Ngày 5/3 vừa qua, sự cố người dùng bị đăng xuất khỏi các nền tảng mạng của Meta (Facebook, Messenger, WhatsApp...), không thể truy cập, không thể nhắn tin trong hơn một tiếng đồng hồ khiến nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng. Người thì tự hỏi tại sao mình lại bị đăng xuất? không biết mình có bị “hack” không?
Sự việc này đặt ra câu hỏi mạng xã hội có vị trí thế nào trong cuộc sống chúng ta? Liệu chúng ta có đang bị lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội?
Rõ ràng, mạng xã hội đang là xu hướng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của rất nhiều người. Không lo lắng sao được khi mạng xã hội đang chiếm hữu cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là facebook, meta... Với những lợi ích mà mạng xã hội mang lại như kết nối bạn bè, kết nối xã hội, giúp người dùng tiếp cận và tham gia các hội nhóm học tập, trao đổi, tìm hiểu kiến thức, tham gia các lĩnh vực mà mình quan tâm, chia sẻ và thu nhận những kinh nghiệm, hiểu biết trong cuộc sống… Thậm chí, nhiều người đã khá thành công khi sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, phát triển sự nghiệp, quảng bá thương hiệu; nhiều người tìm được những người bạn có chung sở thích, cùng chí hướng, bạn tri âm tri kỷ...
Không lo lắng sao được khi mà nguồn thu nhập chính của nhiều người có thể bị mất đi khi mạng xã hội biến mất. Đơn cử như chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily trong phiên live bán hàng tuần trước trong 13 giờ đồng hồ đã chốt doanh thu 75 tỷ đồng; hay những cái tên như “chiến thần review” Võ Hà Linh, "Chúa tể vạn đơn" Phạm Thoại... và hàng trăm, hàng nghìn cá nhân, tập thể, doanh nghiệp khác cũng rất thành công khi sử dụng mạng xã hội để kinh doanh. Thông qua mạng xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực khác như văn hóa, khoa học, y tế, chăm sóc sức khỏe... cũng trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, tạo điều kiện để phát triển kinh doanh. Cũng chính vì đó, giá trị của một tài khoản mạng xã hội có thể sẽ rất lớn, và nếu bị mất tài khoản, bị “đăng xuất” khỏi mạng xã hội, không khác gì người ta bị mất đi chiếc “cần câu cơm” vô cùng hữu dụng.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp thành công khi sử dụng mạng xã hội để kinh doanh
Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng lại có rất nhiều người mất thời gian vô bổ vào mạng xã hội để giải trí. Khá nhiều bạn trẻ mỗi ngày mất nhiều giờ đồng hồ để lướt mạng, “săn thông tin” mà chủ yếu là những thông tin ít giá trị, thậm chí là “tin vịt”, tin không được xác minh. Ngoài ra, nhiều người online chỉ để tán gẫu, tranh cãi về một vấn đề vô bổ, không có hồi kết. Có một thực tế là đã có rất nhiều người bị chìm đắm vào thế giới ảo, những người bạn ảo, dần dần sống khép mình, xa rời những việc thực người thực. Chính vì sự lạm dụng khiến nhiều người bị phụ thuộc, từ đó không thể rời xa mạng xã hội bởi ám ảnh nếu bị bỏ lỡ thông tin, sợ bị lạc hậu, mất kết nối với bên ngoài, dần dần trở thành “con nghiện”, “nô lệ” của mạng xã hội, và khi bị “đăng xuất”, họ cũng buồn bã, lo lắng tới “mất ăn mất ngủ”.
Theo thống kê mới nhất của We are social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu), Việt Nam có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, trung bình mỗi ngày sử dụng internet khoảng 7 giờ, với nhiều hoạt động giải trí, kết nối xã hội, mua sắm, kinh doanh... Đây là con số đáng giật mình bởi tính toán kỹ ra, trung bình mỗi người mất khoảng 10 giờ mỗi ngày cho hoạt động ngủ, ăn, sinh hoạt cá nhân, 7 giờ cho mạng xã hội thì khoảng thời gian còn lại cho làm việc, cho các mối quan hệ xã hội là quá ít. Và khi giành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, đương nhiên sẽ làm giảm năng suất công việc, giảm thời gian học tập, trau dồi kiến thức, tư duy, sáng tạo, chăm sóc bản thân và các mối quan hệ xã hội... Không những thế, tham gia vào mạng “ảo”, làm quen với những con người ảo, người ta dễ dẫn đến xa rời thực tế, có những ứng xử ảo, lệ thuộc vào các mối quan hệ ảo, và dần thiếu đi kỹ năng xử lý trong các tình huống ngoài đời thật, kỹ năng sống ngày càng mai một…
Câu hỏi đặt ra là mỗi chúng ta có định lượng cho mình được thời gian dành cho mạng xã hội không? Có chủ động sử dụng mạng xã hội một cách hữu ích hay không? Hay cũng bị cuốn theo thế giới ảo đầy hấp dẫn, cuốn theo những trò giải trí thoáng qua. Liệu chúng ta có đang bị thiếu kiểm soát khi sử dụng mạng xã hội cho nhu cầu giải trí, mua sắm; có bị thay đổi theo chiều hướng xấu khi liên tục tiếp xúc với thông tin một chiều… Với các bạn trẻ lứa tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội khi chưa đủ kỹ năng, kiến thức, “bộ lọc”, khó cưỡng lại sự hấp dẫn của mạng xã hội, thì việc không kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ trở thành vấn nạn, và dễ dàng bị mạng xã hội điều khiển hành vi.
Sử dụng mạng xã hội có rất nhiều lợi ích, vấn đề là chúng ta sử dụng những nền tảng này như thế nào, liều lượng ra sao. Với mỗi người, thời gian cần thiết phải sử dụng mạng xã hội là khác nhau, do đó, phải tỉnh táo để phân biệt mặt lợi và hại của mạng xã hội, thời điểm, thời gian sử dụng, từ đó giành thế chủ động thông tin, chủ động trong mọi tình huống, để nếu bị “đăng xuất”, sẽ không phải ngơ ngác, lo lắng hỏi nhau “chuyện gì xảy ra với tài khoản của tôi”.
Còn đối với những người chỉ sử dụng mạng xã hội để giải trí, thì thay vì bận tâm đến những điều không tưởng, hãy sống bằng thực tế, không để mạng xã hội chiếm hữu tâm trí, thời gian, năng lượng của mình. “Con dao hai lưỡi” mạng xã hội sẽ là công cụ của những người đủ tỉnh táo, đủ bản lĩnh, luôn biết phải làm gì, ứng xử thế nào với các nền tảng công nghệ ngày càng thông minh, ngày càng hấp dẫn, “dẫn dụ” người dùng chạy theo nó, nhưng sẽ là “ông chủ” của những người kém kỹ năng, thiếu bản lĩnh khi tham gia mạng xã hội toàn cầu./.
Thương Huyền