MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
“Dân vận khéo” ở Phú Lộc - Kỳ 1: “Tre già, măng mọc”
Ngày cập nhật 25/08/2023

Mục tiêu cuối cùng của “Dân vận khéo” ở Phú Lộc là xóa bỏ những phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, hướng đến xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh và hiện đại.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng các già làng vẫn tiếp tục cống hiến, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ sau nối tiếp, làm tốt công tác “Dân vận khéo” tại địa phương.

 

Cán bộ dân vận đến làm việc tận hộ gia đình 

Đổi mới... bản làng

Bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc ngày đầu thành lập cách đây hơn 40 năm với chỉ một nhóm hộ người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Vân Kiều. Số hộ, nhân khẩu tại bản Phúc Lộc tăng dần theo năm tháng, đến nay có khoảng 167 hộ với hơn 761 nhân khẩu. Năm tháng dài dù sinh sống với các thôn láng giềng người Kinh, nhưng đời sống vật chất, tinh thần và nhiều tập quán sản xuất, tập tục lạc hậu của người dân Phúc Lộc vẫn không có nhiều thay đổi. Từ năm 2004 về trước, bản có 90 hộ thì có đến 70 hộ nghèo.

Làm gì để thay đổi cuộc sống của người dân Phúc Lộc, không để dân bản cứ luẩn quẩn trong nghèo khó luôn là điều trăn trở của các cấp, ban ngành xã Xuân Lộc và cả huyện Phú Lộc. Một điều được đúc rút đó là phải phát huy vai trò, giá trị của già làng, trưởng bản. Trưởng bản phải là tấm gương sáng, có uy tín thì dân mới noi theo.

Vậy là các cấp ủy Đảng, chính quyền Xuân Lộc tổ chức nhiều cuộc thăm dò, “đãi cát tìm vàng” để tìm một người thật sự có khả năng chèo lái “con thuyền” Phúc Lộc vượt qua bao gian khó, giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no. Và rồi trong số hàng trăm con người ĐBDTTS ấy cách đây chừng 20 năm trước, già làng Hồ Văn Phai được tín nhiệm làm Trưởng bản Phúc Lộc.

Già Phai kể, cách đây chừng 20 năm về trước, bản Phúc Lộc còn hoang sơ, đời sống người dân còn nghèo lắm. Già lúc đó là trưởng bản, nhiều đêm trằn trọc, thao thức, phải tìm bằng được lý do cái nghèo cứ đeo bám người dân. Và rồi mấu chốt của sự nghèo khó ấy cũng đã được già Phai tìm thấy, khẳng định là do dân trí thấp, tập quán sản xuất, nhiều phong tục lạc hậu.

Cứ sau mỗi ngày trên nương rẫy, khi những bữa cơm tối vừa xong, già Phai đến gõ cửa từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bày cách chăn nuôi, trồng trọt và truyền đạt những kiến thức bổ ích làm thay đổi tư duy, nhận thức, nâng cao dân trí cho người dân. Trước hết, là phải xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu của ĐBDTTS Vân Kiều lúc đó. Chính các phong tục lạc hậu đã trực tiếp làm cho đời sống, kinh tế của người dân càng khó khăn, luẩn quẩn hơn.

Già Phai bảo, nhà nào, hộ nào cũng đến lúc có người cưới vợ, lấy chồng. Theo phong tục của người dân Vân Kiều bản Phúc Lộc, lễ thách cưới phải “5 trâu, 3 bò”, gà, vịt và nhiều lễ vật khác. Sau bao năm đổ mồ hôi nước mắt, chưa kịp thoát nghèo lại tái nghèo sau một lễ cưới. Rồi lễ cúng tổ tiên, ông bà phải làm trâu, giết bò, hay “7 heo, 1 gà” rất tốn kém và lãng phí...

Còn nhiều phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan như trong nhà có người ốm đau thì đi tìm thầy bói, rồi nhờ thầy cúng chữa bệnh. Mỗi lễ cúng giải xui phải giết một vài con trâu, hoặc heo, dê... Tìm được nguyên nhân cảnh nghèo đeo đẳng, già Phai kiên quyết, bằng mọi cách phải xóa bỏ. Trước hết già làng phải hành động thì dân mới tin và làm theo, kết hợp với tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm sâu”.

Từ đó, dân bản Phúc Lộc bắt đầu dần từ bỏ những tập tục lạc hậu, gây lãng phí, giờ đây mỗi tiệc cưới tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình chỉ giết một vài con lợn, hoặc gà, vịt... không gây lãng phí. Lễ cúng tổ tiên, ông bà thay vì giết vài con trâu, 7 con heo thì nay không giết trâu, giết heo mà thay vào đó là một con dê, hoặc gà, vịt. Riêng lễ vật thách cưới “5 trâu, 3 bò” được xóa bỏ hoàn toàn... Từ khi xóa bỏ tập tục lạc hậu, kết hợp với biết cách làm ăn, đời sống của dân bản Phúc Lộc có nhiều chuyển biến, đến nay toàn bản có 167 hộ chỉ còn 18 hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới.

 

Trưởng bản Phúc Lộc Hồ Văn Yên tham gia trồng rừng 

Tiếp bước “tiền nhân”

Con đường dẫn chúng tôi vào bản Phúc Lộc được xây dựng bằng bê tông, thảm nhựa. Hai bên đường là những cánh rừng keo tràm phủ một màu xanh ngắt. Dưới những tán rừng keo kết hợp với nghề nuôi ong lấy mật. Xa xa là những vườn rau xanh, cây trái, trại chăn nuôi lợn, gà... là yếu tố căn bản làm thay đổi diện mạo, đời sống của dân bản Phúc Lộc.

Người kế nhiệm già làng Phai là Hồ Văn Yên với tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1982), hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Phúc Lộc cũng góp công lớn vào sự đổi thay của bản làng từ mấy năm nay. Yên bảo: “Già Phai chính là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo. Bản Phúc Lộc hôm nay là nền tảng mà già Phai góp công xây dựng, tôi có nhiệm vụ cùng với Nhân dân phải gìn giữ và phát huy”.

Yên bảo, một lợi thế lớn của bản Phúc Lộc là người ĐBDTTS đoàn kết, sinh sống có nghĩa, có tình cần được phát huy. Họ thường quan tâm giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hỗ trợ nhau trong làm ăn như chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ kinh nghiệm, dạy bảo nhau học tập để phát triển kinh tế, ổn định an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp khó khăn, các yếu tố bất lợi về thời tiết, dịch bệnh làm nảy sinh một số vấn đề phức tạp, Yên luôn cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con ĐBDTTS của bản cùng nhau khắc phục. Đáng chú ý là chú trọng khắc phục những khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi và khuyến khích việc trồng cây gây rừng. Từ đó, vừa tạo ra thu nhập cho người dân, vừa phủ xanh đồi núi ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần giúp đời sống của người dân đi vào ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của bản Phúc Lộc đạt hơn 35 triệu đồng/năm, số hộ nghèo chỉ còn 18 hộ, tất cả hộ dân đều có điện, nước hợp vệ sinh.

 Phong trào hiếu học được Yên cùng với các già làng duy trì, phát triển, tạo động lực, khuyến khích con em phấn đấu học tập. Đến nay, trên địa bàn bản có 35 em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều em đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp. 

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc đánh giá, già làng, trưởng thôn, bản có vai trò rất quan trọng trong công tác dân vận ở địa phương. Điển hình bản Phúc Lộc với 100% đồng bào Vân Kiều từ nghèo khó đến nay đã ổn định cuộc sống, có công lớn của già làng Hồ Văn Phai. Già làng Hồ Văn Phai từng được Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2016 và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp vì có đóng góp to lớn làm đổi thay bản làng Phúc Lộc nói riêng và Xuân Lộc nói chung.

 

 

 

www.baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.643.733
Truy cập hiện tại 91