MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tự hào dùng hàng Việt Nam
Ngày cập nhật 20/06/2020
Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua thu được các kết quả rất đáng ghi nhận. Từ trạng thái “sính ngoại” sang trạng thái tương đối tự tin cộng với ý thức trách nhiệm, người Việt Nam đã dùng hàng Việt Nam nhiều hơn, thường xuyên hơn. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở kết quả đó thì chưa đạt tới kỳ vọng của cuộc vận động.

Việc mua hay không mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nào là quyền của người mua hàng. Con người hiện đại đôi khi còn tiêu dùng theo thói quen và sự tín nhiệm theo sở thích cá nhân về một nhãn hiệu hàng hóa nào đó. Thói quen và sở thích đó vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Bởi vậy nếu chỉ là trách nhiệm thì sự tiêu dùng hàng hóa Việt Nam sản xuất bỗng thành gánh nặng trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Điều đó không bền vững, hiệu quả không cao trong điều kiện kinh tế thị trường.

Mặt khác, còn gây tâm lý không tích cực về hàng Việt Nam sản xuất, không những không có lợi cho tiêu dùng trong nước mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu Việt trong xuát khẩu. Chính vì lẽ đó, Cuộc vận động cần nhiều đổi mới về cách thức vận động, nội dung và mục tiêu vận động.

Với cách thức vận động, phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và bài bản giữa MTTQ Việt Nam với các cơ sở sản xuất, cơ quan truyền thông nhằm quảng bá hàng Việt Nam có chất lượng đúng như mẫu mã quảng cáo, giá cả tương xứng với chất lượng hàng hóa và có sự cam kết giữ vững chất lượng hàng hóa từ lô đầu tiên đến tất cả các lô sản xuất sau đó. Coi chất lượng hàng hóa, chữ tín với khách hàng là ưu tiên số một, không thể thay đổi.

Trong các cuộc vận động, đại diện các hãng sản xuất, các sản phẩm thương hiệu Việt Nam phải được trân trọng và có sự cam kết chất lượng, giá cả phù hợp với kinh tế thị trường. Cơ quan truyền thông vào cuộc vì trách nhiệm, đồng thời cũng thụ hưởng và có trách nhiệm xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam.

 MTTQ Việt Nam đứng về phía người tiêu dùng, vận động họ và có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của họ. Với cách làm như vậy hiệu quả vận động sẽ cao hơn, việc triển khai sẽ thường xuyên hơn, bền vững hơn.

Để triển khai cách làm như vậy thì nội dung và mục tiêu vận động cũng phải thay đổi. Việc vận động phải được tổ chức bài bản hơn, nội dung phong phú, hấp dẫn và thiết thực hơn. Với mục tiêu không chỉ là người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà cao hơn là người Việt Nam tự hào, tự tin dùng hàng Việt Nam.

Điều đó để xây dựng thói quen, sở thích của người Việt Nam yêu quý hàng nội, tự hào, tự tin dùng hàng nội. Và đặc biệt là có lợi ich khi dùng hàng Việt với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Như vậy, đối với người tiêu dùng, gánh nặng trách nhiệm được giảm bớt.

Đối với người sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm với khách hàng với tư cách là “thượng đế” được nâng lên và tiếp cận với thị trường thế giới và khu vực một cách tự tin và hiệu quả hơn.

Bản chất của sự thay đổi cơ bản này là không vận động người Việt Nam mua hàng kém chất lượng với giá cả không hợp lý vì trách nhiệm. Tiến tới vận động mua hàng Việt Nam vì chất lượng tốt, gía cả hợp lý và có bảo hành, cam kết của người sản xuất. Tiêu dùng hàng Việt Nam với niềm tự hào và tự tin thật sự chứ không chỉ vì trách nhiệm thể hiện lòng yêu nước.

Để làm được điều này có thể phải nâng cao trách nhiệm giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam để thỏa thuận với các nhà tài trợ, các hãng sản xuất, kinh doanh phối hợp vận động trên tinh thần mới, nghiêm cẩn theo quy luật thị trường gắn lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia vận động.

Để có sự tín nhiệm cao của người tiêu dùng, nhà sản xuất kinh doanh cần có sự cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng hóa, nếu cần có chế tài giàng buộc để người tiêu dùng tin tưởng hơn đồng thời cũng là cơ hội để nhà sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu.

Nếu nhận thức đầy đủ và tầm nhìn xa thì việc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh vì thị trường Việt Nam không nhỏ, là thị trường với dân số gần trăm triệu dân, có nền kinh tế với tăng trưởng cao và ổn định trong tốp đầu của thế giới.

Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Việt Nam tuy chưa chịu tổn thất về người, nhưng cũng chịu tổn thất về kinh tế hết sức lớn. Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng chỉ tính sự suy giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng có thể thấy sự suy giảm chưa từng có trong mười năm qua. Tuy nhiên, với đánh giá của các tổ chức kinh tế thế giới và nhận định của Chính phủ, kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế có triển vọng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch Covid-19.

Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là góp phần thiết thực phục hồi kinh tế trong tình hình hiện nay. Vấn đề là sau đại dịch, chúng ta cần quan tâm bài học nào, vận dụng và phát huy thế mạnh nào của người Việt Nam.

Vấn đề bao trùm là Việt Nam trong thời bình có thể làm nên những điều thần kỳ bởi nền tảng văn hóa truyền thống tuyệt vời. Cần khơi dậy điều đó. Người Việt Nam vốn thế, lúc thường thì cũng thường thôi, nhưng khi “lâm sự” thì dũng mãnh, kiên cường và vô cùng sáng tạo. Họ có tố chất để làm nên những điều phi thường.

Vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam trước tiên vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh giữ vững niềm tin vô giá ấy trong sản xuất kinh doanh, sau đó vận động người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam. Làm được như thế cuộc vận động chắc chắn sẽ có tiếng vang và hiệu quả vượt trội góp phần phục hồi thần kỳ kinh tế Việt Nam sau đại dịch. 

Theo daidoanket.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.634.087
Truy cập hiện tại 1.439