MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí
Ngày cập nhật 06/06/2023

Người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chỉ dựa vào ý chí cá nhân mà không tuân theo quy luật khách quan và thực tiễn là tư tưởng chủ quan, duy ý chí. Đó chính là biểu hiện của căn bệnh “kiêu ngạo”, dễ dẫn đến sai lầm, biến chất cán bộ trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều sai lầm và hệ lụy do bệnh chủ quan, duy ý chí

Bệnh chủ quan, duy ý chí bộc lộ dưới rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng không khó nhận diện nếu xem xét trên từng nội dung cụ thể. Ngoại trừ một số cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn và động cơ trong sáng, chủ động đề ra những quyết sách đúng đắn, có lợi cho quốc kế dân sinh, thì cũng có nơi thường bị một hoặc một nhóm người có những ý tưởng xa rời thực tế.

Quan niệm “tân quan, tân chính sách” tạo nên tư duy một số cán bộ mới bổ nhiệm luôn tỏ ra sốt sắng, lo lắng cho việc chung, muốn sớm tạo ra “dấu ấn” của mình. Họ đưa ra những “ý tưởng” được cho là đổi mới, sáng tạo, những mục tiêu được cho là nhiều khả thi, nhưng không lường trước được những phát sinh lợi bất cập hại. Có những trường hợp còn vì lợi ích cá nhân, lợi dụng nhân danh tập thể để ban hành cơ chế có lợi cho bản thân và nhóm lợi ích.

Hầu hết những cán bộ lãnh đạo mắc sai phạm ở các cơ quan, địa phương bị kỷ luật trong thời gian qua hầu như có tư duy áp đặt cá nhân, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành và dấu hiệu tiêu cực nảy sinh. Tình trạng này đã gây ra nhiều hệ lụy cho từng cơ quan, địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả của phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Thực tế, đã có nhiều ý kiến phản biện, đóng góp thẳng thắn của cán bộ, nhân viên cấp dưới, của chuyên gia, nhà khoa học và dư luận xã hội nhưng không được quan tâm. Trong những thập niên trước, tình trạng đầu tư tràn lan diễn ra theo kiểu phong trào, không tính đến hiệu quả, dẫn đến thất bại về kinh tế và xã hội, cán bộ bị kỷ luật chỉ vì duy ý chí. Nhiều địa phương ồ ạt đầu tư nhà máy đường, xi măng lò đứng, nhà máy thép, cảng biển… nhưng không tính đến điều kiện khả thi, đăc điểm vùng miền khác nhau.

Mười hai dự án liên quan điện, khí đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng của ngành công thương chưa đưa vào hoạt động đã “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn là điển hình như vậy. Nhiều người còn tự ý chi phối, can thiệp quá sâu vào công việc chung, bất chấp phản biện đã để xảy ra nhiều hệ lụy tiêu cực, hậu quả khó khắc phục một sớm, một chiều. Các đại án tham nhũng có nhiều nguyên nhân sâu xa nhưng trực tiếp là do lợi dụng hoặc lạm dụng quyền lực để áp đặt ý chí, không tuân thủ các nguyên tắc, bất chấp quy chế chỉ vì lợi ích riêng.

Nhìn lại ở địa phương với những dự án như công viên thiếu nhi phía nam, công viên nhạc nước, tòa tháp đôi… bị “đắp chiếu” từ hàng chục năm nay vẫn dở dang hoặc không khả thi là những ví dụ của tư duy đó. (Công trình thủy lợi Nam sông Hương được đầu tư sau năm 1975 cũng là một nhãn tiền điển hình như vậy).

Khiêm tốn học hỏi, cầu thị, lắng nghe phản biện

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra: "Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”. Tư tưởng chủ quan, duy ý chí, áp đặt cá nhân không chỉ là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, độc đoán, gia trưởng, mà còn gây ra sự nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ, kìm hãm sự phát triển của cơ quan, địa phương và rộng hơn là cả xã hội.

Đẩy lùi bệnh duy ý chí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền là vấn đề cần được đặt ra trong công tác lãnh đạo. Trả lời cho vấn đề này không đơn giản, nếu như một bộ phận lãnh đạo không thật sự có tư tưởng cầu thị, lắng nghe và trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thực tế công tác kiểm tra, giám sát không được duy trì, buông lỏng dẫn đến tình trạng cán bộ lãnh đạo không thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách. Thực chất là đề cao quyền lực cá nhân, xem nhẹ lãnh đạo của tập thể, lộng quyền, lạm quyền theo ý chí cá nhân. Cho nên một giải pháp cần chú trọng là kiểm soát quyền lực người đứng đầu, người có thẩm quyền ban hành chủ trương, chính sách, phát hiện sớm, chỉ đạo kịp thời những biểu hiện duy ý chí có thể gây tổn hại đến lợi ích chung. Đây là giải pháp tiên quyết được đặt lên hàng đầu theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và vận hành chế độ thủ trưởng trong cơ quan hành chính.

Mỗi cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần có tinh thần cầu tiến để tự mình ngăn ngừa, loại bỏ trong suy nghĩ, thái độ, việc làm ảnh hưởng đến quy luật, thực tế và chiều hướng phát triển chung. Cần có thái độ khiêm tốn, học hỏi, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của cấp dưới và phản biện của chuyên gia. Trong mọi hoàn cảnh không để lợi ích vật chất chi phối vào các chủ trương, quyết định của tập thể, bỏ cái tôi trong lợi ích cá nhân. Tất cả mọi quyết định là vì dân, vì nước, không biến mình thành những "ông quan” rồi áp đặt quyền lực thiếu khách quan.

Xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, trình độ dân trí được nâng cao, người lãnh đạo phải tự nâng cao trí tuệ, tự học, tự rèn để chủ động cập nhật kiến thức mới, không ngừng làm giàu năng lực lãnh đạo. Từng bước loại bỏ ảo tưởng “ru ngủ” trên vinh quang của quá khứ, tâm lý tự kiêu, tự mãn, tự mình đào thải trước sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội. Điều quan trọng nhất là không được lợi dụng ý chí, quyền lực cá nhân dưới danh nghĩa đổi mới, sáng tạo để trục lợi.

Ý chí cầu tiến, tư duy đổi mới là yếu tố làm nên phẩm chất, bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo. Sẽ khó vươn lên nếu không có ý chí, nỗ lực phấn đấu, đổi mới sáng tạo nhưng lại thiếu tư duy xuất phát từ thực tế khách quan, vì lợi ích chung.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.647.658
Truy cập hiện tại 846