Tôi đến với Huế lần đầu chừng giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước. Lần ấy còn chưa làm báo nên neo lại ở với Huế khá lâu. Đi ngang đi dọc khám phá nhiều. Những đền đài thành quách vẫn còn, nhưng vàng son đã tàn tạ vì thời gian và chiến tranh. Sông Hương núi Ngự vẫn đấy, mà phong vị sơn thủy hữu tình mờ đi vì bảng lảng nghèo khó triền miên. Vẫn biết, rồi xứ này sẽ thay đổi, sẽ đẹp đẽ trở lại…
Sau đó là bao nhiêu chuyến đi khác đến Huế, qua Huế, nhưng đều là đi nhanh, lướt qua. Thấy Huế đã dần thay đổi, nhưng không có điều kiện ở lại lâu mà thấm lấy. Cho đến chuyến đi năm vừa rồi…
***
Lần này, việc đầu tiên tôi đến là để tận mắt chứng kiến nghệ thuật pháp lam vàng son một thủa đã được khám phá, khôi phục, được sống trở lại để hòa vào thời đại mới. Ở cung An Định cổ xưa, đúng vào dịp Fetival Huế 2022, người ta trưng bày một bộ gồm 20 bức tranh nghệ thuật pháp lam vẽ Truyện Kiều theo nguyên bản các tranh minh họa của họa sĩ Mạnh Hưng in trong “Truyện Thúy Kiều” do Nhà in Ngô Tử Hạ ấn hành năm 1925 tại Hà Nội.
Bộ tranh pháp lam này do đội nghệ nhân tâm huyết của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết cùng các cộng sự thực hiện từ những gợi ý và tài trợ của một nhóm các nhà báo, văn nghệ sĩ và bạn bè rất mực tha thiết với Huế và yêu thích thi hào Nguyễn Du. Nghệ thuật pháp lam cung đình Huế đã thất truyền cách đây chừng 200 năm, được tìm tòi để phục dựng thành công trở lại.
Nghệ thuật pháp lam Huế là sáng tạo từ những hấp thụ nghệ thuật phương Đông và phương Tây để tạo nên một dòng riêng với tư duy độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, làm nên vàng son trang trí nội thất tự khí và pháp lam ngoại thất tại các cung điện, đền đài và sống động ở các đồ ngự dụng, trang sức hoàng gia. Pháp lam có khởi đầu phát triển từ thời vua Minh Mạng, trở nên rực rỡ dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức. Sau đấy, cùng với quá trình suy thoái của nhà nước phong kiến, pháp lam cũng mai một dần theo…
***
Lần này tôi cũng mới được chầm chậm đi lên đi xuống một vòng sông Hương cùng với mấy bạn văn, bạn báo. Sông Hương, thời ly loạn, Cao Bá Quát viết “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Thánh Quát vốn bất mãn với triều đình, đau lòng với những ngang trái, muốn bẻ gậy chống lại trời, nên mới nhìn sông Hương hiền hòa mà ra thành thanh kiếm sắc dựng giữa trời xanh.
Giờ, chúng tôi đi thuyền thong dong ngược sông Hương lên điện Hòn Chén (hay Hoàn Chén, nơi ghi dấu huyền tích rùa ngậm chén vàng bơi lên trả vua lỡ tay đánh rơi xuống sông), thì thấy “Sông Hương hóa rượu ta đến uống/Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say” như trong bài thơ viết về Huế của nhà thơ đương đại cũng là một nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo. Nguyễn Trọng Tạo đã từng sống một thời gian khá dài với Huế và biệt chúng ta lên cõi khác cách đây đã hơn ba năm.
Phải rồi, giờ sông Hương trong lành, thơ mộng, đẹp đẽ, như một nguồn rượu cho tâm hồn ta đến uống lấy mà say, mà thăng hoa trong những xúc cảm đẹp đẽ về thiên nhiên, về lịch sử, về văn hóa và con người xứ Huế. Tôi đã đi qua nhiều dòng sông chảy qua các đô thị, thành phố. Không thấy một con sông nào sạch và đẹp như sông Hương.
Người ta không cần xây kè để chống lấn chiếm hai bên bờ sông Hương. Hai bên sông ngập tràn màu xanh, thấp thoáng những vườn cây, làng mạc, chùa chiền… Trên mặt nước sông không vương một búi rác, một mảnh túi nylon… Cũng không thấy vó bè giăng mắc, không thấy lưới thả, lưới phơi. Cũng còn một vài chỗ thả nuôi cá bè, nhưng nghe đâu, sắp tới người ta sẽ dẹp đi hết để nhằm giữ mãi cảm xúc nguyên vẹn của dòng xanh nơi đây…
Hai bên bờ sông Hương cũng đã kịp mọc lên một số công trình dân sinh, công trình phục vụ các nhu cầu của phát triển du lịch, có các khu resort, nghỉ dưỡng… Nhưng theo nhà báo Lê Thanh Phong, một người yêu Huế đến độ thắm thiết, luôn luôn “gay gắt” đấu tranh cho việc gìn giữ sông Hương trong lành, thì tốc độ mọc lên các công trình này là “chầm chậm” thôi. Chính vì không lựa chọn tăng trưởng và đô thị hóa một cách nóng nảy và sốt ruột ở vùng đất hai bên bờ sông Hương mà sông Hương mới giữ được vẻ đẹp đến nao lòng trước mắt du khách. Sông Hương của xứ Huế là một hình mẫu về gìn giữ những ưu đãi của thiên nhiên mà các thành phố, đô thị đang phát triển hiện nay cần học theo.
Tôi có đặt ra mấy câu hỏi với Lê Thanh Phong và các bạn văn nghệ đi cùng thuyền trôi trên sông Hương: Những người dân ở các làng mạc bên bờ sông Hương cũng cần bám vào dòng sông như một sinh kế chứ, vậy có nguồn sống nào để cho họ gìn giữ được mãi dòng sông này như hiện nay không? Câu trả lời là, nếu xứ Huế có thu nhập cao lên từ du lịch, thì phải có cách để điều tiết. Còn mở rộng ra các nguồn thu nhập khác cho những người dân ấy như thế nào, thì phải là kết quả của những trăn trở và bí quyết của những người có trách nhiệm lãnh đạo ở xứ này.
Lại hỏi: Nhìn sông Hương là biết ở đây nếu tổ chức nuôi thả thủy sản sẽ mang lại lợi ích lớn, sẽ đánh đổ các lợi ích khác thì sao? Câu trả lời là, không đánh đổi, hơn nữa, Huế là một vùng biển dài, có thể khai thác và canh tác thủy sản bằng cách nuôi biển. Lại còn bạt ngàn mặt nước ưu đãi thảo ngư ở Phá Tam Giang nữa cơ mà…
***
Câu trả lời lại vừa nhắc đến Phá Tam Giang. Bao lâu nay, tôi cứ đinh ninh rằng mình đã đi thuyền trên Phá Tam Giang. Là bởi có lần đi trên vịnh Lăng Cô, có ai đó nói nơi này là điểm cuối của Phá Tam Giang về phía Nam, thế là găm vào trí nhớ, cứ nghĩ như thế là mình đã lênh đênh trên mặt Phá Tam Giang rồi. Ai đó hỏi đã đến Huế thì đi Phá Tam Giang chưa, cũng bảo rồi rồi, rất dứt khoát thế.
Hóa ra là không phải. Lăng Cô không thông gì với Phá Tam Giang. Lần này đến Huế mới thật sự là đi trên Phá Tam Giang. Và thêm bao nhiêu hiểu biết mới...
Hóa ra tất cả các dòng sông ở Huế đều không đổ ra thẳng biển. Chúng đều chảy vào Phá Tam Giang. Có nhiều con sông, nhưng gọi là Tam Giang là từ tên ba con sông lớn nhất chảy nước vào phá này là sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu. Rồi sau đó, từ Phá Tam Giang, nước mới chảy ra biển qua hai cửa, Thuận An ở phía Bắc và Tư Hiền ở phía Nam.
"Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu". Thu Bồn viết thế và "lòng" trong câu thơ này chính là lòng Phá Tam Giang. Phá Tam Giang như một cái khiên vĩ đại (dài 24 cây số), với diện tích đến hơn 52 km2, che chắn cho cả chiều ngang Huế trước những cơn bão biển. Nhưng nó cũng làm chậm nước lụt từ các dòng sông từ dãy Trường Sơn đổ về, không trôi nhanh được ra biển, nên xứ Huế ngoài tên gọi xứ mưa còn có tên là xứ lụt.
"Thương em anh cũng muốn vô/Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang". Ngày xưa, từ ngoài Bắc đi vào Huế, trước hết phải qua Truông Nhà Hồ, sau đó vượt Phá Tam Giang, thì mới đến kinh thành Huế được. Truông Nhà Hồ có bọn cướp dữ, Phá Tam Giang thì sóng gió bất thần. Thế là thành muôn trùng xa cách...
Giờ thì Phá Tam Giang đã quá an bình, có nguồn thủy sản độc đáo và quý giá độc nhất vô nhị của xứ Huế. Tôm cá cua ghẹ sò ốc lươn nhệch... ở đây được gọi là thảo ngư, những món hải sản rất lành, ngon ngọt với mọi miệng sành ăn. Cá ở Phá Tam Giang có nhiều loại không nơi nào có, như cá nâu, cá kình, cá ong bầu, cá dìa... ngày xưa chỉ dành cho vua xơi, nay mình cứ thoải mái chén.
Đi thuyền xong, ngồi trên Cồn Tộc, thưởng thức bánh xèo cá kình, tỉ mẩn gỡ thịt con cá nâu, gỡ lòng con cá ong bầu nho nhỏ vừa vớt lên hấp nguyên cả vảy, hay gắp miếng lịch xào chuối, miếng cua gạch nấu bí xanh lạ lẫm rồi chiêu ngụm rượu, trong hoàng hôn đang sẫm dần xuống, thì đúng là không có cái thú thư thả nào có thể bằng được...
Cái thú tôi kể ở trên nơi Phá Tam Giang, hỏi ra thì biết là cũng chưa có thật nhiều người được thụ hưởng. Đấy là do chưa được truyền thông nhiều chăng? Hỏi thế thì bỗng muốn nhắn gửi đến Huế: Huế ơi, hãy cứ chầm chậm nhé, nhưng mà phải nhộn nhịp hơn lên nữa chứ…