“Dạ thưa xứ Huế bây giờ…/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Bùi Giáng). Người Huế hay dạ thưa, nghe rất êm tai, thể hiện sự kính trọng với người trên kẻ dưới. Dạ thưa trước hết là trong gặp gỡ chào hỏi trưởng bối, và sau đó là trước mỗi câu nói, câu trả lời giao tiếp của người Huế. Trong thơ, tiếng “dạ thưa” hay gắn liền với hình ảnh cô gái Huế, ngọt ngào, dịu dàng, lễ phép, từ tốn đã tạo nên phong thái mỹ miều, đáng mến của người con gái.
Ngày xưa, khi tôi còn học Trường tiểu học Lê Lợi, bước vào cổng đã đọc được lời răn dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Rồi lớn lên mới thấy được giá trị tốt đẹp của câu "dạ thưa" đó, làm cho con người trở nên khiêm tốn. Dù anh là tiến sĩ, tướng tá, ông này bà nọ thì về đến nhà cũng phải biết dạ thưa ông bà, ba mẹ, cô dì, chú bác. Rồi văn hóa được thể hiện trên mâm cơm, đặt món ăn sao cho đúng vị trí, biết ngồi cho đúng chỗ, mời cơm và ăn cơm sao cho đúng lễ nghĩa… Những thói quen gia đình đó đã tạo thành bài học khi giao tiếp xã giao trong công việc và quan hệ xã hội, để được yêu thương. Thiết nghĩ, văn hóa được giáo dục gia đình vô cùng trân quý, cần được nâng lên là chuẩn mực văn hóa xã hội Huế.
Nhìn ra bên ngoài, đất nước Nhật Bản vốn rất nổi tiếng về giáo dục văn hóa đối nhân xử thế trong xã hội. Họ xem cái cúi đầu là nghi thức thể hiện sự tôn trọng cho người đối diện, và là sự khiêm cung của mình. Họ xem văn hóa xếp hàng là thể hiện sự tôn trọng và hợp tác trong xã hội, là cách thức duy trì trật tự và công bằng. Họ xem giữ gìn vệ sinh công cộng là nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Cả thế giới đã từng sửng sốt khi người Nhật vẫn duy trì được văn hóa xếp hàng ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất. Mặc dù mới trải qua đợt sóng thần hủy diệt nhà cửa, của cải và sinh mạng người thân, người Nhật vẫn xếp hàng theo thứ tự để nhận trợ cấp, sự giúp đỡ.
Ở Huế ngày nay, tôi cũng như nhiều phụ huynh thực sự lo lắng, trăn trở cho tương lai của một số con trẻ khi bị lây nhiễm thói hư, tật xấu của xã hội hiện đại. Trẻ con ở nhà vẫn dạ thưa ngoan hiền, nhưng ra đường thì chạy xe chở ba, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, người lớn phải lắc đầu ngán ngẩm. Ở trường thì một số em nghiện hút thuốc lá điện tử, mê chơi điện tử, chửi thề, bạo lực học đường, xem phim cấm…
Ngẫm lại câu nói của Tiến sĩ Giản Tư Trung - người dành tâm huyết cho phát triển giáo dục Việt Nam đã đúc rút rằng: “Mục tiêu giáo dục là dạy làm người”, dạy cho người biết làm, hành động, nói năng “đúng”, từ đó mà trở thành người có ích cho xã hội. Ngày nay, giáo dục ở trường phải chạy theo áp lực của thành tích, phải kiếm được công việc tốt, lương cao, nên thời gian đào tạo chủ yếu là kỹ năng, kiến thức mà ít đi giáo dục công dân, giáo dục làm người.
Nếu tiếng“dạ thưa” có thể trở thành một chuẩn mực văn hóa, thể hiện sự kính trọng, khiêm nhường, biết ơn của xã hội Huế thì những cái xấu như đi xe không đúng pháp luật, trẻ mê đắm những điều xấu, sự thù ghét lẫn nhau sẽ được tiết giảm và thay vào đó là những điều tốt đẹp. Trẻ lớn lên với sự khiêm nhường, hiểu lễ nghĩa, biết chia sẻ lợi ích cộng đồng thì đi đến đâu cũng được yêu mến. Để làm được điều đó chúng ta cần phát huy hơn nữa giáo dục gia đình mà gốc là ở phụ huynh và người lớn trong xã hội.
Cách đây vài năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã kêu gọi: “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”. Từ đó, “Ngày Chủ nhật xanh” đã trở thành nét văn hóa của Huế, đến cả trẻ tiểu học cũng biết ăn kẹo xong phải bỏ bao bì đúng vào thùng rác, không vứt ra đường nữa. Đó là di sản văn hóa sống, tốt đẹp cần được lưu truyền. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm sống để văn hóa dạ thưa có thể trở thành di sản văn hóa sống cho thế hệ trẻ Thừa Thiên Huế.