 cuốn sách “Hỏi và đáp về nếp sống văn minh đô thị”, xây dựng 8.260 cụm pano, tổ chức 13.000 lượt tuyên truyền với hơn 90.000 người tham gia và triển khai bản cam kết chấp hành quy định đốt và rải vàng mã đến hơn 85.000 hộ gia đình… Huế là một trong những địa phương có nhiều phong tục về thờ cúng, và từng là “điểm nóng” về đốt, rải vàng mã, nhưng bằng những giải pháp về tuyên truyền, đặc biệt là tăng cường giám sát và xử phạt nên tình trạng này đã có những chuyển biến tích cực. Điển hình là lễ hội Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén) thường được tổ chức vào tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hằng năm, và là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường nhưng nay đã không còn cảnh ném vàng mã xuống sông Hương. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng lò đốt vàng mã khép kín và hướng dẫn du khách hành lễ hóa vàng mã ở đúng nơi quy định; đồng thời cắt cử lực lượng trực ở bến sông tuyên truyền và giám sát, ngăn chặn tình trạng “ném” vàng mã xuống sông Hương.

Những ngày rằm tháng Tư hoặc tháng Bảy âm lịch, hay tuần lễ tưởng niệm sự kiện thất thủ Kinh đô (tháng Năm âm lịch) cũng là khoảng thời gian nhiều gia đình tổ chức lễ cúng và đốt vàng mã khá nhiều. Song từ việc đốt bừa bãi ở vỉa hè, nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường thì nhiều gia đình đã hạn chế đốt hoặc đốt ở trong thùng sắt, inox, bệ xi-măng và dọn dẹp ngay sau đó. Từ khi tỉnh Thừa Thiên Huế vận hành Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, những vi phạm về môi trường mà nhất là đốt, rải vàng mã không đúng nơi quy định được xử lý nghiêm. Mới đây, tháng 5.2022, hình ảnh một phụ nữ ném cả khay vàng mã xuống sông An Cựu đã bị người đi đường ghi lại và phản ánh trên hệ thống Hue-S. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và xử phạt người vi phạm 1 triệu đồng. Trước đó, thông qua phản ánh của người dân trên ứng dụng Hue-S, cơ quan chức năng cũng xử phạt chủ một chiếc thuyền rồng du lịch đã có hành vi rải vàng mã xuống sông Hương, đoạn gần cầu Dã Viên…


Chủ nhân chiếc thuyền rồng có hành vi thả vàng mã xuống sông Hương
đã bị phản ánh trên Hue-S và bị cơ quan chức năng xử phạt hồi tháng 5.2022

Vẫn còn đó những khó khăn

Theo Công an TP Huế, đơn vị này đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 trường hợp vi phạm đốt, rải vàng mã khi đưa tang, thả xuống đường, sông, ao hồ với số tiền gần 37 triệu đồng. Ngoài ra, các phường, xã đã phối hợp công an kiểm tra, nhắc nhở 326 trường hợp, và ra quyết định xử phạt 58 trường hợp với số tiền hơn 22,8 triệu đồng. Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, hiện nay việc đốt vàng mã tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố đã đi vào nề nếp, không còn tình trạng rải vàng mã khi đưa tang. Công tác tuyên truyền, vận động được quan tâm, đổi mới, từ đó đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức và tinh thần tự giác thực hiện của nhân dân. Đến nay, hơn 95% hộ dân trên địa bàn thành phố cam kết không vi phạm quy định đốt và rải vàng mã. Việc thực hiện “phạt nguội” thông qua Hue-S đã góp phần tích cực vào việc xử phạt các trường hợp vi phạm, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp, hỗ trợ của người dân đối với chính quyền trong quá trình thực hiện quy định về đốt rải vàng mã.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP Huế, công tác xử lý vi phạm về đốt, rải vàng mã vẫn còn gặp khó khăn do nhiều người vẫn cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” nên tâm lý nể nang, chưa xử lý dứt điểm. Một số trường hợp cố ý rải vàng mã xuống sông, hồ, ao vào ban đêm; người từ địa phương khác đến vi phạm nên khó quản lý, xử phạt. Đặc biệt, sau khi thành phố Huế mở rộng địa giới hành chính, các xã, phường sáp nhập vào thành phố có nhiều làng, thôn tồn tại nhiều phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống liên quan đến việc cúng bái và đốt vàng mã như: Lễ Thu tế, lễ Xuân tế, lễ cúng cô hồn tại các nhà thờ, họ tộc, đền miếu... nên việc vận động, tuyên truyền và xử lý cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, các phường xã ở xa trung tâm thành phố có nhiều nghĩa trang nên tình trạng rải vàng mã khi đưa tang vẫn còn xảy ra.

Đến nay, hơn 95% hộ dân trên địa bàn thành phố cam kết không vi phạm quy định đốt và rải vàng mã. Việc thực hiện “phạt nguội” thông qua Hue-S đã góp phần tích cực vào việc xử phạt các trường hợp vi phạm, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp, hỗ trợ của người dân đối với chính quyền trong quá trình thực hiện quy định về đốt, rải vàng mã.

(Ông TRƯƠNG ĐÌNH HẠNH, Phó Chủ tịch UBND TP Huế)

THÙY AN
http://http://baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/54233/chuyen-bien-trong-thuc-hien-dot-rai-vang-ma-tai-hue

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.634.248
Truy cập hiện tại 1.460