Sâm Bố Chính xuất hiện bệnh và bị chết ở Hương Trà |
Ngày 18/8, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (TT&BVTV, Sở NN&PTNT) cho biết, đã có văn bản về việc chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ bệnh thối gốc hại cây sâm Bố Chính tại một số địa phương.
Theo thống kê, diện tích trồng cây sâm Bố Chính toàn tỉnh khoảng 10,47 ha, trong đó huyện A Lưới trồng khoảng 7 ha, tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Sơn Thủy, Hồng Bắc, Lâm Đớt, Hồng Kim và thị trấn A Lưới; thị xã Hương Trà trồng 3 ha tập trung tại các xã Hương Bình, Bình Thành, Bình Tiến; thị xã Hương Thủy trồng 0,5 ha (trồng dưới tán rừng keo) tại phường Phú Bài và huyện Quảng Điền trồng 0,05 ha tại xã Quảng Phú.
Thời gian vừa qua, như Thừa Thiên Huế Online đã thông tin, cây sâm Bố Chính không chỉ chết hàng loạt ở huyện A Lưới, gây thiệt hại, khó khăn cho người trồng, mà tình trạng cây chết còn xuất hiện ở một số địa phương như Hương Trà, Hương Thủy với biểu hiện bệnh thối gốc như cây sâm ở A Lưới.
Năm 2023, thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thị xã Hương Trà triển khai xây dựng mô hình thí điểm liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu sâm Bố Chính với Công ty TNHH SCB Hoàng Gia. Địa điểm thực hiện mô hình liên kết này tại xã Hương Bình và xã Bình Tiến, mỗi xã 0,5ha với 2 hộ tham gia sản xuất.
Ông Trương Đăng Hoài Nghĩa, một hộ dân trồng sâm Bố Chính ở Hương Bình cho biết, tham gia mô hình, các hộ trồng sâm được Công ty TNHH SCB Hoàng Gia cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm củ tươi với giá 120.000 đồng/kg. Điều kiện được công ty đưa ra là cây sâm Bố Chính trong trong thời gian từ 9- 14 tháng, cây sâm không bị thối củ, trọng lượng củ đạt 3 - 18 củ/kg.
Tuy nhiên, sau thời gian tham gia trồng sâm (từ tháng 3/2023), cây sâm mới được 2-3 tháng tuổi thì xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh như héo lá, thối gốc rồi chết hẳn nhưng chỉ với diện tích nhỏ. Đến khoảng từ tháng 6/2023 khi cây sâm Bố Chính trong giai đoạn ra hoa và phát triển củ thì xuất hiện tình trạng cây héo dần, rụng lá, hoa và sau đó thối dần xuống củ. Mặc dù Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Công ty TNHH SCB Hoàng Gia sử dụng các biện pháp phòng trừ nhưng không hiệu quả.
Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV tỉnh, đến nay diện tích cây sâm Bố Chính toàn tỉnh bị bệnh thối gốc chết khoảng 5,75 ha, trong đó huyện A Lưới 4,72 ha, thị xã Hương Trà 0,75 ha, thị xã Hương Thủy 0,25 ha, huyện Quảng Điền 0,03 ha. Cây sâm bị bệnh thối gốc do nấm Fusarium spp gây ra (nấm này có nguồn gốc từ trong đất), bệnh tập trung gây hại nặng và gây chết cây từ giai đoạn phân cành, phát triển củ- thu hoạch.
Trước đó, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm DVNN huyện A Lưới tiến hành kiểm tra cây sâm Bố Chính bị bệnh chết tại xã Quảng Nhâm. Qua kiểm tra thực tế cây sâm Bố Chính đang giai đoạn ra hoa và phát triển củ. Một số vườn trồng sâm đã xuất hiện bệnh gây hại trên lá, nách lá, cổ rễ bị thâm đen và thối gốc làm chết cây với tỷ lệ 30-45%, cục bộ có vườn tỷ lệ cây chết 60-80%.
Chi cục TT&BVTV tỉnh đã tiến hành thu mẫu cây bị bệnh gửi Viện Bảo vệ thực vật giám định. Kết quả phân lập của Viện Bảo vệ thực vật, đây là bệnh thối gốc rễ hại cây sâm Bố Chính do nấm Fusarium gây ra. Nấm Fusarium có sẵn trong đất sẽ dễ dàng tấn công vào chóp rễ, làm rễ bị thối. Bệnh thường phát sinh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ cao, trồng mật độ dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, vườn thường xuyên ngập nước và thoát nước kém.
Nhiều diện tích cây sâm Bố Chính ở A Lưới chết khô trên ruộng |
Để chủ động phát hiện và phòng trừ bệnh thối gốc rễ cây sâm Bố Chính, nhằm hạn chế bệnh phát tán gây hại trên diện rộng, Chi cục TT&BVTV tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, đánh giá tình hình phát sinh, phát triển gây hại của bệnh thối gốc rễ cây sâm Bố Chính. Đồng thời thông tin, báo cáo cho đơn vị này biết để phối hợp, hướng dẫn các biện pháp xử lý và phòng trừ bệnh kịp thời.
Các giải pháp trước mắt đối với những cây đã bị chết cần tiến hành nhổ bỏ, đem ra khỏi vườn tiêu hủy. Đối với các vườn cây đang bị nhiễm bệnh cần kết hợp phun toàn cây và tưới gốc bằng các loại thuốc hóa học như Insuran 50WG, Ridomil Gold 68WG, Aliette 800WG… nhằm hạn chế bệnh phát tán lây lan trên diện rộng.
Khuyến cáo nông dân tiến hành tháo dỡ nilong để hạn chế nấm bệnh phát tán lây lan trên diện rộng. Tiến hành xới xáo giúp đất tơi xốp, bón phân cân đối đầy đủ, không bón thừa đạm, tăng cường bón vôi hoặc Calcium Nitrate, kết hợp bón thêm phân hữu cơ hoai mục được ủ với nấm đối kháng Trichoderma sp giúp cây sinh trưởng tốt và tăng khả năng chống chịu bệnh.
Về lâu dài trước khi gieo trồng từ 15-20 ngày nên cày lật lớp đất mặt, kết hợp bón vôi vào đất và tiến hành phơi tầng đất bề mặt trong vài ngày, lên luống cao từ 20-30 cm, đất trồng phải thoát nước tốt, tơi xốp. Nếu đất quá ẩm phải đào rãnh nước thoát sau khi có mưa lớn tránh để cây bị ngập úng tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công bộ rễ và lây bệnh sang các cây khác trong vườn.
Bón phân cân đối đầy đủ, nên bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, vôi hoặc Calcium nitrate, giúp cây sâm sinh trưởng phát triển tốt tăng khả năng chống chịu bệnh hại. Sử dụng cân đối NPK, không bón nhiều phân đạm và ngưng bón phân đạm khi bệnh đang có xu hướng phát triển. Tránh gây tổn thương rễ trong quá trình trồng trọt, chăm sóc. Khử trùng các dụng cụ lao động để giảm thiểu nguồn bệnh lây lan từ cây này sang cây khác.
Chi cục TT&BVTV khuyến cáo, biện pháp hóa học trừ bệnh trên cây sâm Bố Chính thường có hiệu quả thấp do tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất. Tuy nhiên, trong những trường hợp bệnh hại nặng có thể dùng một số loại thuốc phun để hạn chế bệnh lây lan như Insuran 50WG, Ridomil Gold 68WG, Aliette 800WG. Trong khi đó, biện pháp sinh học có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đối kháng như (nấm Trichoderma sp) bón vào đất nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan.
|