Sau nhiều lần lập biên bản, cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng ở xã Hồng Hạ (A Lưới) vẫn hoạt động |
Cùng với diện tích rừng trồng phát triển, cơ sở thu mua keo tràm đã góp phần giải quyết nhiều lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, các trạm cân hoạt động trái phép, không đảm bảo các thủ tục pháp lý về quy hoạch, sử dụng đất và đấu nối giao thông… vẫn mọc lên “nhan nhản” ở các địa phương. Điều này gây nên nhiều hệ lụy về việc cạnh tranh giá cả, phá vỡ quy hoạch quản lý, sử dụng đất, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Suốt nhiều tháng nay, tại khu đất gần 1.000m2 ở thôn 1 (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy), một hộ dân đã tiến hành san ủi mặt bằng, cải tạo đất trái phép và tiến hành xây dựng nền móng để chuẩn bị thành lập cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng. Ghi nhận của PV cho thấy, tại khu đất này, hộ dân đã tự ý cải tạo, mở lối đấu nối ra đường giao thông liên xã. Đất cải tạo đã được chuyển đi để tạo mặt bằng.
Trước sự phản ánh của người dân, tháng 9/2023, UBND xã Phú Sơn đã có buổi kiểm tra hiện trạng và làm việc với chủ đất là ông Lê Văn Luận (trú thôn 1, xã Phú Sơn). Theo biên bản kiểm tra của chính quyền địa phương, trên thửa đất số 23, tờ bản đồ 45 tên người sử dụng đất là ông Lê Văn Luận, gia chủ đã đập phá công trình nhà ở cũ và tiến hành san lấp mặt bằng thửa đất. Trên đất đã xây dựng một móng bê tông có kích thước 12 x 3,5m, đặt trạm cân tải trọng và xây dựng xong một số công trình phụ để chuẩn bị làm bãi tập kết thu mua gỗ keo tràm.
Ông Hà Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, qua kiểm tra, thửa đất của ông Lê Văn Luận được sử dụng vào mục đích đất ở từ năm 2006, được kê khai theo bản đồ địa chính năm 2014, hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Chính quyền địa phương yêu cầu ông Lê Văn Luận dừng tất cả các hoạt động xây dựng, nguyên do xây dựng trạm cân trên đất ở khi chưa được cấp GCNQSDĐ là chưa đảm bảo thủ tục pháp lý về sử dụng đất.
Cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng ở Hồng Hạ (A Lưới) vẫn hoạt động, bất chấp lệnh cấm của chính quyền |
Ngoài ra, trạm cân này vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đấu nối giao thông khi thành lập điểm thu mua keo tràm có gắn trạm cân tải trọng cũng như chưa có cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký quy hoạch dịch vụ kinh doanh… nên chính quyền địa phương đã lập biên bản hiện trường và yêu cầu ngưng hoạt động xây dựng tại đây. Tuy nhiên, đến nay trạm cân này vẫn hoạt động tấp nập.
Tương tự, tại xã Hồng Hạ (huyện A Lưới), nhiều tháng qua tại khu đất ở thôn A Rom, một hộ dân đã tiến hành san ủi, đào đắp nền và xây dựng một số công trình phụ trái phép. Chỉ sau một thời gian ngắn, chủ khu đất đã tiến hành xây dựng xong trạm cân, đưa vào hoạt động với nhiều phương tiện tải trọng lớn. Đường vào khu tái định cư Hồng Hạ chỉ 3,5m, nhiều phương tiện có dấu hiệu quá tải trọng gây mất an toàn giao thông tại đây.
UBND xã Hồng Hạ cùng các phòng, ban của huyện A Lưới đã có buổi làm việc với chủ hộ đăng ký kinh doanh là ông Nguyễn Thái Pháp (thôn Phú Thành, xã Phú Vinh, huyện A Lưới) - người cải tạo đất, xây dựng trạm cân.
Theo biên bản làm việc, tại thửa đất số 55 tờ bản đồ số 33 ở thôn A Rom, xã Hồng Hạ, có diện tích hơn 2.668m2, với mục đích sử dụng đất đất ở tại nông thôn là 500m2; đất trồng cây lâu năm 2.168m2, tên người sử dụng đất là ông Nguyễn Thái Pháp và bà Phan Thị Tường Nga, đang tiến hành xây dựng cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng.
Chủ hộ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp ngày 12/7/2023. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, điểm kinh doanh có gắn trạm cân đang xây dựng trái phép thuộc khu vực đất ở và đất trồng cây lâu năm, không phải đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. UBND xã Hồng Hạ đã yêu cầu trạm cân ngưng hoạt động để bổ sung các giấy tờ, thủ tục liên quan. Liên hệ với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới để hướng dẫn cấp phép đặt trạm cân và cấp phép đấu nối với giao thông đường chính.
UBND huyện A Lưới yêu cầu UBND xã Hồng Hạ rà soát, bổ sung vào quy hoạch chung của xã, có văn bản đề xuất cụ thể gửi UBND huyện (thông qua phòng Kinh tế và Hạ tầng) trước ngày 20/10/2023. Hộ kinh doanh không hoạt động kinh doanh (thu mua keo tràm) cho đến khi bổ sung đầy đủ các hồ sơ theo quy định (hoạt động kinh doanh phù hợp với quy hoạch của địa phương, đảm bảo về vệ sinh môi trường, PCCC và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội).
Đồng thời giao UBND xã Hồng Hạ giám sát hoạt động kinh doanh của hộ ông Nguyễn Thái Pháp, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến việc thành lập trạm cân.
Theo tìm hiểu của PV, hoạt động kinh doanh thu mua keo tràm là hoạt động kinh doanh có điều kiện, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh phải thực hiện các thủ tục đảm bảo quy định về quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vệ sinh môi trường, PCCC…
Tuy nhiên, hầu hết các trạm cân trên địa bàn A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông, Phong Điền đều không tuân thủ các quy định trên. Việc “bội thực” các trạm cân gỗ keo tràm ở các địa phương cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập mà trong đó, chính quyền địa phương đang buông lỏng quản lý ngay từ khi các trạm này mới thành lập.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở thu mua keo tràm của các doanh nghiệp, hộ cá nhân. Trong đó, riêng địa bàn huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã có hơn 20 trạm cân đang hoạt động. Đa số các trạm cân hoạt động trên đất ở và đất trồng cây lâu năm gắn liền đất ở (đất vườn nhà) của người dân, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.
|