Nhưng vì sự ảo tưởng đó mà cáo sinh ra chủ quan, coi thường những con vật trong rừng, cuối cùng dẫn đến kết cục bi thảm là bị sư tử vồ mồi, nuốt chửng. Với hàm ý đó, châm ngôn có câu: “Đừng để trí tưởng tượng của bạn làm bạn quên mất cả sự thực”, hay “Đừng thấy cái bóng to trên tường mà tưởng mình vĩ đại”.
Câu chuyện ngụ ngôn là bài học sâu sắc nhắc nhớ chúng ta phải nhận thức rõ vị trí, khả năng, thực lực của bản thân trong cuộc sống. Nếu ai quan trọng hóa, cường điệu hóa, ảo tưởng hóa về bản thân thì đó là mầm mống thất bại, có thể dẫn tới kết cục cay đắng.
Thời gian gần đây, người ta hay nhắc đến những cụm từ “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng quyền lực” để ám chỉ một bộ phận người trong xã hội ít nhiều bị mắc bệnh hoang tưởng về khả năng, thực lực, sức mạnh bản thân.
Triệu trứng “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng quyền lực” biểu hiện ở nhiều khía cạnh: Coi mình như “cái rốn của vũ trụ” nên lúc nào cũng dương dương tự đắc; đi đâu, ở chỗ nào cũng tỏ ra mình là “người quan trọng”; tìm mọi cách khuếch trương về vị thế, năng lực bản thân; tự nghĩ rằng lời nói nào của mình cũng đúng, cử chỉ nào của mình cũng hay, việc làm nào của mình cũng đáng được tung hô, sản phẩm nào cũng mình làm ra cũng đáng được đón nhận; trong khi bản thân lại thiếu sự lắng nghe, đồng cảm, tôn trọng ý kiến người khác.
Thời nay, hầu như ngành nghề nào, lĩnh vực nào, địa vị nào cũng có người có thể bị “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng quyền lực” bởi cả lý do khách quan và chủ quan. Khách quan là do thời buổi giao lưu rộng mở, môi trường xã hội thông thoáng, thời đại “thế giới phẳng”, kỷ nguyên thông tin bùng nổ, báo chí - truyền thông nở rộ, nên ai cũng có nhu cầu khẳng định, đề cao giá trị bản thân để đông đảo người khác biết đến. Nhưng lý do chủ quan là nhiều người muốn thể hiện “cái tôi” quá mức, thích đánh bóng tên tuổi bản thân quá đà và ưa sự tung hô, lăng xê quá lố của những người xung quanh mà không hề hay biết mình đang bị “ngáo” danh vọng viển vông, hão huyền.
Ảnh minh họa.
Đừng ai nghĩ rằng, đâu chỉ có cô ca sĩ này, chàng diễn viên kia, chị người mẫu nọ thường suy nghĩ bồng bột, thích sống trong hào quang giả tạo nên dễ mắc bệnh “ngôi sao”, “siêu sao” có thể làm khuynh đảo môi trường văn hoá giải trí; mà đáng nói hơn là những nghề nghiệp, những địa vị bấy lâu được xã hội trọng vọng, nể vì, thì nay cũng đã bị quyền lực làm “mờ ảo” nhân cách họ. Từ giáo viên, bác sĩ, nhà ngoại giao, luật sư, thẩm phán, điều tra viên đến giáo sư, tiến sĩ, tướng lĩnh, anh hùng... đều có thể trở thành nạn nhân của chính mình và “tội đồ” của xã hội bởi họ không biết “cầm cương” quyền lực nghề nghiệp, nên để cho “con ngựa quyền lực bất kham” đã “quật ngã” khiến họ bị “đứt gánh giữa đường”.
Điều đáng quan ngại nhất là vấn đề “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng quyền lực” đang diễn ra trong đời sống chính trị. Một số cán bộ, công chức sau khi được nhà nước và nhân dân trao cho công quyền thì thay vì phải phụng công thủ pháp, dĩ công vi thượng, lấy việc dân, việc nước làm trọng thì lại biến quyền công thành quyền tư, coi quyền lực chính trị là quyền lực của riêng mình. Từ đó họ sinh ra tâm lý chủ quan, tự đại, tự mãn với quyền lực được trao, kéo theo đó là hành vi lạm quyền, lộng quyền, thậm chí chuyên quyền, độc quyền, làm cho quyền lực chính trị bị méo mó, biến dạng. Hậu quả là họ đã bị quyền lực làm tha hoá bản thân, nếu nhẹ thì bị tước quyền chính trị, nặng hơn thì bị tước quyền công dân, còn đau đớn hơn là cả đời bị mất quyền “ngẩng cao đầu” với thiên hạ!
Trí tuệ, tài năng là quyền lực bẩm sinh của những người may mắn sở hữu nó. Quyền lực chính trị là quyền lực chung của cộng đồng, xã hội nên những người sở hữu nó phải có trách nhiệm chính trị, trách nhiệm công vụ, trách nhiệm đạo đức với nhân dân, với đất nước. Nếu ai không thấu hiểu và tuân thủ điều cốt tử này thì dễ mắc bệnh “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng quyền lực” khiến họ không kiểm soát được hành vi quyền lực rồi sớm muộn cũng bị sa vào “vũng lầy” tha hóa quyền lực!./.
Thiện Văn
https://www.tuyengiao.vn/ngao-quyen-luc-153126