Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL) xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành.
Căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ VH-TT&DL tổng hợp, xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, trong đó, dự kiến tổng vốn là 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035).
Nguồn kinh phí này được sử dụng để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa, đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng kinh tế - chính trị - xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.
Cụ thể, đến năm 2035, Chương trình hướng đến các mục tiêu: 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động, 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất, có 5 đại học trọng điểm và 2 viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: Âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh và văn hóa….
Đây không phải là những công việc mà ngành văn hóa bây giờ mới bắt tay vào làm vì vậy nhiều người lo ngại rằng với 350.000 tỷ đồng con số này liệu có quá lớn so với tiềm lực của đất nước hiện nay? Và với con số này trong vòng 11 năm (2025 - 2035) liệu có được sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng trọng tâm, trọng điểm với những hoạt động và dự án thực sự góp phần chấn hưng văn hóa hay lại tạo điều kiện để xuất hiện ồ ạt những tượng đài xấu xí, những bảo tàng, nhà văn hóa bạc tỷ bỏ hoang… như dư luận đã phản ánh trước đây?
Vẫn biết rằng việc đầu tư cho văn hóa là cần thiết để văn hóa thực sự phát triển xứng tầm, ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng nếu không sử đúng và hiệu quả thì dù nguồn kinh phí có lớn đến đâu văn hóa cũng khó có thể phát triển như kỳ vọng.
Thực tế trước đây, mặc dù nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa vẫn được đánh giá là hạn chế; Nhà nước đầu tư cho văn hóa khoảng 1,6-1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nhiều địa phương đầu tư cho văn hóa còn thấp hơn, dưới 1,6% tổng đầu tư từ ngân sách…Ấy vậy mà vẫn xuất hiện những tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện các hoạt động, dự án phát triển văn hóa…
Làm thế nào để lĩnh vực văn hóa phát triển tương xứng; tạo động lực đủ mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh; để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… ngoài việc xây dựng các chương trình, mục tiêu phát triển văn hóa phù hợp có lẽ một trong những vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm chính là vấn đề giải ngân, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn vốn đầu tư của nhà nước cũng như xã hội hóa cho văn hóa…./.