Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, hiện nhiều hồ, đập trên địa bàn xuống cấp do xây dựng đã lâu và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.
Nhiều thân hồ, đập thủy lợi tại Thừa Thiên Huế bị bong tróc do xây dựng đã lâu mà không duy tu, bảo dưỡng
Các hồ đập thủy lợi, thủy điện tại Thừa Thiên Huế ngoài chức năng đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết, cắt lũ, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 24 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 8 hồ lớn, 7 hồ vừa và 9 hồ nhỏ. Đến nay, chỉ có hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ, hồ Khe Ngang… đã tiến hành kiểm định giai đoạn 1, còn các hồ khác chưa triển khai kiểm định do thiếu kinh phí.
Theo ông Đính, hiện nhiều hồ bị hư hỏng nhẹ, dù không phát hiện sự cố lớn nhưng một số hạng mục phụ trợ đã xuống cấp, đập đất có hiện tượng trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí xuống cấp … Trong đó, các hồ Khe Bội, A Lá, Khe Nước… và đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, nhiều công trình hồ chứa do huyện, thị xã, xã, phường quản lý được xây dựng cách đây hơn 30 năm đã xuống cấp và nằm gần khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như các hồ Trằm Giàng, Trằm Nãi (huyện Phong Điền); các hồ đập Bao, Đồng Bào, Thủy Lập (huyện Quảng Điền)…
Trước thực trạng đó, vừa qua, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế (Hội đồng) đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 55 đập, hồ chứa nước trước mùa mưa bão 2023. Theo đánh giá của Hội đồng, quan sát bằng trực quan cho thấy một số hạng mục phụ trợ đã hư hỏng, một số đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp. Một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh đã xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp, cây cỏ mọc nhiều trên thân đập; các bảng tên công trình, biển báo nguy hiểm, cột thủy chí bị bong tróc... Trong đó, các hạng mục mặt đập, thân đập, mái hạ lưu đập của hồ chứa nước Bến Ván 1, Bến Ván 2, phần đuôi tràn hồ chứa nước Thủy Yên ở huyện Phú Lộc bị sạt lở và có nguy cơ mở rộng.
Theo Hội đồng, nguyên nhân chủ yếu là do đa số các hồ chứa nước thủy lợi ở địa phương này đã được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn quản lý khai thác dẫn đến thất lạc hồ sơ, gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ quản lý đập, hồ chứa nước. Việc kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, cắm mốc hành lang bảo vệ... cần có kinh phí lớn để triển khai.
Ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua kiểm tra có 5 đập bị thấm nhẹ, 5 đập biến dạng mái đập nhẹ như hư hỏng, sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu bao gồm hồ Bến Ván 1, Bến Ván 2, Mỹ Xuyên, Nam Giản, Khe Nước, tuy vậy, hiện các hồ hiện vẫn tích nước, bảo đảm an toàn. Kiểm tra tràn xả lũ, hội đồng đánh giá có 7 cái bị nứt nhẹ; 17 cái bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, trong đó có 5 tràn bị nặng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, một số nội dung quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Theo quy định, định kỳ 5 năm phải thực hiện kiểm định để phát hiện ẩn họa, khuyết tật công trình; đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tài liệu khí tượng thủy văn và thay đổi về lưu vực đã được cập nhật. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2% số hồ được kiểm định theo quy định. Ngoài ra, chưa có hồ nào được lập quy trình vận hành cửa van số quy trình bảo trì công trình và chỉ có 7% được cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước.
“Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, trình Thủ tướng, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 240 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước còn lại trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức cho biết thêm.
Trước đó, ngày 28/7 tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác đầu tư dự án hồ chứa Thủy Cam, hồ Ô Lâu Thượng và sửa chữa đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đối với công tác đầu tư, quản lý an toàn hồ đập, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo đời sống, sản xuất sinh hoạt của người dân. Liên quan đến việc đầu tư, sửa chữa các dự án hồ, đập trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đây là các dự án cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ trưởng đề nghị tỉnh khẩn trương giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực hiện dự án. Tiếp tục rà soát và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo việc đầu tư công trình mang lại hiệu quả thiết thực, đồng bộ.
Thừa Thiên Huế hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 1 hồ chứa lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế quản lý 24 hồ vừa và nhỏ, còn lại do các địa phương cấp huyện quản lý. Ngoài ra, tỉnh này có 13 hồ chứa thủy điện. Tổng dung tích các hồ khoảng hơn 2 tỷ m3 nước.