“Cuộc cách mạng đổi đời” đã bác bỏ mọi lời bịa đặt, vu khống
Dưỡng Bá Nguyên
1. Trong không khí phấn khởi chào mừng Ngày Tết độc lập – Ngày Quốc khánh 2-9, chúng ta ôn lại những sự kiện vĩ đại đã làm rung chuyển đất nước vào thời khắc này của 78 năm trước đây để thêm tự hào, tiếp lửa truyền thống, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thế nhưng, đó đây, ở ngoài biên cương Tổ quốc và trong lòng xã hội Việt Nam, nhất là trên các trang mạng xã hội vẫn còn những giọng điệu lạc lõng, trắng trợn bịa đặt, xuyên tạc sự thật và cố tình bôi đen hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng, kỳ tích của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Người ta xuyên tạc rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sự ăn may”, một sự “tình cờ”, “ngẫu nhiên” do “thời cuộc đem lại và người Nhật đã giúp đỡ Việt Nam”còn “Chính phủ Hồ Chí Minh và Quân đội chẳng có công cán gì”, “ngồi mát được ăn bát vàng”. Từ đó, họ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ; hạ thấp tầm vóc, giá trị, ý nghĩa cũng như sự ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đối với tiến trình Cách mạng Việt Nam.
Với những luận điệu sai trái, thù địch, thể hiện bằng “cuộc đấu khẩu” rất khôi hài bởi những lời nói thiếu văn hóa, quan điểm và thái độ miệt thị của nhóm người chống đối Đảng, Nhà nước ta, họ không chỉ bộc lộ ý thức vô trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân và những người sinh ra họ mà còn phơi bày bản chất xấu xa, bỉ ổi của những kẻ “giả nhân, giả nghĩa” thông qua một chuỗi hành vi “phi nhân tính”, hết sức vô cảm, vô tâm, lầm lạc, phi lý đến mức vô liêm sỉ, không ai có thể chấp nhận.
Sự cuồng vọng và phản bội dân tộc của một nhóm người đã lên đến đỉnh điểm khi họ trắng trợn vu khống và cáo buộc thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng như việc quyết định đi theo con đường XHCN “là nguyên nhân cản trở sự phát triển của dân tộc”, rồi họ quy kết “chính Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc này đi vào ngõ cụt”, “đã tách Việt Nam ra khỏi dòng chảy lịch sử”, “bị cô lập Việt Nam với thế giới”. Một số nhân vật “có máu mặt” đã tuyên bố ngạo mạn cho rằng, “Chính Ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân chính gây ra hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi lập ra quân đội và kêu gọi dân chúng chống lại người Pháp và người Mỹ – “những người đến đất này thực hiện sứ mệnh khai hóa, phát triển Việt Nam”, “dẫn đến cái chết thương tâm của hơn hai triệu người dân vô tội”. Hơn thế, có kẻ còn cho rằng, “nên gọi ngày Quốc khánh 2-9 là ngày quốc nhục, quốc hận” bởi nó “gây họa buồn đau cho dân tộc”. Rồi họ đưa ra luận điệu “lấp lửng, nước đôi”: “nếu không có Ông Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam thì nước ta đã trở thành con Rồng, con Hổ ở châu Á từ lâu”, vân vân và vân vân…
Đó là sự xuyên tạc trắng trợn nhất, ghê tởm nhất trong lịch sử cách mạng, những điều bịa đặt vô lý, vô cảm, vô lương tâm nhất đối với con đường phát triển của Việt Nam, sự vu cáo, buộc tội vô liêm sỉ nhất đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho không ít người, kể cả những người ở bên kia chiến tuyến, đã từng là cựu binh Pháp, cựu binh Mỹ, từng tham chiến ở Việt Nam, có lương tri cũng phải lên tiếng phản đối, nói lên sự thật đắng cay về sự bại trận thảm hại của quân xâm lược Pháp và xâm lược Mỹ ở một đất nước có độc lập, chủ quyền, nhân dân thiết tha yêu hòa bình, độc lập, tự do là Việt Nam. Chính họ đã vạch trần tội ác, sự gian trá, xảo quyệt của bè lũ tay sai và “bọn Việt gian phản động” cũng như chính sách dã man, tàn bạo của những kẻ xâm lược khi cấu kết với nhau thực hiện chiêu trò “dùng người Việt trị người Việt” nhằm đạt mục tiêu chính trị đen tối: lái Việt Nam đi theo quỹ đạo của CNTB.
Rõ ràng, sự thù hận và lòng căm giận cách mạng với những ham muốn cá nhân của một nhóm người theo đuôi quân xâm lược đã hối thúc họ thực hiện những hành vi sai trái, phản động bằng các chiêu trò, thủ đoạn “chọc gậy bánh xe”, “ném đá giấu tay”. Lợi ích cá nhân và âm mưu “trả thù đời” đã làm mờ mắt những kẻ phản bội dân tộc, tiếp tay cho các hành vi “trở cờ”, “quay lưng lại chế độ”, chà đạp lên lịch sử dân tộc, gây tội ác với đồng chí, đồng bào ta. Họ đã bị mua chuộc nên “bán linh hồn cho quỹ dữ”, cam chịu “kiếp đời làm tay sai cho quân cướp nước”. Sự tàn ác và sự tha hóa lương âm, nhàu nát danh dự và sự tha hóa nhân phẩm đã hối thúc họ làm những điều sai trái, thậm chí dã man, tàn ác. Đạo lý, pháp lý và lương tri của một con người không cho phép họ làm trái đạo đời, phản văn hóa làm người. Nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự sai trái ấy và tuyệt đối không dung tha tội ác của họ – những kẻ bán nước, hại dân, cản trở sự phát triển của dân tộc, sự hồi sinh của đất nước.
2. Ai bịa đặt, ai vu khống; ai xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi đen cuộc Cách mạng Tháng Tám, tước bỏ giá trị, ý nghĩa Ngày Quốc khánh 2-9? Tại sao các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại cố tình xuyên tạc sự thật, dai dẳng đưa ra các luận điệu sai trái, thù địch, các “bằng chứng giả dối” để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta – Những chủ thể đã làm nên “cuộc cách mạng đổi đời”, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, xác lập lại danh phận của Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Nhìn lại bối cảnh tình hình Việt Nam từ cuối năm 1939, đầu năm 1940, tin chắc mọi người dân, bất kể là ai, ở cương vị nào, sẽ có câu trả lời chính xác về câu hỏi nêu trên và tự giải đáp thỏa đáng: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có phải là “sự ăn may” hay “sự tình cờ”; vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sức mạnh của Nhân dân ta là thật hay giả. Từ đó, thấy rõ sự vô lý của các luận điệu sai trái, tính vô căn cứ, sự thâm độc của những luận điệu vu khống, chống đối, buộc tội Đảng và Bác Hồ “cản trở sự phát triển dân tộc”.
Đúng vậy, bước sang năm 1940, thực dân Pháp ở Đông Dương đã suy yếu hẳn. Lợi dụng tình hình ấy, phát xít Nhật đã lấn tới, từng bước “can thiệp sâu rộng vào Việt Nam” với tham vọng “hất cẳng Pháp” và thay thế thực dân Pháp để kiểm soát toàn bộ Đông Dương.
Trước sự ăn hiếp của phát xít Nhật, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp ước Tôkyô năm 1940 và thừa nhận phát xít Nhật được hưởng đặc quyền ưu đãi tại bán đảo Đông Dương, quản lý và chi phối nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia.
Mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật ngày càng lên cao. Thực dân Pháp đã không cam chịu sự lép vế, không dễ gì nằm yên trong vòng kiểm soát của phát xít Nhật. Họ đã tính kế lâu dài, chờ cơ hội đến là phản công Nhật, đòi lại quyền thống trị của mình. Đầu năm 1945, với thắng lợi của Hồng quân Liên Xô, chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn kết thúc. Thực dân Pháp theo phái Đờ gôn ở Đông Dương hồi hộp chờ quân Đồng Minh đổ bộ vào Việt Nam, lật đổ quân Nhật, khôi phục lại quyền thống trị.
Chính sách bóc lột dã man, tàn bạo của Pháp – Nhật đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói. Sự thật này đã phơi bày tội ác của quân xâm lược, cớ sao những kẻ trở cờ, chống phá Đảng, Bác Hồ lại “đội mũ ni che tai”, làm ngơ trước hiện thực dơ dáy ấy, bị “cấm khẩu” không dám nói ra sự thật.
Để diệt trừ hậu họa, đặc biệt là đề phòng quân Pháp đâm sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, quân Nhật đã quyết định hành động trước một bước: trao tối hậu thư đòi chính quyền Pháp phải trao toàn bộ quyền kiểm soát Đông Dương cho quân Nhật trước 21 giờ ngày 9-3-1945. Đến 21 giờ 20 phút, lấy cớ quân Pháp chưa trả lời, quân Nhật khởi sự tấn công Pháp và nhanh chóng chiếm được Phủ Toàn quyền Đông Dương, bắt sống hầu hết các quan chức cao cấp của quân Pháp. Đến chiều ngày 10-3, quân Pháp chấp nhận đầu hàng phát xít Nhật. Toàn bộ Đông Dương đã trở thành thuộc địa của phát xít Nhật.
Trước sự kiện Nhật – Pháp bắn nhau, quân Pháp đầu hàng quân Đức, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng “đây là cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam” thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc. Người đã “tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ” hành động cách mạng. Vì lẽ đó, Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi – Mặt trận Việt Minhđược thành lập. Ngay sau đó là các Đội tự vệ ở Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quânlần lượt ra đời. Phong trào toàn quốc kháng Nhật, chống Pháp dâng cao.
Mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp lên cao đến đỉnh điểm. Ngày 9-3-945, giữa lúc phát xít Nhật đảo chính để lật đổ Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp khẩn cấp, đánh giá tình hình, nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến rất gần. Ngày 12-3-1945, Hội nghị quyết định ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”và tuyên bố “phá kho thóc giải quyết nạn đói” cho dân. Đồng thời, ra chủ trương “thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương”. Nắm vững yếu tố thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (từ 13-8 đến 15-8-1945), kêu gọi toàn dân tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 25 triệu đồng bào cả nước, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đã nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân trong 15 ngày (từ 13 đến 28-8-1945), chấm dứt sự thống trị gần 100 năm xâm lược của thực dân Pháp và hơn 1000 năm của chế độ phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hoà.
Sự thật Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra như vậy. Vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã khẳng định rõ ràng trong từng bước tiến của cách mạng; khắc ghi đậm nét trong từng thời khắc, mỗi sự kiện lịch sử. Điều ấy được các nhân chứng lịch sử đã nói, đã viết. Không ai có thể bóp méo sự thật, xuyên tạc các sự kiện ấy và người dân Việt Nam, không ai tin vào những luận điệu sai trái ấy. Sự thật là nếu không có Ngày Quốc khánh 2-9-1945, chúng ta không có được cơ ngơi, tiền đồ và cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ngày nay.
Rõ ràng là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là “sự ăn may”, “tình cờ” hay “ngẫu nhiên” như người ta nói xạo mà là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài, đầy gian khổ của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ; thể hiện sâu sắc qua các phong trào cách mạng: 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945….Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ là một trong những nhân tố quyết định. Đây là hiện thực khách quan, minh chứng sinh động nhất để bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch, cố tình xuyên tạc giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9.
3. Cú tát vào mặt các thế lực thù địch, đập tan mọi quan điểm sai trái, thù địch là sự thừa nhận của cả dân tộc và nhân loại tiến bộ về giá trị, ý nghĩa thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa kể từ ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên Ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, công báo trước quốc dân, đồng bào và toàn thể thế giới về tính chính danh, chính đáng, chính nghĩa của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Nếu không có cuộc tổng động viên vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để thực hiện “Cuộc cách mạng đổi đời”, thì làm sao chúng ta giành được chính quyền về tay nhân dân. Bởi lẽ, mọi kẻ thù không bao giờ tự nguyện dâng hiến – trao chính quyền và lợi ích của họ cho chúng ta.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là quá trình mài sắc ý chí, tinh thần “tự lực cánh sinh”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; là biểu trưng: Đảng với Dân chung sức, đồng lòng “rời non lấp biển”, làm nên lịch sử Việt Nam mới, mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Cả thực dân Pháp và phát xít Nhật đều không muốn Việt Nam chiến thắng, đã sử dụng mọi biện pháp có thể để cản trở cách mạng.
Ai đó cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sự ăn may”, “tình cờ”, “ngẫu nhiên” là kẻ lừa dối lương tâm, tự đặt mình vào tình thế của những người không biết đọc, không biết viết, bị thiểu năng trí tuệ, thật đáng thương!
Thực tiễn đã chứng minh mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam không có gì là ngẫu nhiên, tình cờ hoặc tự đến. Đúng vậy! Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một quá trình viết bằng máu xương, mồ hôi và nước mắt của một dân tộc anh hùng.
Đây vừa là luận cứ khoa học xác đáng, vừa là biện pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiếp lửa truyền thống, thắp sáng niềm tin, bởi “quên lịch sử”, “phủ nhận quá khứ”, “mất gốc” là mất tất cả. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Cách mạng Tháng Tám vào công cộc đổi mới, nhất là vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và bảo vệ chế độ XHCN là bổn phận, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam yêu nước; là chứng thực “Cuộc cách mạng đổi đời” đã bác bỏ mọi lời vu khống, bịa đặt, xảo trá…Đó là tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống./.