Suốt nhiều năm qua, làng nghề chuyên làm mứt gừng Kim Long nằm bên dòng sông Hương thơ mộng này vẫn đỏ lửa những ngày giáp Tết để cho ra thứ mứt thơm ngon và cay nồng. Ông Nguyễn Văn Dần (64 tuổi, trú tại phường Kim Long, TP Huế) cho biết, ông làm nghề mứt gừng truyền thống đã được hơn 30 năm. “Cứ vào dịp cuối năm, gia đình tôi lại tiếp tục công việc quen thuộc làm mứt gừng để phục vụ nhu cầu của người dân vào dịp Tết Nguyên đán” - ông Dân nói.
Để làm ra mứt gừng thơm, ngon, cay nồng, gia đình ông đã chọn mua gừng tươi ở khu vực cầu Tuần (xã Thủy Bằng, TP Huế) và thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), nhờ đó có được lát mứt đậm chất miền Trung.
“Củ gừng sau khi cạo vỏ, làm sạch và thái lát mỏng sẽ đem đi ngâm nước vo gạo khoảng một giờ để giảm độ cay nồng, sau đó vớt ra để ráo. Tiếp đến, đun nước sôi luộc gừng, cho vào một ít chanh, để ráo nước, trộn gừng với đường theo tỷ lệ nhất định. Sau khi trộn đều để ngấm khoảng một giờ sẽ cho gừng vào chảo và rim trên lửa than liu riu. Thỉnh thoảng trộn đều đến khi mứt gần sánh lại thì đảo nhanh và đều tay cho tới khi đường khô lại và xếp từng lát gừng duỗi thẳng, đặt chồng lên nhau từng lớp. Khi mứt gừng đã thẳng và khô, để nguội thì cho vào hũ thủy tinh hoặc túi nilon để bảo quản lâu ngày. Đó là lý do cứ mỗi năm chuẩn bị đón Tết, nhiều người thường tìm đến mua mứt gừng để biếu tặng người thân và bạn bè ở các tỉnh, thành trong cả nước” - ông Dân chia sẻ.
Ông Dân cho biết, mứt gừng hiện tại có giá khoảng 70.000 đồng/kg, mỗi dịp Tết đến, nghề làm mứt gừng đã mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 20 triệu đồng. Công việc tuy vất vả nhưng có nguồn thu nhập giúp gia đình trang trải cuộc sống vào những ngày Tết.
Theo bà Trương Thị Sương, nghề làm mứt gừng ở làng Kim Long đã có tuổi đời hàng trăm năm và mang một đặc trưng riêng biệt của vùng đất Cố đô. Mứt gừng Kim Long thường có lát nhỏ, mỏng, khi ăn sẽ có vị ngọt của đường và vị cay nồng của gừng, không lẫn vào đâu được.
Bà Sương cho biết, để làm ra mứt gừng thơm ngon, phải trải qua nhiều giai đoạn từ làm sạch củ gừng cho đến rim gừng. “Trong đó, quan trọng nhất là trộn tỷ lệ đường với gừng sao cho phù hợp và thời gian rim gừng. Nhờ đó mới cho ra thứ mứt thơm ngon và cay nồng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán” - bà Sương nói.
Là một trong những cơ sở làm mứt gừng lâu năm và uy tín tại làng Kim Long, bà Nguyễn Thị Kỳ cho biết, dịp Tết năm nay, gia đình bà sẽ thu mua khoảng 4 tấn gừng tươi để làm mứt. Theo bà Kỳ, vào dịp Tết nhu cầu của người dân tăng cao, nhiều khách gọi điện đặt hàng. Để kịp giao cho khách, bà Kỳ đã phải thuê thêm nhân công và làm việc ngày đêm mới kịp thời cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Theo nhiều người dân, khoảng vài chục năm trước, tại làng Kim Long có khoảng 30 hộ dân làm mứt gừng thủ công. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn khoảng vài hộ dân vẫn tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống của ông cha để lại. Nguyên nhân là vì công việc này mang tính chất thời vụ, thị trường tiêu thụ bị động, các mặt hàng ngoại nhập đa dạng, giá thành rẻ hơn rất nhiều nên số hộ làm mứt đang có xu thế giảm dần theo thời gian.
Ông Mai Khắc Phục - Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết, khoảng vài chục năm trước đây, hầu như các hộ sinh sống dọc trục đường Kim Long đều làm mứt gừng. Thời gian đầu họ chỉ làm với mục đích để sử dụng trong gia đình vào dịp Tết. Về sau này nghề làm mứt gừng phát triển mạnh ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Phục, từng có thời kỳ phát triển là thế, nhưng những năm trở lại đây, người làm mứt gừng tại Kim Long đang gặp khó khăn do thị hiếu và nhu cầu của khách hàng ngày càng thay đổi. Ngoài ra, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng bánh kẹo với mẫu mã đa dạng, do đó thị trường mứt gừng bị thu hẹp lại.
“Việc xây dựng và tạo nên một thương hiệu đã khó, để gìn giữ và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn rất nhiều, đặc biệt trong xu thế chung hiện nay. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu để giúp sản phẩm mứt gừng của người dân Kim Long có chỗ đứng ổn định trên thị trường, không chỉ phục vụ khách hàng vào dịp Tết, mà còn đưa vào phục vụ du lịch” - ông Phục thông tin.