Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày cuối tháng 12/2023, công trình cầu qua cửa biển Thuận An thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 1 đã lộ diện rõ với những trụ cầu vươn cao cùng những nhịp đã lao lắp dầm...
Công trình cầu dài 2,3km qua cửa Thuận An đang thi công.
Những trụ cầu vươn cao qua cửa biển
Tại công trường, nhiều trụ cầu đã hoàn thành, một số trụ đang thi công thân trụ, xà mũ; Một số nhịp dầm Super-T cũng đã được lao lắp, đổ bê tông bản mặt cầu, gờ lan can...
Đáng chú ý, theo đại diện chủ đầu tư, đến nay, tổng giá trị xây lắp 3 nhà thầu thi công đã thực hiện 1.141,926/2.088,482 tỷ đồng, đạt khoảng 54,7% giá trị hợp đồng.
Trong đó, giá trị thực hiện của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương đạt khoảng 63,7%, Công ty CP Xây dựng Tân Nam khoảng 49,46% và Công ty CP 479 Hòa Bình đạt khoảng 43,81%.
Theo quyết định được phê duyệt, cầu qua cửa Thuận An có chiều dài 2,36km, bề rộng cầu 20m, bề rộng nhịp cầu chính mặt cắt ngang mở rộng 23,5m do bố trí phần trụ tháp rộng 2,5m và dải an toàn hai bên.
Kết cấu phần trên bao gồm các nhịp đúc trên đà giáo (8,3+4x12+8,3)m; 2 liên đúc hẫng (55+90+55)m; Nhịp chính Extradosed (120+218+120)m và 36 nhịp Super-T.
Kết cấu phần dưới mố trụ bằng bê tông cốt thép, trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính 1,5m (2m đối với các trụ chính và trụ nhịp dầm Extradosed).
Nhịp cầu chính Extradose tương ứng với khổ thông thuyền lớn nhất là 218m.
Khổ thông thuyền tối thiểu tại nhịp cầu chính đã đảm bảo thông thuyền và tiếp nhận tàu có trọng tải tối đa 5.000 DWT ra vào cảng Thuận An theo quy hoạch.
Khổ thông thuyền nhịp cầu đảm bảo cho khu neo đậu tàu thuyền đánh cá thuộc địa phận xã Hải Dương
Đại diện chủ đầu tư cho hay, hiện nay các đơn vị đang tập trung thi công để hoàn thành toàn bộ cho 5 trụ cầu.
Hoàn thành đúc thêm 136/326 phiến dầm Super-T và lao lắp 97 dầm. Hoàn thiện bê tông mặt cầu, lan can cho 4 trụ chính... Giá trị xây lắp dự kiến năm 2023 là hơn 715 tỷ đồng.
Thông xe kỹ thuật vào tháng 10/2024
Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An giai đoạn 1 có tổng diện tích đất thu hồi giải phóng mặt bằng khoảng 317.187,40m2.
Trong đó, xã Hải Dương khoảng 196.186,80m2, ảnh hưởng đến khoảng 600 lăng mộ, đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản của 180 hộ dân.
Phường Thuận An khoảng 121.000m2, ảnh hưởng 4,1ha đất rừng phòng hộ, 300 mộ xây và nhà cửa, vật kiến trúc của khoảng 120 hộ dân.
Đến nay, tại xã Hải Dương đã hoàn tất công tác kiểm kê mồ mả, trong đó đã hoàn tất công khai phương án đến bù hỗ trợ và trình thẩm định 609 mộ xây và mộ đất của 97 hộ gia đình; 70 hộ nhận tiền tạm ứng di dời mồ mã.
Tuy nhiên, đối với 33 lăng mộ có kiến trúc phức tạp tại xã Hải Dương, hiện chưa có quyết định phê duyệt giá trị bồi thường.
Đối với 180 trường hợp có đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản, đã phê duyệt và nhận tiền bồi thường bàn giao mặt bằng 100 hộ; 23 hộ đã niêm yết công khai; 57 hộ còn lại đang xác nhận hồ sơ; 90 hộ trường hợp còn lại vướng mặt bằng thi công đoạn 1,4km đầu tuyến Hải Dương đã bàn giao mặt bằng để thi công.
Tại phường Thuận An, phạm vi 4,1ha đất rừng phòng hộ (trong đó có 3,9ha rừng) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với lăng mộ, đã kiểm kê áp giá xong khoảng 320 lăng mộ các loại của 87 hộ gia đình, công tác di dời đã cơ bản hoàn thành.
Đối với đất ở, tổng số hộ có đất ở cần giải tỏa là 229 hộ, trong đó có 120 trường hợp tái định cư, hiện nay đã hoàn thành việc kiểm đếm, kê khai nguồn gốc sử dụng đất đối với các hộ giải tỏa thuộc dự án.
Phòng Tài nguyên Môi trường TP Huế đã thẩm định được 73 hộ, trong đó Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã trình thẩm định phê duyệt 28 hộ (không tái định cư), còn 156 hồ sơ đang tiếp tục xác minh.
Theo đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, hiện nay song song với công tác bàn giao số mặt bằng còn lại, các đơn vị đang bám sát kế hoạch, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình, phấn đấu thông xe kỹ thuật cầu qua cửa Thuận An vào khoảng tháng 10/2024.
Đối với các lăng mộ có kiến trúc phức tạp ở xã Hải Dương, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã đề nghị UBND TP Huế chỉ đạo các phòng ban liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư ở phường Thuận An để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công các hạng mục còn lại của đường hai đầu cầu.
Theo quyết định được phê duyệt, dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An có tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là 3.496 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 dự án có chiều dài 7,785km, bao gồm 2,36km chiều dài cầu qua cửa Thuận An. Điểm đầu tại nút giao QL49B - Cầu Tam Giang, thuộc xã Hải Dương; Điểm cuối tại nút giao QL49A-49B, thuộc thị trấn Thuận An (TP Huế). Mặt cắt ngang tuyến 26m, trong đó mặt đường 16m, dải phân cách giữa 2m, lề đất mỗi bên 4m.
Dự án do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, khởi công ngày 26/3/2022. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP xây dựng Tân Nam – Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương – Công ty CP 479 Hòa Bình thi công với thời gian 3 năm.