Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào sáng 8.8.
Khảo sát do Ban Chính sách – Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện. Khảo sát được tiến hành ở 6 tỉnh, chủ yếu ở vùng 1. Số lượng người lao động được khảo sát là 3.000.
Bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
“Chỉ có 8,1% người lao động có dự dật, tích luỹ từ tiền lương và thu nhập; 11,2% người lao động không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập” – bà Lan thông tin.
Tiền lương thấp khiến 17,3% người lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe doạ, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.
Bà Phạm Thị Thu Lan chia sẻ thêm, tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định có con của 72,0% của người lao động động. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 6 tuổi và chỉ có 37,7% người lao động động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.
Ở góc độ chăm sóc sức khoẻ, có tới 46,5% người lao động chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh và còn tới 6,3% cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chưa bệnh và 6,5% người lao động cho biết họ không làm gì cả, vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi…
Có 23,4% doanh nghiệp khi xác định mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp đã cắt bỏ 2 khoản phụ cấp nặng học độc hại và phụ cấp đào tạo, dẫn đến tăng lương tối thiểu nhưng thu nhập thực tế của người lao động không tăng.
Ngoài ra, có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.
Cũng theo khảo sát, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát "tình nguyện" làm thêm giờ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,2 giờ/tháng.
Tình hình, đời sống việc làm, tiền lương lương của người lao động là căn cứ quan trọng trong quá trình thương lượng tiền lương tối thiểu vùng.
Dự kiến ngày 9.8 sẽ diễn ra phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia bàn về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.