Tìm mọi thủ đoạn gian lận để đỗ đại học
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an đã nói về kết quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của lực lượng công an và đưa ra một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác này trong kỳ thi tới.
Về kỳ thi tốt nghiệp năm 2023, ông Chung nhấn mạnh tình trạng mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử diễn ra công khai trên mạng internet và mạng xã hội.
“Một bộ phận thí sinh và phụ huynh vẫn có tư tưởng tiêu cực, tìm đủ mọi thủ đoạn gian lận để đạt kết quả cao và để trúng tuyển đại học.
Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Công an, nòng cốt là lực lượng A03, A05, A06 và PA03 các tỉnh, thành phố đã tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để hỗ trợ, phối hợp với ngành giáo dục đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn của kỳ thi. Lực lượng công an đã tham gia 150 cuộc kiểm tra an ninh, an toàn tại hơn 4.000 địa điểm”, ông Chung nói.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an. Ảnh: Thanh Hùng
Ông Chung cho biết, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) đã tham mưu, phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức 4 cuộc kiểm tra bí mật, đột xuất tại các khâu tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực về coi thi và chấm thi tại 4 địa phương. Qua đó góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong công tác kiểm tra, cảnh tỉnh, răn đe với những đối tượng có ý đồ tiêu cực.
Trước kỳ thi, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cũng đã phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng triệt phá một đường dây với 2 đối tượng có hành vi mua bán thiết bị công nghệ cao, thu 10.000 tai nghe siêu nhỏ và hàng trăm linh kiện liên quan.
Đáng chú ý, mở rộng công tác đấu tranh, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thí sinh dự thi đã mua thiết bị trong đường dây này. Qua đó xử lý 1 trường hợp thí sinh ở Bắc Ninh sử dụng 2 điện thoại tại phòng thi, 1 thí sinh ở Lạng Sơn.
Công an TP.HCM đã gặp gỡ, răn đe, xử lý 1 đối tượng tung tin thất thiệt về việc lộ đề thi môn Ngữ văn. Công an Hải Phòng đã phát hiện và xử lý 2 đối tượng đăng tải thông tin xuyên tạc, bôi nhọ kỳ thi trên 3 hội nhóm Facebook và xử phạt 22,5 triệu đồng.
Theo thống kê, toàn lực lượng công an toàn quốc đã bố trí hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ để tham gia vào các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Riêng A03 đã trực tiếp xác minh, hướng dẫn và phối hợp với lực lượng PA03 các tỉnh, thành phố nhanh chóng làm rõ những nghi vấn lộ đề thi liên quan đến 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái.
Hiện nay, PA03 của Cao Bằng và Yên Bái đã chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra và Cơ quan công an điều tra tỉnh Cao Bằng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Ngoài ra, PA03 các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các hội đồng thi để xác minh và xử lý 37 trường hợp thí sinh sử dụng điện thoại di động trong phòng thi, có nguy cơ lộ đề thi.
Dư luận hoài nghi về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 99%
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, Thiếu tướng Trần Đình Chung thẳng thắn chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi nói chung và công tác đảm bảo, an ninh an toàn nói riêng.
“Khâu then chốt của kỳ thi là coi thi, chấm thi được giao cho địa phương trong khi tình trạng bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để. Một bộ phận thí sinh, phụ huynh có tư tưởng xem nhẹ các quy định của pháp luật và quy chế thi, tìm mọi cách gian lận để trúng tuyển vào đại học.
Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát, nhất là của Ban chỉ đạo cấp quốc gia và các địa phương gặp nhiều khó khăn. Dư luận xã hội còn hoài nghi về chất lượng của kỳ thi, cho rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao (đạt 98,88%) do có sự nới lỏng của công tác coi thi, chấm thi tại một số địa phương; từ đó đánh giá việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT gây lãng phí, không cần thiết”, ông Chung nói.
Bên cạnh đó, tình trạng mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận diễn ra công khai trên mạng internet và mạng xã hội chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Ngoài ra, qua công tác phối hợp với Ban chỉ đạo thi quốc gia của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở một số địa phương cho thấy, công tác phối hợp giữa 2 ngành công an và giáo dục có nơi, có lúc chưa thực sự nhuần nhuyễn. Việc tổ chức tuyên truyền về an ninh, an toàn trong kỳ thi và quy định bảo mật đề thi còn mang tính hình thức. Việc lập địa điểm in sao đề thi chưa thực sự biệt lập.
“Một số địa phương lựa chọn điểm in sao trong Sở GD-ĐT gây khó khăn cho việc xây dựng phương án bảo vệ 3 vòng độc lập hoặc cách ly thông tin”, ông Chung nói.
Các địa phương chưa có sự thống nhất về quy trình, hình thức xử lý đối với thí sinh sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ cao dẫn đến lộ đề thi.
Ngoài ra, ông Chung cho rằng, quy chế thi còn một số điểm cần phải sửa đổi, bổ sung như hình thức xử lý thí sinh cố ý làm lộ đề thi chưa đảm bảo tính răn đe. “Theo quy chế hiện nay, mới chỉ quy định là đình chỉ thi”, ông Chung nói.
Do đó, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cũng đề xuất Bộ GD-ĐT có giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi.