MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Nhìn thẳng - Nói thật: Thói phê bình “liều mạng”
Ngày cập nhật 05/01/2024

Lý thuyết phê bình văn nghệ hiện đại luôn đề cao vai trò tiếp nhận của công chúng. Bởi lẽ theo thời gian, các thế hệ công chúng sẽ bồi tụ chiều kích tác phẩm mà tác giả cũng không ngờ đến. Tùy thuộc vào ý thức hệ, gu thẩm mỹ, phông văn hóa, môi trường xã hội... mà công chúng sẽ “đồng sáng tạo” với tác giả ra sao.

Công chúng thường chia ra làm hai: Chuyên gia và công chúng thông thường. Chuyên gia không nên hiểu chỉ là những người được đào tạo bài bản về lý thuyết văn nghệ. Trở thành chuyên gia hoàn toàn có thể tự đào tạo và đặc biệt phải thưởng lãm nhiều tác phẩm mới có cái nhìn so sánh, đưa ra những nhận định xác đáng.

Sự khác biệt giữa hai đối tượng công chúng lộ rõ khi đối diện với tác phẩm vượt tầm hiểu biết thông thường, hay gọi theo thuật ngữ của mỹ học tiếp nhận là “tầm đón đợi”. Chẳng hạn với tranh hiện thực và cực thực, không cần hiểu nhiều về lý thuyết hội họa, không cần xem nhiều tranh, ai cũng có thể đưa ra phán đoán thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu là tranh trừu tượng, những vấn đề về chủ đề ẩn giấu, hình khối, độ tương phản, cấu trúc... thì phải là người có kiến thức nhất định và đã thưởng lãm nhiều loại tranh này mới cảm nhận được. Có sự khác biệt này là vì kiến thức nghệ thuật trong chương trình phổ thông từ trước đến nay không đề cập đến nghệ thuật trừu tượng.

Chuyên gia là những người có tiếng nói thẩm quyền nhưng không độc quyền; việc bàn luận về văn nghệ, nhận xét khen chê, bất cứ ai cũng có quyền cất tiếng nói thể hiện quan điểm, thái độ. Mấu chốt là bàn luận dưới góc độ nào và ra sao.

Đáng buồn là hiện nay, trên không gian mạng xảy ra vô số hiện tượng tung hô bốc trời hoặc dìm xuống “bùn đen” tác phẩm văn nghệ nào đó mà không dựa trên bất cứ lý lẽ thuyết phục nào. Nhiều người “phán” về một bộ phim thậm chí còn chưa xem, chỉ nghe người khác bàn luận, cũng hùa theo góp lời. Thậm chí còn có hiện tượng “bỏ bóng đá người”, công kích cá nhân, tập thể sáng tạo mà không cần quan tâm chất lượng tác phẩm ra sao. Đây đích thực là kiểu phê bình “liều mạng”, bất chấp tất cả, nói chỉ để sướng miệng, thể hiện cái tôi tùy tiện.

Kiểu phê bình tai hại này sinh ra từ tâm lý đám đông. Một người không có chuyên môn, a dua, nhận xét cảm tính bằng những lời lẽ hùng hồn, sẽ lây lan sang người khác. Dần dần sẽ tạo ra luồng ý kiến, khối dư luận có vẻ là khách quan nhưng thực ra lại đầy cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, làm nhiễu loạn các giá trị.

Lúc này, vai trò của các chuyên gia rất quan trọng. Thông qua các sinh hoạt học thuật, phương tiện báo chí truyền thông, thậm chí là trang cá nhân trên mạng xã hội, những tiếng nói thẩm quyền sẽ phân tích tác phẩm, định hướng thẩm mỹ một cách khoa học, thuyết phục. Từ đó, chân giá trị của tác phẩm sẽ được định vị rõ ràng, vàng thau không thể lẫn lộn.

Nhưng điều đáng buồn là không ít chuyên gia, ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng” lại mũ ni che tai. Nguyên do là họ ngại va chạm và không loại trừ “lợi ích nhóm”. Ví như chuyện một ca sĩ nhạc rap đình đám kết hợp với dàn nhạc giao hưởng. "Fan cuồng" của ca sĩ nhạc rap đương nhiên tung hô thần tượng nào là “sáng tạo”, “độc đáo”, “vượt trên tất cả”... Thực ra cách làm này đã xuất hiện ở nước ngoài hơn 30 năm, chuyện mới, cũ không quan trọng mà là chất lượng các tác phẩm chuyển soạn. Đáng tiếc là không một nhà lý luận phê bình âm nhạc nào lên tiếng, bỏ rơi công chúng lúng túng không biết sản phẩm âm nhạc này hay, dở ra sao.

Khen, chê tác phẩm văn nghệ thường không bị “tuýt còi” nên độ “liều mạng” của lối phê bình tán dóc, a dua, cảm tính này được dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn. Đội ngũ chuyên gia ở từng môn nghệ thuật mỏng dày khác nhau nhưng tiếng nói thẩm quyền lúc nào cũng có. Cần nhất chính là dũng khí, thẳng thắn, lao mình vào những “điểm nóng” văn nghệ của các chuyên gia. Những hiện tượng lai căng, bắt chước, nhảm nhí, rẻ tiền, xấu độc phải bị phê phán; những tác phẩm giàu giá trị chân thiện mỹ, vì con người, góp phần dựng xây nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần được cổ vũ, khuyến khích. Nếu làm được những việc kể trên, lĩnh vực phê bình mới góp phần làm lành mạnh đời sống văn nghệ.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

www.qdnd.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.635.767
Truy cập hiện tại 1.734