MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Xây dựng chuỗi cửa hàng cho sản phẩm OCOP
Ngày cập nhật 26/07/2021

Trước yêu cầu thích ứng với đại dịch COVID-19, việc xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp hữu hiệu, nâng cao giá trị kinh tế đang được Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh xúc tiến.

Mong muốn

Giám đốc HTX mây tre đan Bao La (Quảng Điền), ông Võ Văn Dinh khẳng định, sản phẩm OCOP của đơn vị thật sự có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường; nhiều sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, trong đó phải kể đến thị trường Thái Lan, Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 là rào cản lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), tiêu thụ sản phẩm. Ngoài “tự thân vận động”, HTX cũng mong muốn cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành liên quan trong việc ứng phó, vượt qua khó khăn, thách thức trước đại dịch nhằm thúc đẩy phát triển SXKD.

Một trong những giải pháp duy trì, phát triển SXKD mà các HTX cần được hỗ trợ là việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, việc thành lập chuỗi cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm của HTX, nhất là sản phẩm OCOP được xem là giải pháp hữu hiệu trong xu thế hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) cho rằng, không còn con đường nào khác ngoài đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định trước đại dịch COVID-19. HTX Quảng Thọ 2 cũng như nhiều HTX mong muốn sản phẩm OCOP của mình được giới thiệu, quảng bá, kinh doanh từ chuỗi cửa hàng có bài bản, hiệu quả.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn cho rằng, những năm gần đây, Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt những thành tựu đáng kể. Trong đó phải kể đến sự chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, tự cung tự cấp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.

Một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực đã và đang được các HTX đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tăng nhanh về quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững. Chẳng hạn, chăn nuôi lợn, bò, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan; các đặc sản truyền thống đang được mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu trở thành sản phẩm OCOP như thanh trà Thủy Biều, Phong Thu; tinh dầu tràm Lộc Thủy, mật ong ruồi Nam Đông, rượu vang Bạch Mã, rượu Ô Lâu...

Cùng với đó là các các làng nghề truyền thống tạo ra các sản phẩm OCOP đặc trưng như thổ cẩm zèng, mây tre đan Bao La, nước mắm ruốc làng Trài, Mệ Em, Hương Giang... Có thể khẳng định, đây là nền tảng tốt để Thừa Thiên Huế tiếp tục thúc đẩy phát triển, gia tăng giá trị hàng hóa, đảm bảo phát triển các thương hiệu sản phẩm bền vững.

Kết nối "cung - cầu"

Theo đánh giá của ông Trần Lưu Quốc Doãn, chất lượng các sản phẩm OCOP chưa thật sự cao, sản lượng chưa nhiều, chủ yếu xuất bán dưới dạng thô, chưa qua chế biến sâu. Do vậy, giá trị gia tăng thấp, dẫn đến thu nhập của người dân thấp; số lượng doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông sản chủ lực chưa nhiều, nhất là khâu chế biến. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác còn thấp.

Một trong những điểm yếu “lưu cữu” là công tác xúc tiến thương mại thiếu chiến lược bài bản, chưa có giải pháp cụ thể nên chưa tạo được thương hiệu và đầu ra ổn định cho hàng hoá nông lâm sản. Thị trường tiêu thụ ở khu vực nông thôn chưa được tổ chức tốt, các thành phần kinh tế và nông dân còn thiếu thông tin về thị trường, người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm chưa có nhãn mác, thương hiệu, tiêu thụ bấp bênh do không xác định rõ thị trường chiến lược.

Gần đây đã có một số đối tác, doanh nghiệp cần nguồn cung lớn và ổn định về nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhưng để tìm một đầu mối thu gom bài bản đang gặp khó khăn và gần như không có. Việc tiếp cận những nguồn sản phẩm theo nhu cầu lớn như vậy cần sự hình thành chuỗi liên kết nhằm có kế hoạch liên kết và sản xuất dài hạn, bền vững. Một trong những mô hình liên kết phổ biến là giữa người dân - HTX và doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, việc định hướng và phát triển SXKD theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm, trước mắt là sản phẩm OCOP là việc cần làm ngay từ bây giờ. Chuỗi cửa hàng ngoài chức năng chính kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, còn làm đầu mối liên kết, tập hợp các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ có khả năng kết nối để hình thành nên các chuỗi hỗ trợ HTX hoạt động SXKD một cách bền vững.

Hiện tại Sàn Thương mại điện tử Kinh tế hợp tác thuộc Liên minh HTX tỉnh đã kết nối 21/25 chủng loại sản phẩm OCOP của tỉnh và 26 chủng loại OCOP của 15 tỉnh bạn nhằm từng bước hình thành nên một "siêu thị" (chuỗi cửa hàng) phong phú về sản phẩm và đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ  “Xây dựng cửa hàng điểm trong chuỗi cửa hàng có liên kết sản xuất gắn với chương trình OCOP”.

Bài, ảnh: Đặng Chính

https://baothuathienhue.vn/xay-dung-chuoi-cua-hang-cho-san-pham-ocop-a102524.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.633.977
Truy cập hiện tại 1.395