Thấy số hộ muốn “nghèo” nhiều quá, trưởng bản đành phải tuyên bố hoãn cuộc họp để rà soát lại. Sau cuộc họp, anh Tả-trưởng bản đến gặp bí thư chi bộ để hội ý. Tâm trạng băn khoăn như anh Tả, chị Tươi-bí thư chi bộ thở dài: “Khó quá! Nghị quyết chi bộ đề ra năm nay phải giảm số hộ nghèo xuống còn dưới 5% là để thực hiện được theo mục tiêu của Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, được xác định trong Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Nếu cứ cả nể xét hết các hộ đề xuất thì không đúng, trên cũng không nhất trí, chúng ta cũng không thực hiện được mục tiêu nghị quyết đề ra”.
Vừa về đến nhà, anh Tả đã thấy bà Mỷ ngồi đợi. Nhìn thấy anh, bà Mỷ đứng dậy nói một tràng: “Trưởng bản phải khách quan chứ! Nhà tôi có thằng con trai viêm gan B, phải uống thuốc liên tục, vợ nó thì chậm chạp, việc đồng áng chẳng xong, lại còn lít nhít 4 đứa con nhỏ, thế sao lại không được xét hộ nghèo?”. Đang bực mình, lại bị "phủ đầu" một hồi với giọng điệu gay gắt nhưng anh Tả cố giữ bình tĩnh: “Chúng tôi đến tận nhà khuyên nhủ không nên đẻ nhiều nhưng con bác có nghe đâu? Quan trọng hơn là điều kiện kinh tế gia đình hiện nay không thể xếp vào diện nghèo”. Thấy trưởng bản nói vậy, bà Mỷ im lặng. Lát sau, bà thở dài: “Khổ, có ai muốn mình là hộ nghèo đâu. Tủi lắm chứ vẻ vang gì. Nhưng quả thực thấy các cháu nó nheo nhóc, nghĩ cũng tội. Người làm bố mẹ nào mà chả thương con hả anh?”.
Dứt lời, bà Mỷ tất tả đi về. Bà chưa ra khỏi cửa thì ông Nảy hùng hổ bước vào. Ông Nảy chính là người trong cuộc họp đã to tiếng, dọa sẽ kiện trưởng bản nếu không xét cho gia đình ông vào diện hộ nghèo. Đoán được chủ đề câu chuyện, anh Tả chủ động mời: “Bác cứ vào nhà uống nước đã. Có chuyện gì bác cháu mình cùng bàn bạc, tìm cách giải quyết”. Ông Nảy khẽ hầm hừ, bước vào nhà, ngồi xuống ghế giữa. Đợi anh Tả rót xong chén trà, ông mới bắt đầu: “Tôi thì anh chả còn lạ gì hoàn cảnh nữa. Các con đứa thì đi lấy chồng xa, đứa thì làm ăn thất bát. Đận này hễ trái nắng trở trời là tôi mỏi hết mình mẩy. Mỗi lần đi khám tốn cả tiền trăm. Anh phải cho tôi cái hộ nghèo để tôi làm bảo hiểm y tế, đi khám bệnh mới không tốn kém”. Nghe ông Nảy nói vậy, anh Tả trầm giọng: “Cháu khuyên thật, bác có tuổi rồi, nên sống mẫu mực cho con cháu còn nhìn vào. Tiền thuốc thang của bác ăn thua gì so với tiền bác ghi lô đề ngoài thị trấn. Mỗi tháng bác thua cả bạc triệu, có đúng không?”. Nghe đến đây, ông Nảy giật mình: “Sao anh biết? Tôi đã dặn mụ ghi lô đề là phải hết sức kín đáo cơ mà?”. Anh Tả cười: “Cháu là trưởng bản, mọi tình hình, hoạt động của người dân trong bản cháu phải nắm được hết chứ. Cháu khuyên bác nên bỏ cờ bạc đi, kẻo thua nhiều là thành... hộ nghèo thật đấy”. Nghe anh Tả nói rõ các chi tiết về chuyện mình chơi lô đề, ông Nảy mồ hôi túa ra, nói nhỏ: “Tôi hứa sẽ bỏ lô đề, cờ bạc. Nhưng anh phải giữ kín cho tôi chuyện này nhé. Nếu để vợ tôi biết là tôi không còn đường về nhà đâu”.
Anh Tả gật đầu mỉm cười, tiễn ông Nảy ra cổng. Vậy là hai trường hợp không thuộc diện nghèo nhưng vẫn xin... làm hộ nghèo đã được giải quyết. Còn một vài trường hợp tương tự, anh và đồng chí bí thư chi bộ sẽ đến tận nhà để giải thích, tuyên truyền, vận động. “Phải làm cho bà con hiểu rõ, cần cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế, không thể dựa dẫm bằng cách xin làm hộ nghèo. Nghèo chứ có phải cái gì danh giá đâu mà cứ tranh giành nhau đến khổ!”. Chẳng lẽ nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền của để giúp nhân dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, nhà mình, bản mình được hưởng mà mình lại không cố gắng sao được?"-anh Tả nghĩ thầm.