Liên quan đến các tục lệ gả cưới, thai sản, thờ cúng phổ thông trong gia đình người Huế, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng, trước đây việc tổ chức các nghi lễ gả cưới, tang ma, giỗ chạp theo hướng hài hoà giữa văn hóa truyền thống, có sự giao lưu giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian nên mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Theo thời gian, giờ đây một số nghi lễ đã bị phôi phai truyền thống văn hoá, tổ chức rình rang, đông đúc..., kéo theo nhiều hệ luỵ trong xã hội. Vì vậy, trong các tập tục đó có các điểm chung mang những giá trị cần được bảo tồn, kế thừa, nhưng vẫn có nhiều điểm không phù hợp với xã hội hiện nay, cần phê phán, thay đổi để thích ứng.
Lan tỏa các giá trị văn hóa
Ngày 1/6/2022 Thành ủy Huế ban hành Nghị quyết 05 về việc “Tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 05, Thành ủy Huế vừa phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán và hệ giá trị văn hoá con người Huế” với quyết tâm xây dựng TP. Huế “Văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc” trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống.
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho rằng, Huế là một trong những trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, là vùng đất có nền văn hóa, lịch sử đặc sắc của Việt Nam. Với những yếu tố khác biệt, đặc sắc bắt nguồn từ các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú đã làm Huế hội đủ các điều kiện cần để trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế cũng kéo theo những nguy cơ tác động xấu đến các giá trị đạo đức, làm phôi pha truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, nề nếp, gia phong trong cộng đồng cũng như trong mỗi dòng họ, gia đình.
Theo PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, Nhân dân thường xuyên đấu tranh với những bất lợi của thiên nhiên để xây dựng cuộc sống, đấu tranh với nhiều thế lực áp bức, bóc lột của cường quyền, sự xâm hại và thống trị của giặc ngoại xâm... nên đã hình thành nhiều phẩm chất cao quý tạo nên truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống đoàn kết, truyền thống xây dựng tổ ấm gia đình và cố kết dòng họ được củng cố và vun đắp thành đặc điểm về văn hóa lối sống của đa số cư dân Huế.
Ông Đỗ Bang nhấn mạnh, để gìn giữ gìn các truyền thống tốt đẹp đó, thành phố cần ngăn chặn các tệ nạn xã hội từ các đối tượng vị thành niên; quan tâm đến việc chăm sóc người già, neo đơn trong xã hội; chú trọng đến vấn đề bạo lực gia đình, ly hôn và bất bình đẳng giới. Ngoài ra, sự bảo lưu, xung đột giữa nhiều thế hệ cũng cần có giải pháp dung hòa trong các dòng họ; cần xây dựng các thiết chế giáo dục mới, đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài ở các dòng họ… nhằm lan tỏa các giá trị truyền thống trong mỗi gia đình, dòng họ.
Dưới góc nhìn của TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, văn hóa Huế, con người Huế đã hội tụ sự sáng tạo, hình thành nên một sắc thái riêng thể hiện những giá trị của văn hóa Kinh kỳ - biểu tượng cho văn hóa Việt suốt nhiều thế kỷ. Để phát huy hiệu quả các giá trị tinh thần con người Huế cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như bồi dưỡng ý thức cộng đồng, chú trọng tiếp thu cái mới thể hiện tính quyết đoán, ý chí phấn đấu vươn lên; tăng cường tuyên truyền nâng cao dân trí, nếp sống cư dân đô thị, tạo điều kiện cho mọi người thể hiện năng lực của mình. Trong đó, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ cả kinh tế và văn hóa, đồng thời mở rộng giao lưu nhằm tiếp thu tinh hoa các vùng miền trong nước và thế giới, phát huy vai trò của cơ quan, đoàn thể trong định hướng tổ chức các phong trào hoạt động.
Bài, ảnh: THANH HƯƠNG
https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/khang-dinh-va-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-126309.html