Nghịch lý Nghị định 95 về xăng dầu
Nói về những bất cập của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, ngay từ khi có hiệu lực, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ những bất cập.
Theo ông Thắng, từ giữa tháng 1.2022, nguồn cung xăng dầu đã bị cắt giảm, việc mua hàng gặp khó khăn, nhiều thời điểm không thể mua được hàng do đầu mối găm hàng, hoặc thù lao âm nhưng vẫn không có hàng để mua.
Tình hình thù lao được hưởng của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu "tụt dốc không phanh" từ trên 1.000 đồng/lít, xuống dần 700 đồng/lít, rồi còn 500 đồng/lít; và sau đó là thường xuyên dưới 100 đồng/lít, thậm chí là âm (doanh nghiệp phải trả thêm tiền để mua hàng và tiền vận chuyển).
Điều đó dẫn đến hệ lụy hệ thống phân phối của doanh nghiệp bán lẻ bị thua lỗ, doanh nghiệp kinh doanh kiệt quệ, phải bán tài sản, gánh thêm nợ, thậm chí rơi vào "nợ xấu".
Nguyên nhân dẫn đến những bất cập, dị biệt này, theo ông Thắng, một phần do dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông bắt buộc thay đổi từ 30 ngày tại Nghị định 83/2014 xuống còn 20 ngày tại Nghị định 95/2021. Điều này được lý giải để giảm áp lực, gánh nặng tài chính cho thương nhân đầu mối (nhập khẩu và sản xuất).
Tuy nhiên, ông Thắng cho hay, thực tế lại là một nghịch lý khi nhiều thời điểm, thương nhân đầu mối không thực hiện việc nhập khẩu đủ xăng dầu để đảm bảo dự trữ lưu thông bắt buộc.
Việc đầu mối ngừng nhập khẩu, hoặc giảm nhập khẩu (hoặc đầu mối là thương nhân sản xuất ngừng sản xuất xăng dầu) khiến thị trường đứt gãy sau 5-10 ngày, khi hệ thống đại lý phân phối xăng dầu kinh doanh hết số dự trữ tại bồn chứa của mình.
"Bởi lẽ toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu từ đầu mối đến cửa hàng bán lẻ chỉ có khoảng 10 ngày dự trữ lưu thông tối thiểu. Điều đó không đảm bảo cho 1 chu kì nhập khẩu 10-15 ngày", ông Thắng nói.
Đồng quan điểm, ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TPHCM), năm 2022 tình hình thị trường xăng dầu trong nước luôn biến động do nguồn cung không đảm bảo các nhà bán lẻ xăng dầu kinh doanh thua lỗ, chiết khấu thường xuyên không có do các nhà cung cấp cắt chiết khấu, khiến chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng bị gián đoạn.
Tình trạng này là do những điểm bất công và kẽ hở trong nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu hiện nay.
Nghị định 95/2021 đã trao cho thương nhân đầu mối quá nhiều quyền và lợi ích
Một trong những bất cập nữa của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, theo ông Nguyễn Xuân Thắng là thời gian điều chỉnh giá từ 15 ngày xuống 10 ngày, dẫn đến thiếu hụt nguồn trong ngắn hạn.
Sở dĩ có tình trạng như vậy do đầu mối điều chỉnh lượng nhập giảm cho phù hợp với 20 ngày dự trữ tối thiểu - trong khi thời gian nhập khẩu không thay đổi mà còn có xu hướng tăng do các điều kiện khách quan.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Thắng cho biết, tưởng chừng như góp phần bình ổn giá xăng dầu, nhằm hài hòa lợi ích cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Nhưng việc vận hành trích lập không tuân thủ biểu thức khoa học, mà điều hành trích lập cảm tính nên xả quỹ đến âm, rồi bù đắp bằng việc giảm trích lập sau đó. Hoặc có trường hợp xăng dầu giảm sâu thì không xả quỹ, không trích lập hoặc trích lập rất ít dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ từ chính lượng xăng dầu đảm bảo dự trữ lưu thông của mình.
Từ những điểm mấu chốt trên, ông Thắng cho hay, rõ ràng, Nghị định 95/2021 đã trao cho thương nhân đầu mối quá nhiều quyền và lợi ích, với mong muốn họ sẽ đáp ứng được kỳ vọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu.
Song, trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng những quyền hạn được giao phó, gây ra đứt gãy phân phối xăng dầu ảnh hưởng đến sản xuất, vận tải và nhu cầu sử dụng của nhân dân.
"Việc chậm trễ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 95/2021, không đảm bảo công khai tỉ lệ phần trăm lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức cho khối bán lẻ dẫn đến chuỗi ngày kinh doanh lỗ nặng của doanh nghiệp bán lẻ", vị giám đốc nói.
"Trách nhiệm thuộc về ai?", PV đặt câu hỏi, ông Thắng cho rằng, thuộc về tất cả cơ quan ban ngành, ban soạn thảo nghị định, trong đó có Bộ Công Thương.
"Những thiếu sót, bất cập của một nghị định đã ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội. Nếu không nhanh chóng sửa đổi, để những tồn tại kéo dài không hồi kết sẽ tạo tiền lệ xấu cho những lĩnh vực khác trong tương lai" - ông Thắng nói.
"Không thể để chậm trễ việc ban hành Nghị định 95 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu"
Đó là quan điểm của PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh khi trao đổi với PV Báo Lao Động. Ông cho rằng, việc chậm ban hành Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu là nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp và những vướng mắc, phát sinh thời gian qua.
"Theo tôi, Nghị định sửa đổi phải đáp ứng được những tiêu chí chính, gồm: Giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối, kinh doanh xăng, dầu; giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xăng, dầu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.