MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Sạch sẽ, gọn gàng, chợ sẽ có sức hút
Ngày cập nhật 11/08/2023

Tuyên truyền vận động là cần thiết và đương nhiên. Tuy nhiên, nếu không kết hợp với chế tài thích đáng, nghiêm túc thì có lẽ vấn nạn rác thải nơi các ngôi chợ sẽ... “muôn đời vẫn thế”.

Từ chợ Mai

Nghe tiếng chợ Mai đã lâu, nhưng thú thật tôi chưa một lần đặt chân đến. Cuối tuần vừa rồi, nhân về Thuận An tắm biển sớm, trên đường trở lại Huế, mấy người bạn trong đoàn đề xuất ghé chợ Mai thăm cho biết, nhân tiện cũng để xem có gì tươi ngon mua cho bữa trưa luôn, khỏi mất công đi chợ lần nữa.

Chợ nằm trên địa bàn phường Phú Thượng, gần cầu Chợ Dinh. Nếu đi từ hướng Thuận An lên, đến đầu cầu Chợ Mai- một cây cầu rất ngắn- thì rẽ phải vào một quãng là đến. Gọi chợ Mai vì chợ thường họp buổi sáng, còn tên chữ của chợ là chợ Nam Phổ, tên gắn với tên làng mà ngôi chợ tọa lạc. Chợ không lớn lắm, nhưng các ngành hàng vẫn khá phong phú, nhất là rau củ, và các thủy hải sản thì vô cùng tươi ngon. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì chợ nằm cách biển và vùng đầm phá không bao xa. Thủy hải sản đánh bắt đưa vào, được tiểu thương mua và chuyển đến chợ ngay, không tươi ngon mới lạ. Mấy chị em trong đoàn ai cũng hớn hở vì chọn được cho mình những món ngon ưng ý.

Một dòng kênh chạy ngang trước mặt chợ, khi vào không để ý, đến khi trở ra, nhìn xuống mới thấy mà buồn. Dòng kênh, nếu bắt chước theo phong thủy chút mà luận, đóng vai trò như “minh đường” của ngôi chợ. Mà minh đường thì đòi hỏi phải sạch sẽ, thoáng đãng mới “tàng phong tụ khí”, mới giúp cho chợ mua may bán đắt, làm ăn phát đạt. Vậy mà trước mắt tôi, đó là một dòng nước lờ nhờ, và phập phềnh nhiều rác thải. Rác ở đâu ra, không cần “phân loại” cũng có thể biết chúng chủ yếu phát xuất từ những người mua bán nơi ngôi chợ này mà ra cả. Hộp xốp, bao ni lông, vỏ chai nhựa, ly nhựa... tất cả hoặc lờ đờ nổi trôi, hoặc quây quần tụ hội nơi chân kè, góc bến trông rất nản!

Ngẫm về những ngôi chợ khác

Điều đáng nói là đó cũng là thực trạng chung của hầu hết các ngôi chợ đang hoạt động. Chợ thường được họp, được xây dựng bên canh các con sông hoặc kênh, hói. Có lẽ là để thuận tiện cho giao thông, lại đảm bảo nguồn nước cho hoạt động, cho phòng, chữa cháy của chợ. Tuy nhiên, do thói quen rất tệ của nhiều bà con tiểu thương, và của cả một số khách hàng đi chợ, nên những dòng nước cạnh chợ thường “cam” luôn cái phận làm nơi phóng uế, chứa rác thải. Nhà tôi ngày trước ở bên này sông, nhìn sang bên kia là chợ An Cựu, nên hàng ngày, tôi tận mắt chứng kiến và hết sức “thấu hiểu” điều đó.

Sau này, đời sống văn minh, các chợ được quan tâm xây dựng khu vệ sinh, ý thức của bà con tiểu thương về bảo vệ môi trường ít nhiều được nâng cấp nhờ tuyên truyền vận động...Tuy nhiên, thói quen xả rác, phóng uế bừa bãi ở không ít người như đã thành quán tính, không sửa được. Thế nên chúng tôi mới bắt gặp quan cảnh đáng buồn như ở chợ Mai mà trên vừa kể. Hay ngay cạnh cơ quan chúng tôi là chợ Bến Ngự, một ngôi chợ lâu năm, nằm ngay trung tâm thành phố, việc thu gom rác được tiến hành nhịp nhàng, thường xuyên. Vậy mà vô số lần, tôi tận mắt chứng kiến các dì, các chị mua bán dọc lề con đường Phan Đình Phùng, hoặc ngay trên cầu Bến Ngự, cứ sẵn tay bê nguyên cả thau đầu tôm xương cá, hoặc rổ củ quả hư hỏng... đổ ào xuống sông cho...tiện. Vừa chiếm dụng lòng lề đường, vừa xâm hại môi trường như thế, thật không còn gì để nói!

Tiếp tục tuyên truyền vận động, điều này là cần thiết và đương nhiên. Tuy nhiên, nếu không kết hợp với chế tài thích đáng, nghiêm túc thì có lẽ... “muôn đời vẫn thế”. Trong câu chuyện này, vai trò của các ban quản lý (BQL) chợ là cực kỳ quan trọng. Đó là lực lượng sát sườn nhất trong quản lý, tuyên truyền, đốc thúc, nhắc nhở và chế tài đối với các hoạt động ở chợ. Và nếu nhiệt tâm, chịu khó tìm tòi cách làm hay, sao đó để bà con tiểu thương thấy công tâm, thấy yêu mến và tự hào với ngôi chợ của mình, thì vấn nạn ô nhiễm môi trường khu vực chợ sẽ cải thiện đáng kể và bền vững.

Viết những dòng này khi ở chợ Đông Ba các thành viên trong BQL chợ đang xắn tay tham gia nạo vét cống rãnh để đảm bảo cho việc thoát nước của chợ. Đó chỉ là một trong những công việc tiếp nối nhiều công việc khác liên quan đến dọn dẹp môi trường, tôn tạo cảnh quan mà BQL ngôi chợ lớn và nổi tiếng nhất Huế đã và đang làm, khiến cho diện mạo của Đông Ba thay đổi tích cực mỗi ngày. Quan trọng là nó tạo được hiệu ứng phấn chấn, đồng tình ủng hộ trong cộng đồng bà con tiểu thương. Hãy nhìn vào Đông Ba, hãy đến Đông Ba học tập để những ngôi chợ khác của Huế cũng đổi thay từng ngày, mà trước nhất, đơn giản nhưng căn cốt nhất, là bảo vệ môi trường. Sạch sẽ, gọn gàng, chừng đó thôi đã tạo được thiện cảm và sức hút với khách hàng. Những vấn đề khác sẽ từ từ tính tiếp.

 
 

 

www.baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.646.248
Truy cập hiện tại 581