Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học chiều 26/8 tại TPHCM, PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng - nêu thực trạng các trường cố mở rộng quy mô để tăng nguồn thu.
Ông Sơn bày tỏ các trường đang gặp khó khi mức thu học phí hiện nay thấp. Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng thẳng thắn chỉ ra xu hướng các cơ sở giáo dục đang cố mở rộng quy mô đào tạo để lấy kinh phí hoạt động.
"Không có đầu tư một cách thích đáng, chúng ta không thể nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng ta làm những việc này theo kiểu mở rộng chứ không phải đào sâu. Chúng tôi vẫn nói đấy chẳng qua là cách để mình "ăn thịt" chính mình. Mình đầu tư quá nhiều sức lực để mở rộng quy mô đào tạo để lấy tiền", ông Sơn nói.
Do đó, ông cho biết Bộ GD&ĐT vừa có văn bản trình Thủ tướng về cơ chế tài chính và vấn đề tăng học phí. Các đơn vị sẵn sàng cùng với Bộ ký những thư thỉnh cầu để có thể tăng phí, có nguồn đảm bảo chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Quang Sơn nêu thực trạng rất nhiều thầy cô giáo mong muốn được nghiên cứu nhưng không có nguồn kinh phí, cơ sở, phòng thí nghiệm...
Ông Sơn dẫn lại báo cáo hoạt động khoa học, công nghệ của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT cho thấy trong số 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022, có tới 9 tổ chức là các cơ sở giáo dục đại học. Vậy nhưng, kinh phí phân bổ nghiên cứu khoa học lại được tập trung ở các bộ ngành khác.
Từ đó, ông đề xuất cần thiết có sự phối hợp giữa các trường đại học, Bộ GD&ĐT và các bộ ban ngành khác để sử dụng chung nguồn lực, phát huy được sức mạnh nghiên cứu.
GS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - chỉ ra rằng tự chủ đại học là một chủ trương, xu hướng đã được khẳng định và hiện nay phần lớn các trường đã thực hiện tự chủ.
"Chúng tôi mong Bộ quan tâm đến chính sách về tài chính trong tự chủ đại học và học phí. Nếu không thì rất khó khăn cho các trường. Đặc biệt là các trường vừa mới được tự chủ đại học trong năm gần đây... Tôi biết rất nhiều trường đã khó khăn chồng chất", ông Tú nói.
GS Nguyễn Hữu Tú mong Bộ tiếp tục đề xuất, đề nghị Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách tài chính giúp cho các trường trong tiến trình tự chủ, đặc biệt là các trường mới bắt đầu tự chủ.
Thực tế ở không ít trường đại học đã 3-4 năm không tăng học phí phần nào có những khó khăn nhất định.
Tại hội thảo, đại diện các trường cũng bày tỏ trăn trở khi ngân sách dành cho giáo dục nước ta đang ở mức rất thấp so với thế giới.
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thừa nhận thực trạng nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp. Các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng.
Hồi đầu tháng 8, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Nội dung sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024; trình Chính phủ trước ngày 8/8.