Cơ sở thu mua gỗ keo tràm có gắn cân tải trọng tại thôn Hưng An (Xuân Lộc, Phú Lộc) không chuyển đổi mục đích sử dụng đất |
Quá trình tìm hiểu của PV cho thấy, các trạm cân thời gian xây dựng hoàn thiện từ 1-2 tháng, là có thể đi vào hoạt động thu mua bát nháo và gần như không thông qua chính quyền và cần một thủ tục giấy tờ gì!
Đơn cử, tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), nói như ông Phạm Xuân Hậu, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn thì trạm cân tại thôn 1 thuộc địa bàn xã từ khâu cải tạo đất đến khi xây dựng, đi vào hoạt động đều không thông qua chính quyền địa phương. “Chúng tôi không biết gì cả, đến khi phóng viên phản ánh mới biết và cho cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản hiện trạng”, ông Hậu nói.
Điều đáng nói, sau khi phát hiện ra vụ việc, đã 2 lần (ngày 7 và 23/9/2023), UBND xã Phú Sơn cử lực lượng xuống hiện trường để kiểm tra, lập biên bản làm việc và yêu cầu ngưng xây dựng, hoàn thiện các thủ tục. Thế nhưng dù “lập biên bản” thì chủ đất vẫn xây dựng cho đến khi hoàn thiện trạm cân, đi vào hoạt động thì đến nay chính quyền địa phương chưa có một động thái nào.
Đặc biệt, việc cải tạo đất trên thửa đất số 23, tờ bản đồ 45 tên người sử dụng đất là ông Lê Văn Luận (thôn 1, xã Phú Sơn) để thành lập trạm thu mua có gắn cân tải trọng là đã vi phạm Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân khi chưa thực hiện thủ tục xin san lấp mặt bằng, chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đã tự ý san lấp vi phạm khoản 25, điều 3, Luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên, đến này UBND xã Phú Sơn vẫn chưa tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Dư luận cho rằng, có hay không việc chính quyền địa phương đã “bao che” để trạm cân mới thành lập này ngang nhiên tồn tại?
Tương tự, tại trạm cân keo tràm của chủ hộ đăng ký kinh doanh là ông Nguyễn Thái Pháp (thôn Phú Thành, xã Phú Vinh, huyện A Lưới) tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ, liên tiếp trong tháng 7 và 8/2023, Phòng TN&MT huyện A Lưới đã kiểm tra trạm cân của hộ dân này.
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện hộ kinh doanh chưa bổ túc đầy đủ hồ sơ theo quy định, có lắp thêm cân điện tử nhưng chưa hoạt động, phòng đã lập biên bản sự việc và yêu cầu chủ cơ sở không được hoạt động, đồng thời đề nghị UBND xã làm việc với chủ cơ sở san lấp mặt bằng khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nếu hoạt động sẽ lập biên bản xử phạt.
Thế nhưng, từ đó đến nay, trạm cân này đã tiếp tục hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, đi vào hoạt động thu mua nhưng chính quyền xã Hồng Hạ vẫn không có động thái tích cực nào. Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ thừa nhận, để xử lý trạm cân này hiện đang gặp nhiều khó khăn, rất áp lực cho địa phương. Xã đang tham mưu và chờ UBND huyện tiến hành rà soát, xử lý.
Tại địa bàn xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc), ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch UBND xã cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh thu mua gỗ keo tràm trên địa bàn xã ngày càng nhiều. Hiện trên địa bàn có 3 cơ sở thu mua gỗ keo tràm có gắn trạm cân tải trọng, nhưng gần như không đáp ứng đầy đủ các thủ tục về quy hoạch sử dụng đất, đăng ký kinh doanh và đấu nối giao thông theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong đó có cơ sở của bà Nguyễn Thị Ba ở thôn Hưng An, hiện đang hoạt động thu mua gỗ keo tại thửa đất số 10, tờ bản đồ số 2, diện tích toàn bộ thửa đất gần 2ha, mục đích đất rừng sản xuất; cơ sở của ông Mai Hòa tại thôn Hưng Lộc, trên thửa đất số 430, tờ bản đồ số 2, diện tích toàn độ thửa đất hơn 1ha, mục đích đất rừng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, hiện chính quyền địa phương chỉ yêu cầu các cơ sở thu mua không hoạt động quá 22 giờ đêm, trong quá trình thu mua tập kết keo tràm, rác thải, bùn đất phải xử lý không được ứ đọng, không được xây dựng vật kiến trúc trong phạm vi lộ giới đường giao thông và phần diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng.
“Thực tế quản lý, kiểm soát các cơ sở thu mua keo tràm hiện nay rất nan giải, xã đang rất lúng túng. Điểm thu mua hình thành nhiều năm, gần như không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định pháp luật. Các cơ sở đều chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng quy hoạch chung trong xây dựng nông thôn mới, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn giao thông, PCCC. Trong khi đó, nếu cấm hoạt động sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh rừng kinh tế trên địa bàn”, ông Sinh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 14 điểm thu mua keo tràm có lắp trạm cân tải trọng có đăng ký kinh doanh ngành nghề thu mua keo tràm. Đa số các trạm cân hoạt động trên đất ở và đất trồng cây lâu năm gắn liền đất ở (đất vườn nhà) của người dân, các hộ kinh doanh cá thể để thu mua nguyên liệu là keo tràm trên địa bàn huyện.
UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra hoạt động của các trạm cân đảm bảo theo các quy định, đồng thời chỉ đạo Phòng TN&MT hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định của pháp luật. Thời gian tới, UBND huyện sẽ thành lập đoàn công tác, rà soát lại hoạt động thu mua nguyên liệu khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và kiên quyết xử lý những sai phạm trong hoạt động thu mua keo tràm tại địa phương.
UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của các hộ kinh doanh trên địa bàn để tham mưu UBND huyện, đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đấu nối giao thông, hoàn thiện các thủ tục. Đồng thời rà soát, chọn quỹ đất quy hoạch đảm bảo quy định pháp luật về quản lý sử dụng đất để các cơ sở thu mua gỗ keo tràm hoạt động. |