MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội
Ngày cập nhật 03/01/2024

Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, nhằm tăng cường sức mạnh toàn diện cho Quân đội, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh[1] vào Quân đội, giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy.

Dẫu rằng, thời gian Đại tướng Nguyễn Chí Thanh công tác trong Quân đội không dài, nhưng Đại tướng đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đặc biệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc xác định những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, thể hiện ở những nội dung chủ yếu:

Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vấn đề hàng đầu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quan tâm chăm lo xây dựng là củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Phải tăng cường xây dựng Đảng, phải coi công tác xây dựng Đảng là căn bản nhất trong việc xây dựng Quân đội”[2]. Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân, “không có Đảng mạnh thì không có Quân đội mạnh”[3]. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Quân đội chỉ được phát huy khi đã xác lập được một cơ chế lãnh đạo hợp lý.

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định dứt khoát quan điểm: “Quân đội ta là Quân đội của Đảng và thực tiễn cũng đã khẳng định điều đó. Do nắm vững quan điểm cơ bản đó mà chúng ta đã chủ trương Đảng lãnh đạo tuyệt đối Quân đội. Chúng ta kiên quyết đấu tranh chống tất cả các khuynh hướng cho Quân đội là phi Đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội”[4]. Cùng với đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội, là nguyên tắc bất di, bất dịch trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc chỉ đạo xây dựng, củng cố và kiện toàn chế độ công tác đảng ủy trong Quân đội, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Đại tướng xác định xây dựng chế độ đảng ủy trong Quân đội là phải xác lập và vận hành hệ thống cấp ủy trong toàn quân đến các đơn vị cơ sở để làm hạt nhân lãnh đạo thống nhất trong bộ đội và định rõ chế độ thủ trưởng phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo của tập thể và thống nhất của đảng ủy; kiện toàn chế độ đảng ủy là để thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đại tướng khẳng định: “Chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng ủy. Chế độ đó rất thích hợp với Quân đội ta. Chỉ có thực hiện chế độ đó, Quân đội mới thực sự là công cụ sắc bén để thực hiện đường lối chính sách của Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Sư đoàn 312 ngày 1-1-1964.
(Ảnh: Tư liệu).

Để đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức đảng trong Quân đội, nhất là việc kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng cơ sở là chi bộ đại đội. Đại tướng đã chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém và yêu cầu các chi bộ đại đội cần tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; chấn chỉnh tổ chức và sinh hoạt chi bộ; tích cực mở rộng dân chủ nâng cao phê bình và tự phê bình để tăng cường sự lãnh đạo tập thể trong chi bộ. Đại tướng đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị bàn về công tác tổ chức trong Quân đội, nêu và đưa ra nhiều giải pháp về những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc trong tổ chức và lãnh đạo, chỉ huy Quân đội; vấn đề tăng cường kỷ luật, mở rộng dân chủ trong Đảng; công tác giáo dục, rèn luyện, phát triển đảng viên… Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong Quân đội. Đặc biệt, trong các bài viết: “Quân đội nhân dân và Đảng Lao động Việt Nam” (1951), “Chấp hành tốt nhiệm vụ công tác tổ chức năm 1954” - Báo cáo bế mạc Hội nghị tổ chức toàn quân lần thứ hai (1954), “Đảng là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo Quân đội ta” - đăng Báo Nhân dân (1959), “Quân đội ta là Quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo” đăng Tạp chí Học tập (1959),… Đại tướng tiếp tục khẳng định: “Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm”; “Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân”. Năm 1960, Hội nghị tổng kết công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ đạo diễn ra thành công. Kết luận quan trọng được rút ra trong Hội nghị này là tiếp tục khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối Quân đội nhân dân là nguyên tắc cao nhất, nguyên tắc bất biến trong xây dựng Quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nhân dân nói chung. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh: “Phải ra sức tăng cường và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của công tác chính trị. Đó là bài học lớn nhất, vứt bỏ kinh nghiệm đó, vi phạm nguyên tắc đó bất cứ lúc nào, trong điều kiện nào, đều là sai lầm và dẫn đến thất bại”[5].

Công tác chính trị là linh hồn, là mạch sống của Quân đội

Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đúc kết, nêu lên một luận điểm quan trọng đó là: Công tác chính trị là linh hồn, là mạch sống của Quân đội. Đây là sự khái quát cô đọng, súc tích, phản ánh rõ nhất và đầy đủ nhất vị trí, vai trò, đặc điểm, tính chất, nội dung cũng như mục đích của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Thực chất công tác chính trị là công tác đảng, công tác vận động quần chúng của Đảng trong Quân đội. Tính chất của nó phải thể hiện là: Tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính quần chúng sâu sắc. Xa rời hoặc không quán triệt ba tính chất đó, công tác chính trị sẽ thiếu tính đảng, thiếu sức mạnh, sa vào tình trạng lệch lạc, chung chung, mơ hồ, hành chính, kỹ thuật đơn thuần.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu rõ: “Muốn không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ của cán bộ và chiến sĩ để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, phải thông qua một chế độ công tác chính trị và hệ thống công tác chính trị chặt chẽ. Trong lịch sử Quân đội ta, lúc nào chúng ta nắm vững và tăng cường chế độ công tác chính trị thì Quân đội ta tiến lên đúng hướng, liên tiếp giành thắng lợi”[6]. Đại tướng chỉ rõ: “Quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta gắn liền với việc không ngừng củng cố và tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Công tác Đảng và công tác chính trị là linh hồn và mạch sống của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một quân đội tất thắng”[7]. Đồng thời, “Quân đội phải luôn nhằm vào mục tiêu chính trị của Đảng để phấn đấu thực hiện. Ngoài mục tiêu đó ra, Quân đội không còn mục tiêu chính trị nào khác”[8].

Muốn làm được những điều đó, trong chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề ra 7 nguyên tắc cơ bản về công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội: Một là, Đảng phải nắm chắc Quân đội thì mới có Quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền. Đảng không thể nhường quyền lãnh đạo Quân đội cho một ai; Hai là, Quân đội phải là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phải xử lý tốt các mối quan hệ với Đảng, với dân, với đồng đội, với kẻ thù; Ba là, về công tác tư tưởng, không ngừng tăng cường giáo dục, rèn luyện. Chính trị có thể thỏa hiệp nhưng tư tưởng thì không được phép; Bốn là, về công tác tổ chức, phải nắm vững đường lối tổ chức. Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị; Năm là, công tác chính trị là linh hồn của Quân đội. Toàn bộ hoạt động của công tác chính trị là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng trong Quân đội; Sáu là, đi đúng đường lối quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng; Bảy là, công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của Quân đội, có thế mới phát huy được sức mạnh, càng lúc khó khăn gian khổ người ta mới cần công tác chính trị. Công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng[9]. Có thể nói, đây là những nguyên tắc mang tính sống còn của Quân đội, có ý nghĩa lâu dài của Quân đội cách mạng.

Để làm cho công tác chính trị thực sự là linh hồn, là mạch sống của Quân đội, trong bài nói chuyện tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra một số yêu cầu xây và chống trong việc cải tiến tác phong công tác của cán bộ chính trị. Đó là: Xây dựng tác phong làm việc thực tế, cụ thể, tỷ mỷ, chu đáo, thâm nhập thực tế, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương và chống lại tác phong ba hoa sáo rỗng, đại khái chung chung, quan liêu bàn giấy, lề mề, vô trách nhiệm. Đại tướng khẳng định người làm công tác chính trị không thể ngồi trong buồng mà nghĩ ra cái mới được; cái mới phải tìm ở dưới đại đội, trong quần chúng. Đại tướng luôn yêu cầu người chỉ huy phải lắng nghe ý kiến của chiến sĩ, thành thật giải quyết những yêu cầu của họ, nhưng không “theo đuôi” quần chúng. Đó là những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội.

Theo dòng chảy lịch sử, cùng năm tháng trôi qua, gắn liền với sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam; những cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội vẫn sẽ còn mãi, đã và đang được vận dụng trong xây dựng Quân đội, lấy xây dựng về chính trị làm nền tảng. Đặc biệt, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội do Đại tướng đề xuất cách đây hơn 50 năm, về cơ bản chúng ta vẫn tiếp thu và được hoàn chỉnh bằng Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hơn nữa, vai trò, vị trí của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội không ngừng được phát huy tính hiệu lực và hiệu quả trong thực tiễn xây dựng Quân đội. Yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội, nâng cao giác ngộ cộng sản chủ nghĩa, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng, tác phong quần chúng và lối sống trong sạch, lành mạnh... đối với cán bộ, đảng viên vẫn đang là những vấn đề nóng hổi cả trên mặt trận tư tưởng, lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội.

Với ý nghĩa đó, những cống hiến, đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội có giá trị to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại[10] bảo đảm cho quân đội tăng cường sức mạnh, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

[1] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên khai sinh là Nguyễn Vịnh), sinh ngày 01 tháng 01 năm 1914, tại thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng. Trong bài viết này chúng tôi gọi theo cấp bậc quân hàm cao nhất trong Quân đội của đồng chí: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

[2] Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977, tr.237.

[3] Tổng cục Chính trị, Quá trình hình thành tổ chức và chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội (1954 - 1964), Nxb QĐND, Hà Nội, 1999, t.2, tr.373.

[4] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2007, tr.19 - 20.

[5] Tổng cục Chính trị, Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 1960, tr.294.

[6] Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977, tr.288.

[7] Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977, tr.284.

[8] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội, Nxb QĐND, Hà Nội, 1997, tr.287.

[9] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004, tr.15.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.157 - 158.

Theo baomoi.com
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.635.800
Truy cập hiện tại 1.736