Các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp được các sở, ngành quan tâm |
Tiếng nói của doanh nghiệp được phản ánh
Triển khai từ năm 2018, việc đánh giá chỉ số DDCI đã thể hiện được tiếng nói của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ chức kinh tế (gọi chung là doanh nghiệp) đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về chất lượng điều hành và hỗ trợ kinh doanh của chính quyền. Qua 6 năm thực hiện, các chỉ số được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế góp phần nâng cao chỉ số điều hành chung của tỉnh.
Trên cơ sở đánh giá DDCI năm 2022 và mục tiêu đặt ra của DDCI năm 2023, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương đã có nhiều đổi mới trong thực hiện khảo sát. Ngoài có những thay đổi trong Hội đồng đánh giá DDCI, các trọng số câu hỏi cũng được điều chỉnh phù hợp mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Hội đồng DDCI năm 2023 cũng điều chỉnh số lượng đơn vị được đánh giá từ 34 xuống còn 32 đơn vị sở, ban, ngành và địa phương. Phương án khảo sát được thực hiện bằng đường gửi thư thông qua đơn vị phối hợp Viettel Post đối với nhóm địa phương. Và trong năm 2023 này, các doanh nghiệp khảo sát được hỏi sâu hơn về vai trò của địa phương đối với chỉ số tiếp cận đất đai.
Theo đánh giá của Hội đồng, kết quả đánh giá DDCI năm 2023 ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Nếu xét về tổng thể, điểm trung bình tổng 8 chỉ số thành phần đều tăng mạnh và tăng từ 54,34 điểm năm 2022 lên 61,31 điểm năm 2023. Về chi tiết, DDCI năm 2023 cho thấy có 5 nhóm tăng điểm, 3 nhóm giảm điểm nhẹ.
Trong đó, chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng mạnh 3,26 điểm đạt 8,50 điểm cho thấy doanh nghiệp được đối xử công bằng hơn và sự ưu ái giữa các doanh nghiệp nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số thiết chế pháp lý đạt mức cao là 8,91 điểm, tăng 2,38 điểm thể hiện sự hài lòng của doanh nghiệp với quy trình phản ánh, khiếu nại và chất lượng giải quyết khiếu nại của đơn vị được khảo sát. Chỉ số chi phí thời gian đạt số điểm 8,37 tăng 0,83 điểm cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tăng mức độ hài lòng với thái độ ứng xử của cán bộ, quy trình thủ tục đúng hẹn và quá trình thanh tra, kiểm tra bớt nhũng nhiễu hơn.
Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội nhận được sự đồng hành từ chính quyền |
Chỉ số chi phí không chính thức cũng tăng 0,55 điểm, đạt 5,64 điểm, ghi nhận hiện tượng nhũng nhiễu và chi phí không chính thức có cải thiện. Cuối cùng, chỉ số tính năng động đạt 7,12 điểm, tăng 0,72 điểm cho thấy, công tác giải quyết vấn đề doanh nghiệp kiến nghị được cải thiện, các đơn vị được đánh giá cũng đã năng động hơn trong việc tham mưu UBND tỉnh các vấn đề, sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, ba chỉ số gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số vai trò người đứng đầu có xu hướng giảm nhẹ.
Theo kết quả xếp hạng, Kho bạc Nhà nước tỉnh dẫn đầu nhóm sở, ban, ngành, đứng thứ hai là Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và Sở Tư pháp xếp thứ 3. Đối với nhóm địa phương, lần đầu tiên UBND huyện Nam Đông xếp thứ nhất, tiếp đến là UBND huyện Phú Lộc và UBND huyện Quảng Điền.
Kiến tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cho biết, việc triển khai đánh giá DDCI được xem là kênh thông tin đáng tin cậy, rộng rãi và minh bạch để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương. Từ đó tạo thành điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ chính quyền và xem đây là công cụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông qua kết quả đánh giá cũng tạo động lực phấn đấu, thi đua về công cuộc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chú trọng cải thiện các thủ tục hành chính thuộc các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp, góp phần tăng vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong “Top 5” và thuộc vào “Nhóm tốt” của cả nước. Kết quả tăng trưởng liên tục trên bảng xếp hạng PCI trong 5 năm qua và việc Thừa Thiên Huế 2 năm liên tiếp duy trì top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc phần nào cho thấy những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành của tỉnh. Sự góp ý thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp chính là nền tảng để Thừa Thiên Huế có những điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khi-no-luc-cua-chinh-quyen-duoc-doanh-nghiep-cong-nhan-136777.html