MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Tìm mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm cho Huế
Ngày cập nhật 29/09/2023

Thừa Thiên Huế là 1 trong 12 địa phương được giao nhiệm vụ chủ động lựa chọn các mô hình du lịch đêm phù hợp, mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam. Chọn sản phẩm gì cho du lịch đêm để vừa tránh sự trùng lặp vừa mang bản sắc của từng địa phương là bài toán cần nghiên cứu kỹ.

Phố đi bộ Hai Bà Trưng, TP. Huế 

Cân nhắc mô hình sản phẩm

Tháng 7/2023 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất 1 đêm. Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xét ở góc độ phát triển, đó là cơ hội tốt cho du lịch Thừa Thiên Huế. Nhưng, bài toán trên không hề đơn giản, liên quan đến việc lựa chọn mô hình phù hợp, tạo sức hút, cũng là điều mà ngành du lịch Huế trăn trở suốt thời gian qua.

Trên thực tế, có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt ra trong đề án, đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ, bao gồm: Mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Trong bối cảnh tính cạnh tranh, chia sẻ lượng khách giữa các địa phương lớn, vấn đề đặt ra làm sao để tránh trùng lặp giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, thành trong cùng khu vực.

Lâu nay, Thừa Thiên Huế đã có các phố đêm, phố đi bộ về đêm. Song, khách quan để đánh giá, chưa thể khẳng định các mô hình đang hoạt động đảm bảo tính hiệu quả bền vững. Nhiều câu hỏi đặt ra là vì sao tỷ lệ lưu trú của khách đến Huế còn ít và ngắn ngày. Có lẽ, câu trả lời được nhiều người đồng tình nhất là do Huế thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm đúng nghĩa.

Lấp đầy “khoảng trống”

Kinh tế đêm, trong đó có du lịch đêm, mang lại doanh thu rất lớn, nhưng đây vẫn còn là “khoảng trống” chưa được khai thác hiệu quả, là thực trạng chung của không ít địa phương trong nước. Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chỉ ra rằng, hiện nay nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Tuy vậy, các sản phẩm du lịch, dịch vụ kinh tế đêm hiện chỉ tập trung ở nhóm dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm (ăn, uống…) là chính, trong khi các yếu tố văn hóa, nghệ thuật - là điểm giữ chân và mang du khách trở lại vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, tỉnh đã giao TP. Huế phối hợp với Sở Du lịch và một số ban, ngành xây dựng đề án nghiên cứu “Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm của TP. Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trọng tâm là du lịch, dịch vụ tập trung các loại hình chủ yếu sau: Dịch vụ giải trí (các hoạt động nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, các sự kiện văn hóa…), dịch vụ ẩm thực, mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, ẩm thực…) và du lịch (tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch, di tích văn hóa, các công trình kiến trúc, thưởng ngoạn, phố đi bộ, đường đi bộ). Hiện, đã bước đầu hình thành 4 tuyến phố đi bộ về đêm dịp cuối tuần và sẽ mở rộng để hoạt động thường xuyên vào các buổi tối.

Ngành du lịch tỉnh cũng đã đề xuất Cục Du lịch Quốc gia có chương trình làm việc cụ thể với từng tỉnh, thành được định hướng phát triển mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm nắm định hướng ý tưởng cho các tỉnh, thành phát triển sản phẩm làm sao tránh sự trùng lặp, mang bản sắc của từng địa phương, nhằm tạo sự đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách đến trải nghiệm và lưu trú dài hơn.

Ngoài những giải pháp mà tỉnh nhà đã và đang thực hiện, để có thể khai thác hiệu quả du lịch đêm, ngành du lịch cùng các đơn vị liên quan cần chủ động nghiên cứu kỹ các giải pháp dựa trên đặc trưng, các thế mạnh của Cố đô. Theo nhiều người dân và du khách, chính những đặc trưng văn hóa, ẩm thực ngon, tà áo dài của Huế là những yếu tố “gây thương nhớ” mà Huế có thể nghiên cứu ý tưởng, tìm sản phẩm du lịch phù hợp.

Dưới góc độ của một chuyên gia, ông Suhash Chandar, Giám đốc điều hành Asia DMC (chuyên đưa các đoàn khách MICE Ấn Độ đến Việt Nam) góp ý rằng, muốn đón thêm nhiều đoàn khách hơn nữa, các thành phố của Việt Nam cần có thêm những trung tâm mua sắm lớn. Vì nếu so sánh với Thái Lan hay Singapore, dịch vụ mua sắm, giải trí của Việt Nam còn ít, chưa đa dạng. Đây cũng là một gợi ý tốt mà Thừa Thiên Huế cần xem xét.

 
 

 

www.baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.634.654
Truy cập hiện tại 1.540