Muôn chiều tranh cãi
Từ vụ việc xảy tại trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam tại Huế, Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) nhắc nhở Sở Văn hóa và Thể thao Huế về việc đã tổ chức trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (có sự tham gia của các thanh đồng).
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của hội thảo còn diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng không đúng trong “không gian thiêng” cần có, dẫn đến làm “sai lệch di sản”.
Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh, cần phân biệt được “trình diễn di sản” và “thực hành tín ngưỡng”.
Giới chuyên gia phân tích, “trình diễn di sản” diễn ra trên sân khấu sử dụng diễn viên để mô phỏng, tái hiện lại nghi lễ hầu đồng, còn “thực hành tín ngưỡng” với sự tham gia của các thanh đồng lại cần phải thực hiện đúng trong “không gian thiêng” là cung đền, sở điện (đền, phủ, điện).
Tuy nhiên, xoay xung quanh những thông tin này lại kéo theo rất nhiều tranh cãi, thắc mắc từ chính các nhà nghiên cứu về di sản và văn hóa tín ngưỡng.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Đặng Mậu Tựu - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế nói: “Hội thảo khoa học diễn ra ở Huế không nhằm mục đích kinh doanh, thu tiền hay trục lợi, chỉ nhằm mong muốn được diễn giải về di sản. Nhưng từ trước tới nay, chưa có văn bản hướng dẫn việc “trình diễn di sản” và “thực hành tín ngưỡng” một cách cụ thể. Vì trong mỗi trường hợp, bối cảnh trình diễn khác nhau, sẽ có những câu chuyện khác nhau. Tôi rất mong, ở trách nhiệm của mình, Cục Di sản văn hóa sẽ có văn bản trao đổi, hướng dẫn cụ thể với địa phương trong việc trình diễn, diễn giải di sản”.
Trong “trình diễn di sản”, khi đưa lên sân khấu sẽ do diễn viên đảm nhận. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Cục Di sản văn hóa cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, ví dụ trường hợp diễn viên là thanh đồng, thanh đồng là diễn viên thì sao? Ảnh trong vở “Tứ phủ” do ban tổ chức cung cấp.
Theo đó, trong trường hợp diễn khăn áo hầu đồng ở Huế, nếu là “trình diễn di sản” phải sử dụng diễn viên, vậy, nếu diễn viên là thanh đồng thì sao? Khán giả phổ thông làm cách nào để phân biệt được diễn viên và thanh đồng?
Khi lên sân khấu, diễn viên cũng hóa trang, thực hiện những hành động giống hệt thanh đồng. Nhưng sẽ có trường hợp, diễn viên không thể thuần thục, am hiểu được sâu xa “tính thiêng” trong di sản tín ngưỡng như thanh đồng, nếu diễn viên thực hiện không đúng, không đủ thì có làm “sai lệch” cách hiểu về di sản không?
Những vở diễn, tiết mục văn nghệ “trình diễn di sản” không có đầy đủ các yếu tố, cách thức, nghi lễ... liệu có gây ảnh hưởng đến cách nhìn của công chúng về di sản?
Trả lời phóng viên Lao Động, GS.TS Bùi Quang Thanh - Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho rằng: "Cá nhân tôi luôn ủng hộ việc di sản tín ngưỡng cần được thực hành trong không gian tín ngưỡng (tức không gian thiêng), tuy nhiên, với việc trình diễn di sản, không nên quá cứng nhắc. Trong khuôn khổ một hội thảo khoa học, việc đưa nghệ nhân, thanh đồng lên thị phạm, diễn giải di sản là điều có thể chấp nhận được. Bởi nghệ nhân, thanh đồng là những người hiểu về nghi lễ nhất, thực hiện chuẩn mực nhất".
Nếu có thể đưa các nghệ nhân, thanh đồng thị phạm nghi lễ, diễn giải về khăn áo giá hầu trong không gian hẹp của hội thảo khoa học, vậy câu hỏi đặt ra, họ được phép thị phạm như thế nào, ở mức độ ra sao để phù hợp?
Với loạt câu hỏi đặt ra về “trình diễn di sản”, “diễn giải di sản” khi đi vào thực tế triển khai, GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói:
“Tính cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định cụ thể, rõ ràng cách thức tổ chức, thực hiện những hoạt động “trình diễn di sản”. Khi đi vào thực tế, trong từng môi trường, hoàn cảnh khác nhau, sẽ phải có quy định khác nhau đối với hoạt động trình diễn di sản. Chưa kể, với từng loại hình di sản khác nhau lại cần những quy định khác nhau khi đưa ra trình diễn”.
Ông Đặng Mậu Tựu cho rằng, Cục có văn bản hướng dẫn cụ thể với từng trường hợp sẽ giúp các địa phương dễ dàng tổ chức “trình diễn, diễn giải di sản” hơn.
"Nỗi đau từ thực trạng còn lớn gấp nhiều sân khấu”
Cũng theo các chuyên gia trong nghề, hiện nay, hiện trạng nghi lễ hầu đồng bị tổ chức biến tướng, trục lợi diễn ra tràn lan, nhưng chưa thấy sự ra tay quyết liệt từ Cục Di sản văn hóa.
“Chưa kể, nhiều thanh đồng, nghệ nhân vẫn tổ chức ra nước ngoài biểu diễn, không biết Cục Di sản văn hóa có nắm được không?” – các GS.TS chuyên ngành đặt câu hỏi.
Để di sản tín ngưỡng được bảo tồn, phát huy những giá trị đẹp đẽ trong văn hóa lâu đời của người Việt, theo GS.TS Trương Quốc Bình, di sản cần phải đến được với đông đảo công chúng. Phải để công chúng hiểu được di sản, mới yêu di sản.
Ông Đặng Mậu Tựu cho rằng, việc tạo điều kiện để việc thực hành, diễn giải di sản trong không gian mở sẽ giúp công chúng thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu về tín ngưỡng, nghi lễ hầu đồng, khi họ hiểu hơn, yêu hơn, họ sẽ tìm cách để đến đúng “không gian thiêng” tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về di sản tín ngưỡng.
Trong trường hợp các thanh đồng có thể tham gia thị phạm nghi lễ hầu đồng ở phạm vi hội thảo, vậy mức độ được phép thị phạm như thế nào là phù hợp?
"Trong di sản, nếu không hiểu kỹ, đúng là rất nguy hiểm và khó lường hậu quả. Ví dụ như vụ việc liên quan đến lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến” – GS.TS Trương Quốc Bình nói.
Theo đó, năm 2022, lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng việc này đã nhận sự phản ứng từ Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.
Lý do nằm ở hồ sơ di sản về lễ giỗ thứ phi Hoàng Phi Yến có những thông tin không chính xác, sau đó, di sản này đổi tên thành "lễ giỗ bà Phi Yến".