PV: Thưa ông, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được xem là kỳ họp có ý nghĩa, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ họp lần này cũng như chất lượng ý kiến của các đại biểu Quốc hội và phiên chất vấn diễn ra tại kỳ họp?
Ông Nguyễn Túc: Tôi cho rằng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều đổi mới. Về hình thức tổ chức, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được chia thành nhiều giai đoạn, giữa mỗi giai đoạn có thời gian nghỉ giúp đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghiên cứu kỹ hơn khối lượng tài liệu rất lớn tại kỳ họp, nhờ đó chất lượng ý kiến của các ĐBQH nêu tại nghị trường cũng được nâng lên. Bên cạnh sự cải tiến này, theo sát diễn biến của kỳ họp, tôi nhận thấy phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, và không khí dân chủ này ngày càng được tăng cường, phát huy trong mọi hoạt động của Quốc hội.
Các ý kiến phát biểu của ĐBQH có tính phản biện cao. Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, có người lần đầu thực hiện nhưng nắm rất vững lĩnh vực mình phụ trách. Đặc biệt, các nữ ĐBQH đã có rất nhiều ý kiến, câu hỏi hay tại các phiên làm việc. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này rất hiệu quả, đi thẳng vào vấn đề, từ đó không chỉ giúp cho cơ quan nhà nước thấy rõ mình hơn mà còn giúp cho các ĐBQH và nhân dân nắm được tình hình một cách tổng thể, có cái nhìn toàn diện về tình hình đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy vẫn còn một số ĐBQH nêu ý kiến tại kỳ họp còn chung chung, có thể do đại biểu nắm vấn đề của nhân dân còn chưa sát hoặc có thể do nhiều vấn đề nhạy cảm nên chưa thể nêu đầy đủ mà được góp ý qua văn bản. Sau dịch Covid-19, tình hình kinh tế của đất nước gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách và giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo cho những người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song hiện nay vẫn còn một bộ phận công nhân, người lao động còn rất khó khăn. Chính sách của Nhà nước đề ra nhưng xuống đến cơ sở còn chậm, cùng với nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội chưa được nêu tại kỳ họp lần này.
Từ những nhận định trên, cùng với yêu cầu của việc bảo đảm chất lượng ĐBQH, theo ông các ĐBQH cần phải làm gì để nâng cao năng lực trong việc nắm bắt, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghiên cứu tài liệu,... từ đó tiếp tục có những ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết và đa chiều với nhiều lĩnh vực tại những kỳ họp sắp tới?
- Có thể nói, Quốc hội khóa XV đã kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, hoàn thành được rất nhiều công việc, không chờ việc đến mà chủ động họp, chủ động ban hành Nghị quyết để Chính phủ thực hiện, năng động bắt nhịp với cuộc sống, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong xã hội. Sự chủ động này có vai trò quan trọng trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, đưa đất nước trở lại giai đoạn bình thường mới, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Để thực hiện đúng theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII và đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tôi cho rằng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của từng ĐBQH trước nhân dân. ĐBQH do nhân dân cử ra, do đó phải gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm chắc được yêu cầu, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân để phản ánh đến Quốc hội.
Quốc hội cũng cần tăng cường số lượng ĐBQH chuyên trách để những người làm công tác này phải chuyên sâu, nhất là khi hiện nay số lượng ĐBQH kiêm nhiệm còn nhiều.
Vậy, MTTQ Việt Nam có vai trò như thế nào để góp phần hiện thực hóa những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ đã nêu tại nghị trường Quốc hội, thưa ông?
- Với vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam phải sâu sát hơn nữa trong giám sát việc thực hiện lời hứa, kiến nghị, giải pháp mà các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ đưa ra tại các phiên chất vấn. Không chỉ ở cấp Trung ương mà quan trọng hơn cả là Mặt trận ở chính các địa phương có liên quan đến những lời hứa đã nêu hoặc ở địa phương mà chính những bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ đang làm đại biểu Quốc hội. Cụ thể Mặt trận ở các địa phương sẽ tiến hành nắm bắt, lắng nghe những nhận xét, ý kiến của nhân dân sau một khoảng thời gian nhất định như 6 tháng hoặc 1 năm đối với tiến độ thực hiện những kiến nghị, giải pháp của trưởng ngành. Quốc hội giám sát là đương nhiên, nhưng MTTQ Việt Nam phải thực hiện giám sát đúng theo quy định của pháp luật với phương châm đi đến cùng của sự việc, để tình trạng “hứa cho qua chuyện” sẽ không còn tiếp diễn nữa.
Mặt khác, MTTQ Việt Nam có vai trò giới thiệu những đại biểu ứng cử và trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, cho nên trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với người được giới thiệu cần được nêu cao hơn nữa. MTTQ Việt Nam cần tạo điều kiện, giúp đỡ để các ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể đối với những lời hứa đã nêu tại nghị trường Quốc hội, MTTQ Việt Nam nên có sự quan tâm, giúp đỡ các ĐBQH thực hiện tốt những cam kết đó, tích cực phản ánh những ý kiến đóng góp của nhân dân để góp ý cho ĐBQH hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi mong muốn, 6 tháng 1 lần, các ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã được MTTQ Việt Nam giới thiệu, ứng cử và trúng cử sẽ có buổi gặp gỡ với lãnh đạo, cán bộ Mặt trận các cấp, từ đó tăng cường mối quan hệ gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc giữa MTTQ Việt Nam và các ĐBQH, để những lời hứa tại nghị trường Quốc hội sẽ được hiện thực hóa và đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Túc
PV: Sau mỗi kỳ họp, ĐBQH cũng như cử tri và nhân dân cả nước đều quan tâm đến việc thực hiện lời hứa, kiến nghị, giải pháp mà các Bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ đưa ra tại các phiên chất vấn. Theo ông, trên thực tế những lời hứa, những cam kết trên nghị trường Quốc hội đã làm yên lòng cử tri và nhân dân chưa?
- Tôi cho rằng, đa phần những lời hứa, những cam kết được nêu trên nghị trường Quốc hội sẽ thực hiện được, tuy nhiên một số kiến nghị, giải pháp sẽ khó thực hiện do tình hình thực tế không cho phép. Hiểu được rõ tính khả thi của từng kiến nghị, từng giải pháp là điều cần thiết. Mỗi bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ khi hứa thì cần xem xét về khả năng thực hiện, không thì nên nói thật với nhân dân. Sau mỗi kỳ họp, ĐBQH sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri, những lời hứa, cam kết phải được thông báo đến cử tri và nhân dân về nội dung và lộ trình, giải pháp cụ thể cho từng cam kết.
http://daidoanket.vn/giam-sat-viec-thuc-hien-loi-hua-5721962.html