Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại ngày hội việc làm của Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế năm 2023 |
Không cẩn thận sẽ thành “máy” sao chép
Tính đến tháng 8/2023, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đã có sự liên kết và hợp tác với khoảng 100 DN, tập đoàn trong nước, quốc tế trong đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ và cung ứng nguồn nhân lực. Điều này mang lại lợi ích đồng thời cho các bên, đặc biệt là sinh viên. Như tại 2 ngày hội việc làm được trường tổ chức trong năm 2023, đã có 56 DN tham gia tuyển dụng với 1.750 vị trí việc làm. Mỗi sinh viên có nhiều cơ hội làm việc tại các DN đã được nhà trường ký kết và từng tham gia đào tạo trước đó. Hay như tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế, trong ngày hội việc làm năm nay đã thu hút hơn 37 DN về tuyển dụng, với hơn 2.700 vị trí việc làm; trong đó, có 5 DN tuyển dụng với số lượng không giới hạn. Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp chỉ hơn 1.000 sinh viên, như vậy trung bình mỗi sinh viên tốt nghiệp có đến 2,7 cơ hội việc làm.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, xét về phía các cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo giữa trường đại học và DN là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của hai phía. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đại học Huế xác định, DN sẽ đóng vai trò quan trọng, là nhà cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động. Từ đó, có những chương trình đào tạo phù hợp, hướng đến nhu cầu xã hội, của DN. Xuất phát từ điều đó, thời gian qua, các trường thành viên và khoa trực thuộc Đại học Huế đã có nhiều hợp tác với các đối tác, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực tri thức chất lượng.
Ở góc độ DN, xuất phát từ sự biến động không ngừng của thị trường với những kiến thức mới cập nhật và thay đổi liên tục của nhân sự, để có thể vượt qua những khó khăn đó, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân sự tốt, đủ khả năng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào của DN. Vì vậy, DN cũng phải chủ động hơn, phối hợp với các cơ sở để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ năng mềm cho nguồn lao động. Kể cả những yêu cầu cập nhật thông tin, quy định mới của Nhà nước về thay đổi chính sách quản lý kinh tế…
Hiệu quả là điều đã được kiểm chứng khi đào tạo theo nhu cầu của DN. Dù thế, ở góc tiếp cận đa diện hơn, GS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho rằng, liên kết đào tạo với DN đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Khi tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tốt thì có tác động tích cực ngược trở lại là thúc đẩy thu hút đầu vào. Nhưng đào tạo theo nhu cầu của DN cũng có hai mặt, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhiều DN chỉ mong muốn sinh viên học và làm tốt một lĩnh vực. Điều này có thể dẫn đến sự rập khuôn, sinh viên chỉ làm được quy trình nào đó, thiếu đi sự sáng tạo. Nếu như sự sàng lọc trong DN ngày càng lớn, chính những lao động được đào tạo như trên lại thiệt thòi khi chuyển sang môi trường làm việc khác.
Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp giúp sinh viên dễ tìm được việc làm sau khi ra trường
Xây dựng chương trình phù hợp
Hướng đến đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu của tất cả các cơ sở đào tạo. Đơn vị khẳng định điều đó là chính các DN. Để rút ngắn khoảng cách, đáp ứng được nhu cầu thì DN phải là “mắt xích” quan trọng trong các chương trình đào tạo.
Theo các chuyên gia, khi các chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho DN, theo nhu cầu DN sẽ hiểu rõ về thực trạng, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, thực trạng nguồn nhân lực, đối tượng và yêu cầu đào tạo. Tùy theo yêu cầu của DN, có thể triển khai ứng dụng những kiến thức mới của các chương trình đào tạo.
TS. Nguyễn Công Hào cho hay, quy định xây dựng chương trình đào tạo trong đại học hiện nay rất mở. Có những ngành đào tạo, như du lịch, kinh tế, công nghệ thông tin… DN có thể tham gia đến 30% chương trình đào tạo toàn khóa. Ở một diễn biến khác, các cơ sở đào tạo hiện nay cũng đang rất linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo. Không phải một chương trình sẽ áp dụng cho tất cả, mà cơ sở đào tạo sẽ thay đổi liên tục sao cho phù hợp với thực tiễn. Tại đây, DN và cơ sở đào tạo sẽ “bắt tay” cùng nhau xây dựng chương trình phù hợp. DN tham gia cùng đào tạo nhiều hay ít tùy thuộc vào sự thống nhất của hai bên.
Cách mà DN tuyển dụng lao động hiện nay là một người có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong DN. Vì vậy, không ít góp ý cho rằng, các cơ sở đào tạo cần phối hợp với DN tạo ra môi trường DN ngay trong trường học. Cụ thể là sinh viên có thể học ở phòng này, sang phòng kế tiếp là môi trường làm việc của DN, sang phòng nữa là môi trường thực hành… Tạo ra môi trường trong đại học như thế, sinh viên học 4 năm, đó là 4 năm kinh nghiệm mà khi ra trường có đủ kinh nghiệm để vào DN.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, chuyên gia lao động - việc làm, Giám đốc khu vực phía Bắc Navigos Search Việt Nam chia sẻ, nhiều DN cho rằng chỉ mất 15 ngày đào tạo cho một công nhân có thể làm việc tốt, nhưng phải mất 6 - 8 tháng để đào tạo một kỹ sư sau khi ra trường có thể làm việc tốt. Để thay đổi điều này, các cơ sở đừng đợi năm cuối mới tổ chức cho sinh viên đi thực tập, mà ngay từ năm nhất hãy cho sinh viên đi đến các DN. Các em sẽ không chỉ học kiến thức thực tế, mà cả kỹ năng hội nhập, tư duy của DN càng sớm càng tốt.