Ngày 15/8, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” (SAFEGRO) đã phối hợp với Vụ Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức Hội thảo quốc gia về “Giáo dục, Truyền thông và Văn hoá An toàn thực phẩm”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành và đại diện một số địa phương trong cả nước.
Mục tiêu của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán sản xuất, kinh doanh gây mất an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Đồng thời, tuyên truyền về đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thực phẩm.
Tại hội thảo, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, các bộ, ngành liên quan đã có bài trình bày báo cáo, tham luận về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ở Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, cải thiện hiệu quả giáo dục, truyền thông; thống nhất một số đề xuất giải pháp triển khai hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện hiệu quả truyền thông và hoàn thiện văn hóa an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, hiện nay vẫn còn tình trạng quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm dù chúng ta đã có chính sách, chế tài xử phạt.
Do đó, việc sớm xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục, truyền thông, xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm là giải pháp rất cần thiết. Cùng với đó, lồng ghép nội dung văn hóa an toàn thực phẩm vào các chương trình giáo dục, xây dựng mô hình điểm thực hành qui tắc ứng xử văn hóa an toàn thực phẩm tại các cấp độ nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục.
Đại biểu Khổng Mạnh Tuấn (Trưởng phòng Phòng Thông tin trực quan, Cục Thông tin Cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đề xuất, đối với giai đoạn phát triển mạnh về mạng xã hội, internet như hiện nay cần có giải pháp phù hợp như: tăng cường chỉ đạo về giáo dục, truyền thông; có đường dây nóng để tiếp nhận về phản ánh về an toàn thực phẩm; tích cực truyền thông trên mạng xã hội bởi đây là kênh thông tin người dân tiếp cận nhiều nhất trên điện thoại.
Đại biểu Trương Thị Thu Thủy (Trưởng ban Gia đình – Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) cho biết, ngoài tiếp tục nhân rộng các mô hình về an toàn thực phẩm, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông các thông tin về an toàn thực phẩm, tuyên truyền, vận động cho hội viên, cơ sở sản xuất do phụ nữ quản lý, được hội hỗ trợ thành lập ký kết sản xuất thực phẩm an toàn.
Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Chính phủ Canada viện trợ không hoàn lại 15 triệu đô la Canada. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan chủ quản triển khai với sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan về an toàn thực phẩm tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường là cơ quan thường trực của Dự án. Cơ quan thực hiện dự án là Alinea International phối hợp với Đại học Guelph - Canada./.