Tác phẩm "Thử vải" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Tuyên |
Được phát động từ ngày 8/3, sau hơn 5 tháng, nhịp sống và con người của Đông Ba đã được những nhiếp ảnh gia ghi lại một cách chân thật. Những hàng quán tại khu chợ như gian hàng nón lá, gian hàng tạp hóa, gian hàng đồ gia dụng, gian hàng chạp phô, quầy vàng bạc đá quý, gian hàng vải… đều xuất hiện trong tác phẩm của những nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Tuấn, Hoàng Văn Phước, Lê Văn Minh và Nguyễn Trường Tuyên. Tác phẩm “Thử vải” (nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Tuyên) được nhiều người yêu thích vì màu sắc rực rỡ của vải và chiều sâu trong bức ảnh. “’Nhân vật thử vải trong hình như khoác lên mình một bộ đồ tráng lệ, đầy sắc màu”, Lê Hoàng Quân, 22 tuổi, khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Đến thăm chợ Đông Ba đúng vào dịp khai mạc triển lãm, Hoàng Quân có dịp ngắm những bức ảnh của khu chợ này trước khi đi vào tham quan, mua sắm. Lần đầu đến với Đông Ba, chàng trai trẻ có thể cảm nhận được nét đẹp lao động, niềm vui giữa cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân Đông Ba thông qua những tác phẩm “Vượt khó” và “Công việc thường ngày” (Nguyễn Khoa Huy), “Công việc thầm lặng lúc về đêm” (Phan Thị Xuân Mai), “Giữ cho chợ sạch đẹp” (Hoàng Văn Phước), “Tranh thủ ăn trưa” và “Sàng lọc” (Nguyễn Khoa Mạnh Hùng), “Chợ sớm” (Nguyễn Đăng Hạnh).
Hình ảnh gia đình tiểu thương tranh thủ ăn trưa với bữa cơm đạm bạc, hay những anh, chị công nhân vệ sinh dọn dẹp khu chợ trong mưa để chuẩn bị cho phiên chợ mới đưa đến cho Hoàng Quân ấn tượng sâu sắc về sự vất vả, về nhịp đập của cuộc sống mưu sinh.
Dẫu vất vả, niềm vui và sự lạc quan vẫn hiện diện trong từng con người. Nụ cười của tiểu thương mỗi khi bán được hàng được ghi lại trong “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” (nhiếp ảnh gia Phan Ngọc Thắng), “Văn minh, thân thiện, giá cả phải chăng với khách hàng” (nhiếp ảnh gia Lê Văn Minh) hay “Nụ cười mến khách” (nhiếp ảnh gia Vương Công Nam).
Ngoài ra, những trải nghiệm của khách du lịch đến chợ cũng là đề tài được nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn. Hình ảnh hai bé gái vui cười lựa những trái cam ngọt trong trang phục áo dài, đội nón lá trong tác phẩm “Bé cũng đi chợ” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Khoa Huy được nhiều người yêu thích bởi vẻ hồn nhiên, vô tư và đáng yêu. Vẻ hài lòng của khách mua hàng cũng được truyền tải trong “Chọn món” và “Cả nhà cùng đi chợ” (Nguyễn Trường Tuyên), “Phục vụ tại chỗ” (Hoàng Văn Phước) hay “Du khách thưởng thức ẩm thực tại chợ” (Nguyễn Khoa Huy).
Ban Quản lý chợ Đông Ba xuất hiện trong những khung hình với sự quan tâm, ân cần đối với tiểu thương và người dân, cũng như nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của bản thân. Những công việc của Ban Quản lý chợ như hỏi han người dân, kiểm tra thiết bị phòng cháy, đi tuần đêm hay trực camera để kiểm tra tình hình trong chợ đều được những nhiếp ảnh gia ghi lại.
"Mạch nguồn kết nối" của nhiếp ảnh gia Phan Thị Xuân Mai |
Sau thời gian sửa chữa, chỉnh trang, hiện nay, chợ Đông Ba trở thành một khu chợ đẹp, sạch sẽ và sầm uất. Sự đổi thay của chợ Đông Ba xuất hiện trong “Đông Ba ngày mới” (Nguyễn Khoa Huy), “Chợ Đông Ba – điểm đến của mọi nhà” hay “Mạch nối” (Phan Thị Xuân Mai). Đặc biệt, với tác phẩm “Mạch nguồn kết nối” với góc chụp rộng, nhiếp ảnh gia Phan Thị Xuân Mai đã cho người xem thấy được hình ảnh bên trong chợ Đông Ba nhộn nhịp người mua, kẻ bán nhưng vẫn giữ được sự trật tự, ngăn nắp và sạch sẽ.
Tham dự triển lãm, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đánh giá, triển lãm có nhiều tác phẩm tốt, thể hiện nhiều khía cạnh của cuộc sống tại khu chợ đã 124 năm tuổi. Con người Đông Ba hiện lên trong những khung hình với sự ấm áp, thân tình, văn minh, thân thiện.
Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba chia sẻ, triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 124 năm xây dựng và phát triển chợ Đông Ba; đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp của bà con tiểu thương đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp, cốt cách của con người Huế, góp phần xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài.