Nói như vậy để thấy tầm quan trọng đặc biệt của “phố đêm” trong việc giải quyết những khoảng trống thời gian vào ban đêm của du khách, bởi chức năng, tính chất đặc thù của nó.
Hiện nay, xu hướng “du lịch ngắm cảnh” dần nhường chỗ cho xu hướng “du lịch xâm nhập/khám phá” ngày càng thịnh hành. Phương châm cốt lõi của người làm kinh tế du lịch là níu giữ khách ở lại lâu nhất, với hiệu suất cao nhất từ sự hợp lý của các điểm đến, và nhất là phải tiêu tốn nhiều tiền nhất mà vẫn luôn hài lòng. Muốn vậy, điểm đến của du khách phải có sức hấp dẫn đặc biệt nhờ vào những ấn tượng đặc trưng, tạo nên cảm giác mới lạ. Phần lớn du khách đều dành hết thời gian, tiền bạc để thăm thú, thưởng thức và mua sắm những sản phẩm đặc trưng đó.
Thành phố Huế nhỏ về diện tích, nhưng lại chứa đựng nhiều di sản văn hóa đặc trưng một thời Kinh đô - Cố đô, đặc biệt với di sản ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, diễn xướng..., được coi là những phong vị chính ở khu phố đêm. Phố đêm chính là một không gian đặc hữu để đưa các di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, phục vụ du khách và cả người dân địa phương. Điều đó càng ý nghĩa với Huế - thành phố Festival, vận hành trong thị trường theo lý thuyết marketing, phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch hiện đại.
Mô hình khu du lịch phố đêm - Night Bazaar với vai trò khu trung tâm cho du khách khám phá, mua sắm, tìm thấy những nét riêng của điểm đến. Từ đây, nó còn được bổ sung bởi nhiều vệ tinh là các di sản, làng nghề thủ công truyền thống, làng du lịch đầy chất hoang sơ, nguyên thủy.
Kinh đô Huế có nhiều quan xưởng, tập trung tinh hoa nghệ nhân cả nước và từ đó, ảnh hưởng sâu rộng ra dân gian. Từ đây, nhu cầu tái trưng tập, phục hồi di sản ngành nghề thủ công cao cấp được đặt ra bức thiết cho công tác nghiên cứu, trùng tu và phục vụ du khách theo phân khúc thị trường khắt khe. Chốn kinh sư, xứ thiền kinh, định hình nên di sản ẩm thực vô cùng độc đáo, cũng là tài nguyên vô tận cho việc chuyển hóa thành nhiều sản phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu nghiên cứu, học thuật, y lý lẫn phát triển du lịch dịch vụ.
Vấn đề đặt ra là để định vị phố đêm, cần bảo đảm các yếu tố căn bản của thị trường cho phương pháp tiếp thị dịch vụ tổng hợp, bao gồm: sản phẩm (với các hàng hóa, dịch vụ, con người, nơi chốn và ý tưởng..., để chăm sóc theo đúng nhu cầu, sở thích của khách hàng, thu lợi nhuận); giá cả (hợp lý, “tiền nào của nấy”); thúc đẩy hoạt động buôn bán (hỗ trợ sản xuất, tiếp thị); vị trí (các hoạt động sản xuất ra sản phẩm, phục vụ khách hàng). Từ đây, có thể bổ sung ba yếu tố quan trọng khác là con người (chủ thể trực - gián tiếp sản xuất, vận chuyển, bán hàng), quy trình (thủ tục, quy trình hoạt động), bằng chứng cụ thể (để thêm sức thuyết phục).
Ở các khu phố đêm, ẩm thực và hàng thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ trọng lớn, có sự bổ sung hợp lý của các chủng loại hàng hóa hiện đại theo nhu cầu thị trường, kể cả hàng ngoại nhập. Khu phố đêm luôn nằm trong một chỉnh thể liên hoàn với nhiều di sản, không gian văn hóa và du lịch, tạo sự tập trung, thuận lợi cho du khách tiếp cận điểm đến với nhiều tiện ích, đặc biệt từ ba thành tố cơ bản là khu mua sắm, khu chợ đêm và khách sạn. Trong đó, chính phố đêm cũng đã là một phức thể tổng hợp liên hoàn giúp du khách giảm thiểu thời gian để tăng hứng khởi với việc khám phá ba khu vực: Khu sản xuất, khu bán hàng và khu ẩm thực. Điểm mấu chốt là sản phẩm phong phú, khả năng thu hút du khách từ quy trình sản xuất, cảnh quan hài hòa, con người thân thiện - sứ giả văn hóa, với giả cả hợp lý, luôn làm hài lòng du khách.
Quy trình liên hoàn, chặt chẽ đó sẽ giúp du khách khám phá các tầng văn hóa, thoải mái nhờ cảm giác mới lạ của các sản phẩm độc đáo, giá cả và thời gian hợp lý cùng các tiện ích tối ưu của hạ tầng, giao thông, khách sạn, nhà vệ sinh, vấn đề truyền thông, quảng cáo...
Trên khung sườn căn bản đó, tùy định hướng chiến lược và thế mạnh đặc trưng mà số lượng, cấu trúc, chức năng và tính chất khu phố đêm ở địa phương được định hình, hướng tới để xây dựng, phát triển, trở lại thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, nhất là di sản nghề thủ công, ẩm thực đặc trưng. Với Huế, phố đêm ở Khu phố Tây là một thử nghiệm đầu tiên đáng ghi nhận, rồi Phố đêm Hoàng thành như đúng tên gọi của nó, thuần túy mang tính đặc hữu của một phố đêm trong không gian Đại Nội cổ kính, là một cuộc thử nghiệm đầy táo bạo tiếp theo. Từ quá trình thử nghiệm đó, cần nghiêm túc soát xét, đánh giá những điểm thuận lợi và khó khăn, thành công và hạn chế... để thực sự rút kinh nghiệm, làm tốt hơn trong thời gian tới, ở chính hai trường hợp đầu tiên, đặc biệt là ở phố đêm Hai Bà Trưng sắp được thành hình.
Đó là nhu cầu bức thiết trong chiến lược xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa đặc hữu Cố đô.
Bài: Trần Đình Hằng - Ảnh: Tư liệu
https://baothuathienhue.vn/chuyen-pho-dem-thanh-hue-a124268.html