Dự án hơn nghìn tỷ “đắp chiếu”
Hàng chục năm về trước, khi Suối Voi (thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vẫn còn là núi rừng rậm rạp, hoang sơ thì có một số hộ dân địa phương đã đến khai hoang, tự bỏ kinh phí ra để mở đường liên thôn, dựng quán xá để buôn bán phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh đến tắm suối. Về sau, Suối Voi trở nên nổi tiếng ở Huế và là địa chỉ du lịch ở miền Trung thu hút đông đảo người dân, du khách từ Đà Nẵng, Quảng Nam... và cả du khách quốc tế. Cũng từ đó, số hộ đến đây kinh doanh cũng tăng lên theo thời gian.
Một góc Khu du lịch Suối Voi thời điểm người dân địa phương còn khai thác kinh doanh.
Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, trước đây, các hộ kinh doanh, bán buôn ở Suối Voi gia nhập hợp tác xã và việc kinh doanh hoạt động được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền địa phương. Hằng năm, người dân đóng các loại thuế, phí đầy đủ cho chính quyền. Việc kinh doanh, bán hàng ăn (chủ yếu là các ăn đặc sản của vùng quê), nước giải khát với giá bình dân tại Suối Voi trở thành nghề chính của nhiều hộ dân và nuôi sống hàng trăm con người.
Ông Trần Tuất, trưởng thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến cho biết: Khoảng từ năm 2000 đến năm 2017, du khách trong và ngoại tỉnh về Suối Voi rất đông, người dân buôn bán tại đây thu nhập cao. Chỉ kinh doanh trong vài tháng mùa hè, sau khi trừ tất cả chi phí, hàng quán nào thấp nhất cũng lãi khoảng 100 triệu đồng, còn quán đông khách lãi từ 200-300 triệu đồng/năm...
Năm 2017, dự án Khu du lịch Suối Voi được Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Hoa Lư-Huế. Dự án có diện tích 51,79 ha, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.020 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án chính thức được khởi công giai đoạn 1 vào cuối tháng 3/2019 và hoạt động vào năm 2021. Tuy nhiên, trong thời gian dài, dự án này chậm triển khai, trong khi người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này bị đẩy vào cảnh lao đao do mất sinh kế. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc, tổng cộng có 108 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong số này có 57 hộ bị ảnh hưởng về đất, 25 hộ kinh doanh chính, 16 hộ kinh doanh phụ, 1 hộ xây dựng nhà quán, 7 hộ kinh doanh nhà nghỉ...
Điều đáng nói, thời điểm khi khu du lịch Suối Voi được giao cho doanh nghiệp, rất nhiều hộ kinh doanh nơi đây đã phản đối. Nguyên nhân là bởi người dân cho rằng nơi họ khai hoang, đầu tư kinh phí và công sức rất lớn mới thành khu du lịch nhưng lại được giao cho doanh nghiệp là không hợp lý. Nhiều hộ dân cho rằng, từ những ngày đầu, nhiều người dân địa phương đã lên đây khai hoang mở đường, chẻ đá để Suối Voi mang thương hiệu như hôm nay... Mặt khác, theo người dân, với dự án này, lẽ ra giữa dân và doanh nghiệp phải thỏa thuận về giá cả bồi thường, hỗ trợ chứ không phải Nhà nước đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Với bức xúc như trên, nhiều người dân đã từng ngăn cản việc giao đất cho doanh nghiệp và không chấp nhận mức giá bồi thường, hỗ trợ.
Sau khi được cấp phép, theo kế hoạch, dự án Khu du lịch Suối Voi chính thức được khởi công giai đoạn 1 vào cuối tháng 3/2019 và dự kiến hoạt động vào năm 2021. Tuy nhiên, sau thời gian dài được giao đất, Công ty Hoa Lư-Huế chậm trễ triển khai dự án, trong khi người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này bị đẩy vào cảnh khó khăn do mất sinh kế. Một số người dân do không có công ăn việc làm đã phải rời quê để mưu sinh.
“Dự án chậm triển khai đã gây lãng phí tài nguyên và khiến nhiều hộ dân đã nhường đất cho dự án càng thêm bức xúc vì trong khi người dân mất sinh kế thì đất đai nơi họ từng kinh doanh buôn bán rất thuận lợi thì nay lại bị bỏ hoang”, một hộ dân từng kinh doanh ở Suối Voi xót xa.
Cổng vào dự án Khu du lịch Suối Voi của Công ty Hoa Lư-Huế.
Ông Trần Sữu (62 tuổi, trú tại thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến), một hộ dân từng kinh doanh ở Suối Voi cho biết, trước đây, gia đình ông bán buôn ở đây, ngoài những người làm trong nhà thì ông kêu thêm 6 lao động địa phương với mức nhân công từ 4,5 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng/người. Theo ông Sữu, trừ các khoản chi phí thì mỗi năm hộ ông thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng. Thế nhưng, hơn 4 năm nay, từ khi nhường địa điểm kinh doanh cho dự án thì ông Sữu không có công ăn việc làm... Hộ gia đình chị Lê Thị Y. cũng rơi vào cảnh tương tự. “Gia đình tôi lên Suối Voi khai hoang để buôn bán từ hàng chục năm trước. Đây là nơi nuôi sống cả gia đình tôi và hàng trăm gia đình khác. Từ khi Suối Voi được giao cho doanh nghiệp, chúng tôi phải kiếm sống bằng nghề khác, cuộc sống rất khó khăn. Trong khi đó đất giao cho doanh nghiệp lại bị bỏ hoang trong thời gian dài, chúng tôi rất bức xúc”, chị Y. cho biết.
Bị “tuýt còi” vẫn tiếp tục chậm tiến độ
Mới đây, có mặt tại dự án này vào ngày 8/8, mặc dù trời nắng gắt, thời tiết thuận lợi cho việc triển khai thi công xây dựng nhưng theo ghi nhận của phóng viên, ngoài duy nhất bảo vệ công trình thì dự án vắng bóng công nhân thi công. Tại đây, nhiều hạng mục tại đây được xây dựng dở dang rồi “đắp chiếu” trong thời gian dài. Trên diện tích hàng chục ha đất dự án nham nhở những đống đất đá và các hạng mục bằng bê tông dở dang, sắt thép gỉ sét.
Ông Trần Tuất xót xa: Đến thời điểm này đã gần 5 năm người dân phải ngừng kinh doanh ở Khu du lịch Suối Voi vì tỉnh giao đất cho Công ty Hoa Lư-Huế thực hiện dự án. Theo cam kết của nhà đầu tư, sau khi dự án hoàn thành sẽ nhận một số lao động bị ảnh hưởng bởi dự án vào làm việc. Thế nhưng, người dân chờ “dài cổ”, dự án vẫn không xong khiến hàng trăm người dân khốn đốn vì mất sinh kế.
“Trước đây, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án được đền bù khoảng vài ba chục triệu, hộ cao nhất khoảng hơn 100 triệu đồng và mấy năm nay cũng ăn hết số tiền đó rồi, giờ người dân không có nguồn thu nữa. Ngoài việc người dân mất công ăn việc làm cho thu nhập tốt, Nhà nước cũng mất đi nguồn thu tiền tỷ mỗi năm từ việc người dân đóng thuế”, ông Tuất cho hay.
Nhiều hộ dân từng kinh doanh ở Suối Voi mong muốn, nếu dự án không tiếp tục làm nữa thì Nhà nước nên sớm thu hồi để giao lại cho dân để làm ăn. Ông Phan Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết: Dự án Khu du lịch Suối voi được Công ty Hoa Lư-Huế triển khai quá chậm, đến nay lẽ ra đã phải đi vào hoạt động nhưng tiến độ mới chỉ đạt khoảng 30-40%. Điều đáng lo ngại là khoảng 4 tháng trở lại đây các hạng mục của dự án gần như không được triển khai thi công.
“Chủ đầu tư cam kết sớm đưa dự án đi vào hoạt động để giải quyết công ăn việc làm cho người dân mất sinh kế vì dự án, nhưng việc dự án gần như “án binh bất động” trong thời gian dài đã khiến người dân thêm bức xúc. Ngoài là nơi tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hàng trăm con người, Suối Voi còn là nơi tiêu thụ nông sản (gà, cá, rau, củ quả...) cho người dân trên địa bàn xã. Thế nhưng, từ khi người dân không còn được kinh doanh ở đây, nông sản ở xã tiêu thụ hết sức khó khăn.
Bên trong dự án, nhiều hạng mục “đắp chiếu”, vắng bóng công nhân.
Trước tình trạng dự án Khu du lịch suối Voi chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết khiến các hộ dân bức xúc. Thời gian qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết, nếu Công ty Hoa Lư-Huế không thực hiện dự án đề nghị giao lại UBND xã quản lý tiếp tục phát triển sinh thái cộng đồng. Vào cuối năm 2022, UBND tỉnh đã trả lời ý kiến cử tri và cho rằng, khu du lịch Suối Voi của Công ty Hoa Lư-Huế được Ban Quản lý cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2017 và điều chỉnh năm 2020. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh các dịch vụ lưu trú và các dịch vụ phụ trợ kèm theo.
Theo UBND tỉnh, qua theo dõi tình hình thực hiện dự án, phía chủ đầu tư dự án đang thi công một số công trình phụ trợ dự án: San nền, đường giao thông, đập tràn, hàng rào, cổng, nhà bảo vệ, nhà điều hành... UBND tỉnh cho biết, đến cuối năm 2022, dự án chậm tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 hơn 15 tháng, tuy nhiên, tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đang trong thời gian quy định.
Liên quan đến việc triển khai dự án chậm tiến độ, ngày 14/3/2022, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính dự án triển khai chậm tiến độ (Quyết định số 03/QĐ-XPHC ngày 13/4/2022). Ngày 28/3/2022, Công ty đã nộp tiền xử phạt 70 triệu đồng. Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã làm việc với chủ đầu tư để rà soát điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định hiện hành, cụ thể. Theo bản cam kết tiến độ thực hiện dự án ngày 15/7/2022, nhà đầu tư cam kết hoàn thành đưa giai đoạn I của dự án vào hoạt động quý II/2023. Thế nhưng, đến nay đã gần hết quý III/2023 nhưng dự án vẫn còn dang dở.
Tình trạng dự án triển khai quá chậm gây lãng phí nghiêm trọng tài nguyên và khiến những hộ dân đã nhường đất cho dự án bức xúc vì trong khi người dân mất sinh kế, có người phải rời quê đi đến nơi khác mưu sinh, trong khi đó đất đai nơi họ từng mưu sinh lại bị bỏ hoang.
Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến còn cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, mặc dù các hạng mục “đắp chiếu”, dự án chưa đủ điều kiện đưa vào đón khách, nhưng phía Công ty Hoa Lư-Huế vẫn tổ chức đón khách đến tham quan vui chơi ở Suối Voi. Trước tình trạng này, chính quyền xã và Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Công ty Hoa Lư-Huế chấm dứt hoạt động đón khách để tránh các sự cố có nguy cơ xảy ra.
Theo ông Trần Viết Tú - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), sau khi được giao đất, Công ty Hoa Lư-Huế chỉ khởi động dự án Khu du lịch Suối Voi một thời gian rồi không tiếp tục triển khai xây dựng. Trong các cuộc họp, phía huyện đề nghị nhà đầu tư triển khai dự án nhưng rồi không có kết quả.