Quy hoạch đô thị là mối quan tâm từ lâu của con người. Giữa thế kỷ XX, thế giới chứng kiến nhiều nhân vật, trường phái không thống nhất trong cách nhìn nhận và phương thức quy hoạch đô thị hiện đại: Một bên thiên về bố cục theo cấu trúc có tính hệ thống, chỉn chu, mỹ thuật và tiện lợi, không chú trọng ưu tiên đến gạch nối lịch đại, hoặc nhân nhượng có giới hạn giữa tư duy lý tính và cảm xúc con người; một bên nghiêng về những giá trị cảm xúc cũng như hồn cốt riêng của nơi chốn, có thể chứa đựng những đặc điểm không phù hợp với nơi khác, nhưng lại làm nên tính cách, chân dung, không gian sống của cộng đồng chủ thể.
Sự bất đồng về bản sắc, đặc điểm địa lý, chính trị, lịch sử, tiếp biến văn hoá..., đã tạo nên những mẫu không gian kiến trúc; trong đó, con người sở tại với tư cách chủ thể, có thể mang nhiều nét đặc thù, thậm chí bao hàm cả cái hay lẫn không hay.
Vũ Hiệp khi nghiên cứu về “Lý thuyết nơi chốn trong thiết kế đô thị” (Tạp chí Kiến Trúc, 2015) đã nhắc đến M. Heidegger, xem hiện tượng con người trong môi trường sống, được bao bọc trong hai chiều ngang dọc chi phối bởi bản thể học và chính trị học. Trong đó, “Chiều dọc là chiều ẩn giấu cái độc nhất hiện hữu. Là môi trường xung quanh con người để con người xác định sự tồn tại của mình, để cảm thấy sự hiện hữu đặc biệt của mình. Cho nên, trong thời đại chúng ta, ý thức chân thực về nơi chốn dần dần bị lu mờ bởi sự huỷ hoại vô tình các địa điểm đặc biệt, cũng như sự kiến thiết cảnh quan bị quy chuẩn hoá” (Edward Relph).
Tôi muốn nhìn đô thị Huế với tư cách là người sinh ra, lớn lên và quan tâm đến văn hoá nơi chốn mình sinh sống trên hai yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt cần coi đó là điều tiên quyết cần thống nhất trong các dự án quy hoạch (ngắn, dài hạn) đối với một đô thị đặc thù như Huế. Suy cho cùng, trục tư tưởng - triết lý, linh hồn và sức sống là vấn đề chiến lược cốt lõi, phải được xác định, khẳng định cái “tôi” của Huế. Mọi biểu hiện đủ đầy từ đáng yêu, đáng ghét, đẹp, xấu, hay, dở... sẽ phù hợp hay không là tuỳ đối tượng du khách, nhưng cái bản ngã của Huế là vậy, không thể tự đánh mất - “Huế mình rứa”. Dù gì đi nữa thì trong chiến lược khai thác du lịch, đó là điều quyết định, sự thu hút từ sự khác biệt. Khám phá sự khác biệt là một mục đích hưởng thụ độc đáo của du lịch.
Yếu tố khách quan
Ở đây, dù không đi sâu phân tích về tự nhiên, lịch sử, văn hoá, tính cách con người... nhưng ai đã tìm hiểu thì cũng có thể dễ dàng đồng cảm về những gì thiệt thòi, sự đền bù thích đáng của tạo hoá dành cho Huế. Thời tiết khắc nghiệt, địa hình hẹp và dốc, nhưng thiên nhiên lại như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Mang danh thủ phủ xứ Đàng Trong, kinh đô thời Tây Sơn và kinh đô Đại Nam thống nhất, nhưng Huế vẫn có “tiếng” hơn có “miếng”. Cuộc sống của phần lớn quý tộc, quan lại và các giai tầng xã hội vẫn không dư dật, thoải mái.
Chính sự trầm lắng, yên bình, sự chậm rãi, thư thái và tinh tế... là nét quyến rũ khó đâu sánh bằng. Thành phố mà cây xanh như chiếc áo của tự nhiên phủ lên cơ thể Huế khiến cho mọi công trình cứ thấp thoáng, thoắt ẩn, thoắt hiện, như một nàng thiếu nữ sang cả trong bộ đồ lụa trước ánh sáng tự nhiên của trời xanh mây trắng. Một thành phố mà những vị trí đẹp nhất đều dành cho công viên, với chất lượng không khí tuyệt hảo, có nguồn nước sinh hoạt ngon - sạch. Một dòng sông huyền thoại tự thân hiện lên điều riêng có, chinh phục thế giới bằng sự kiêu hãnh, không cần tự giới thiệu nhiều về mình...
Huế là kinh đô của triều đình Nguyễn, với quốc khố chủ yếu thu từ tô thuế đinh điền, không phát triển thương nghiệp, thì tiềm lực và bổng lộc cho hoàng gia, quý tộc, quan lại, trí thức, nghệ sĩ, hay cư dân chốn kinh kỳ khó đáp ứng được danh phận đáng có. Từ nút thắt tréo ngoe giữa danh phận và thực lực đó đã tạo nên cái riêng có của Huế: người Huế giải quyết mâu thuẫn trầm kha đó bằng phương thức “sang” hóa cái “nghèo”. Đó chính là chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa khác biệt của Huế.
Tính cách nghèo mà sang, khó nhưng vẫn giữ được nề nếp, là điều người Huế đã vật lộn qua bao đời để định hình nên. Trên khía cạnh đời sống vật chất - tinh thần, mọi sản phẩm con người làm ra đều dựa trên căn bản nguyên vật liệu bình thường những với phương thức khác thường -phi thường để che đậy sự nghèo - thiếu, bằng sự tỉ mẩn và năng lực thẩm mỹ: sự tinh tế, tiểu vẻ, công phu, thanh mảnh, điềm đạm, thon thả... Tất thảy ẩn chứa nhiều điều buộc người khác phải khám phá, như Hàn Mặc Tử thấm thía cái thần Huế: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.
Những đặc điểm trên có lẽ được khởi nguồn bằng những “thủ thuật” hay “tài năng vận dụng” nhằm che giấu những thiệt thòi, dần trở thànhthói quen thích ứng tự nhiên, tạo nên nếp sống, lối giáo dục... ẩn chứa hoặc dẫn dắt người khác phải thừa nhận những giá trị nghệ thuật, trên cái nền nguyên liệu, chất liệu khiêm tốn, để hoá thân làm nên điều kỳ diệu mà ít người, ít nơi thể hiện được.
Thực tiễn sinh động của cuộc sống dễ dàng dẫn chứng hàng loạt ví dụ, từ phục trang, kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật tạo hình, diễn xướng, phong cách, ngôn ngữ giao tiếp, nếp sinh hoạt của người Huế đã từng trở thành dấu ấn rất riêng. Đáng tiếc là chúng đang ngày càng phai nhạt dần bởi nhiều lý do, đó là tiếng thở dài của biết bao người Huế.
Nguyên nhân khách quan làm mất dần nét khác biệt nơi chốn của từng vùng đất, chính là xu thế hội nhập, sự bùng nổ của hiện tượng di trú, sự thu hút ngoài mong muốn của nhiều thành phần khác nhau đổ dồn về trung tâm, cộng thêm điều kiện giao lưu dễ dàng, thông tin tràn ngập và áp lực dân số... Hơn nữa, xu thế hướng ngoại, lệch chuẩn những giá trị thẩm mỹ, đạo đức truyền thống, thói quen thiếu văn minh... ngày càng lây nhiễm lan tràn bởi sự phức tạp của đời sống kinh tế thị trường không lành mạnh, của nền giáo dục chưa đáp ứng kịp với những đổi thay của xã hội.
Những giá trị khác biệt của mỗi vùng từ đó cũng bị những tác động khách quan này xoá nhoà, thay vào đó là các yếu tố tiện nghi, hào nhoáng, xa hoa, có phương tiện đầu tư, quảng bá giàu thuyết phục ngày càng lấn lướt, tạo ra những điểm có tính thời thượng hấp dẫn du khách hướng đến.
Yếu tố chủ quan
Ngày trước, du khách đến Huế luôn ấn tượng sâu sắc khó quên nhờ vào nề nếp, tính cách con người. Nó làm cho cảnh sắc thiên nhiên, di tích văn hóa, cung đình, tôn giáo, quý tộc dân dã... trở nên duyên dáng, đầy ý nghĩa, lạ lẫm và sinh động. Sự điềm đạm, chậm rãi, lịch sự, khiến các cô gái Huế không phải vô cớ được lưu danh trong văn chương ký sự, âm nhạc...
Nói vậy không hẳn là cổ xuý hay mơ mộng làm sống lại hoàn toàn cái cũ bởi đó là điều không tưởng, nhưng tiếng “dạ”, lời “xin lỗi”, “cám ơn”, tính tiểu vẻ, lịch sự, phong lưu, thong thả, nề nếp, có chút khép kín... luôn là nét đẹp cần nhắc lại và làm sống lại. Xây lầu cao quá dễ, nhưng làm sống lại nét đẹp hồn cốt, phục dựng những điều vô hình ấy là thiên nan- vạn nan. Nhưng nếu không có bắt đầu từ giáo dục, chế tài, khuyến khích, cổ vũ... thì làm sao nghĩ đến dựng lại nét Huế “chẳng nơi nào có được” đã từng đi vào thi ca nhạc hoạ, vào nỗi nhớ của kẻ tha hương và ký ức khó quên đối với du khách.
Nhiều giá trị sang trọng của Huế đã bị bình dân hoá, núp dưới mỹ danh xã hội hoá để rồi bị tầm thường hoá (Ca Huế, nhã nhạc, tuồng thầy, cơm vua, thuyền rồng, bún bò, cơm hến, bánh lá,...). Cây xanh, công viên, ánh sáng, hoa cảnh, cổng chào, tượng đài... đều là những đối tượng của những ngành khoa học, chứ không phải là ý tưởng cảm tính chủ quan của những cá nhân bắt chước cái lạ mà ngỡ là mới, quyết tâm “lộng lẫy” cho bằng người dù rất loè loẹt.
Điều kiện vật chất hạn chế mà vẫn giữ được nét sang cả, đó là bài toán cần phân tích nghiêm túc, đậm giá trị học thuật, phải có sự tham gia bằng những tổng kết lâu đời của kho tri thức bản địa Huế. Hãy trả lại cho Huế dù một phần chút sang cả, đủng đỉnh và tinh tế ngày nào. Nếu cho điều ấy là cần thiết và có ý thức tôn trọng, phục hồi nó, chính là chúng ta đã bước được một chân vào cuộc cạnh tranh về việc tạo ra sự khác biệt trong hành trình chinh phục của ngành văn hoá du lịch, dịch vụ.