Tôi dạo bước trên cầu Trường Tiền, chiếc cầu là ký ức mang theo của bao người Huế xa xứ. Chiếc cầu đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và vấn vương lòng lữ khách phương xa, như tôi ngày ghé đến. Gió từ sông nhẹ nhàng thổi lên, luồn qua mái tóc, tôi như thấy một Huế rất hiền lành, xưa cũ, luôn ôm ấp trong mình miền hoài niệm của một chốn kinh kỳ. Phía bên kia sông hàng phượng vỹ buông mình soi bóng nước. Mùa phượng nở, từng chùm, từng chùm đỏ rực thắp lên bầu trời những nét chấm phá vô cùng ấn tượng.
Và Huế rất xanh! Một màu xanh được tổng hòa nên từ những hàng cây nội ô thành phố đến rừng núi, ruộng đồng, làng trồng rau, dòng sông, thôn xóm,… Sắc xanh nổi bật giữa những ngày miền Trung nắng vàng óng ả. Thong dong ra ngoại thành, du khách có thể bắt gặp những xóm thôn bình yên với hàng cau xanh cao vút hay những liếp rau xanh ngát mà người nông dân các xã ở Quảng Điền đã dày công chăm bón. Nếu rừng Rú Chá thu thu hút nhiều tay máy chụp sắc vàng thì mùa những cây cối xanh non, du khách sẽ thấy căng lồng ngực trước mướt mát những mảng xanh bất tận. Du khách cũng có thể thu vào tầm mắt non xanh nước biếc khi dạo bước ở Vườn Quốc gia Bạch Mã. Những lối mòn nơi đây êm ả một màu xanh, các hồ nước cũng trong veo xanh ngan ngát.
Vùng đất kinh kỳ còn níu chân du khách bằng nét ẩm thực rất Huế trong từng hương vị. Tôi nhận ra điều ấy khi lạc bước đến chợ Đông Ba. Đây là một ngôi chợ đã gắn bó với người Huế qua bao thế hệ. Chợ quê tự bao đời dường như luôn có một mãnh lực ghê gớm làm nao lòng người. Người xa xứ lâu ngày về thăm cố hương hay người xứ xa một ngày ghé đến, muốn tìm về những sản vật địa phương, nghe giọng bản địa thì chợ quê dường như ôm trọn vào lòng tất cả điều ấy. Đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, vải vóc, bánh trái, món mặn, món ngọt,… đều góp mặt trong chợ. Du khách có thể dễ dàng tìm cho mình một chiếc áo dài sắc tím mộng mơ, một chiếc nón lá bài thơ nặng tình xứ Huế.
Đi một vòng quanh chợ, tôi như hoa mắt bởi ngồn ngộn những món đặc sản. Các mệ, các o tiểu thương người Huế khéo tay sắp xếp mẹt tôm chua thành những vòng tròn xếp lớp, từ nhỏ đến lớn nhìn như một bông hoa màu đỏ au, hấp dẫn. Bánh bèo chén trắng ngà, từng chén nhỏ xinh thơm mùi bột, xếp vòng tròn trên chiếc mẹt tre trông mới dễ thương làm sao. Bánh nậm, bánh lọc cũng là những thức quà ăn nhẹ mà ngon ở đây. Tuy chỉ là những loại bánh ăn chơi nhưng trong đó cũng là cả một quá trình chọn lọc từng nguyên liệu để chiếc bánh thật ngon, thật khéo. Nhớ hôm vừa đến Huế, tôi có ăn ở một hàng ăn trong con hẻm nhỏ. Bà cụ bán bánh đã nói với tôi: “Khâu pha bột để làm bánh cũng phải thật khéo giữa tỉ lệ bột và nước. Bởi nếu bột ít nước sẽ khô mà chỉ cần nhỡ tay thêm nhiều nước thì bánh sẽ bị chảy. Phần nhân tôm được chọn kỹ càng để cho chiếc bánh thơm ngon nhất. Sẽ tròn vị hơn khi bánh được ăn với nước mắm thơm ngon, có những lát ớt cay nồng".
Huế vẫn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa quý báu. Ảnh: Mộc Miên
Dạo một vòng chợ, nếu muốn đem chút quà Huế về cho người thân bạn bè có thể chọn trà cung đình được quyện hòa bởi nhiều loại thảo dược tốt cho sức khỏe như atiso, hoa hòe, nụ vối, hoa lài, cam thảo, cỏ ngọt. Ngoài ra, dầu tràm, mè xửng, kẹo cau, mắm tôm chua, nem Huế,.. cũng là những đặc trưng thường được chọn. Ghé Huế lần này, tôi tìm đến một món ăn rất riêng xứ này đó là cơm hến. Dường như không riêng món này mà những món ăn khác của Huế đều tỉ mẩn trong cách chọn nguyên liệu và chế biến. Có khi phần nguyên liệu khá dân dã nhưng lại tạo nên phong vị vô cùng tự nhiên, hấp dẫn bởi cách nấu cầu kì của người Huế với một chút gì đó mang hương Huế gửi vào.
Tôi ghé vào hàng của một bà cụ khá lớn tuổi. Chiếc bàn con bày vài cái ghế nhựa mà rất đông thực khách. Tôi chăm chú lắng nghe khi bà vừa chuẩn bị tô cơm hến cho tôi vừa vui vẻ kể về món ăn này. Bà bảo thực ra đây là một món ăn dân dã của một thời còn nghèo khó. Qua thời gian, cơm hến trở thành món ăn quen thuộc với nhiều du khách thập phương khi đến Huế. Tùy người chế biến nhưng đều có những điểm chung như cơm nấu chín phải để nguội hẳn mới làm cơm hến được. Hến sau khi được bắt về ngâm rửa sạch rồi luộc, có người còn cho vào nước luộc vài lát gừng tươi. Sau đó khéo léo đãi lấy phần thịt hến, bỏ đi phần vỏ cứng rồi xào cho thấm đều gia vị. Phần nguyên liệu kèm theo phong phú như mỡ heo xắt thành miếng nhỏ rán vàng lên bỏ đi phần mỡ chảy ra chỉ lấy phần tóp mỡ, da lợn phơi khô chiên phồng, đậu phộng rang vàng, dầu bột ớt. Phần rau đi kèm có bắp chuối bào sợi, dọc mùng, rau thơm, giá, khế chua…
Nếu đã đủ đầy vị mặn, du khách có thể thay đổi vị giác bằng cách thưởng thức các món chè trứ danh xứ Huế. Chè bán vào chén hoặc ly để khách mang đi, người ta dường như tìm thấy chè ở khắp ngõ hẻm, con đường xứ Huế. Ghé vào một hàng chè bất kỳ, du khách có thể sẽ thấy mình hoa mắt với đa dạng những sắc màu. Chè Huế mang đến một món ăn nhẹ nhàng vị thanh tao, sắc thanh nhã. Từ các loại đậu có chè đậu đen sóng sánh, chè đậu ván, đậu ngự béo bùi, chè hoa cau vàng ruộm màu đậu xanh tách vỏ. Từ các loại củ, trái cây thì có chè nhãn bọc hạt sen, chè khoai tím, chè khoai môn, chè chuối, chè bắp,… Còn một món chè khá lạ là chè bột lọc heo quay. Lúc đầu nghe có vẻ như là một món ăn mặn nhưng dưới bàn tay tài hoa, người đầu bếp đã khéo léo kết hợp vị mặn, vị ngọt tạo nên món chè độc đáo.
Đến thăm Huế, một thành phố đang từng ngày đi lên và phát triển mà vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa, di sản lòng lại càng yêu thêm một vùng đất. Bước chân ra về, vẫn còn luyến lưu ngắm nhìn lần nữa dòng Hương thơ mộng êm đềm, cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp. Không biết có phải vì vẻ đẹp bình yên của nơi này hay giọng nói ngọt lịm của o người Huế chợ Đông Ba đã làm tôi bị mê hoặc thật sự. Hẹn nhé Huế ơi một ngày trở lại. Huế ơi, đến nhớ về thương!