Công điện ngày 29/8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, sau khi sáp nhập huyện xã giai đoạn 2019-2021 vẫn còn vướng mắc trong xử lý tài sản, trụ sở làm việc.
Để khắc phục, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các tỉnh thành rà soát, đánh giá hiện trạng trụ sở công chưa sử dụng hiệu quả để có phương án sắp xếp và báo cáo trước ngày 30/9.
Địa phương bố trí ngân sách đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trụ sở tiếp tục được sử dụng làm nơi làm việc.
Bộ Tài chính, Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị có trụ sở ngành dọc tại các huyện xã đã sáp nhập, nếu không có nhu cầu sử dụng thì cần chuyển giao cho các tỉnh thành quản lý.
Thủ tướng yêu cầu các bộ phối hợp với địa phương lập phương án sắp xếp trụ sở tại những nơi dự kiến sáp nhập giai đoạn 2023-2030.
Trụ sở xã Việt Xuyên (cũ), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bỏ hoang sau sáp nhập, tháng 9/2020. Ảnh: Đức Hùng
Bộ trưởng Tài chính được giao xây dựng quy định mới tạo thuận lợi xử lý tài sản, trụ sở cơ quan sau sáp nhập, rút ngắn thời gian để tránh hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời, Bộ cần khắc phục vướng mắc trong bán đấu giá trụ sở, tài sản công dôi dư.
Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện và 1.056 đơn vị cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố. Qua đó, cả nước đã giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã. Việc sắp xếp giúp giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng.
Giữa tháng 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.
Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, 33 đơn vị cấp huyện và 1.327 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Chính phủ dự kiến với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng mỗi huyện và 500 triệu đồng mỗi xã thì ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.300 tỷ đồng.