Giới trẻ đang được bao quanh bởi công nghệ kỹ thuật số. Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày của giới trẻ đều có ảnh hưởng bởi việc sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng và Internet. Nhiều đứa trẻ bắt đầu tương tác với công nghệ kỹ thuật số ngay từ khi mới biết đi, thậm chí với không ít trường hợp còn là sớm hơn, và cuộc sống trưởng thành của chúng chắc chắn sẽ được gắn kết chặt chẽ và mật thiết với công nghệ kỹ thuật số.
Thói quen dùng mạng xã hội
Trong vài năm qua, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tiktok… đã trở thành một xã hội thu nhỏ, không chỉ phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thực mà có thể gây ra hoặc tác động không nhỏ đến cuộc sống thực.
Theo thống kê của Google cho thấy, hiện 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Bên cạnh đó, hàng loạt các “nghề” hot được ra đời trên nền tảng số, mạng xã hội như KOL, gamer, streamer (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, được nhiều người biết đến)…
Đặc biệt là tư duy phản biện của thế hệ sinh ra trong thời kỳ “bùng nổ” rất mạnh mẽ so với bất kỳ thế hệ nào trước đây hay bất kỳ giai đoạn tuổi nào khác. Phải ghi nhận một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như hoạt động chính trị, biến đổi khí hậu… Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới.
Từ khi xuất hiện, internet đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Mạng máy tính ngày càng được mở rộng, để từ đây, các hình thức giải trí trên mạng trở nên phong phú và hiện đại hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của Hãng nghiên cứu thị trường ComScore (Mỹ), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết số lượng người sử dụng internet mỗi năm trong nước đều tăng nhanh. Đây được đánh giá là điều kiện lý tưởng để cho các mạng xã hội xuất hiện và nhanh chóng phổ biến tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội được xem như một trong những ứng dụng của internet có ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt là đối với giới trẻ ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn hiện nay.
Có thể nói, với nhiều ứng dụng tiện ích khác nhau, các trang mạng xã hội đã đáp ứng được gần như đầy đủ các mục đích, nhu cầu của thanh, thiếu niên – bộ phận được xem là năng động nhất trong xã hội. Bên cạnh đó, việc đăng ký tham gia vào một mạng xã hội nào đó khá đơn giản và dễ dàng cho hầu hết các đối tượng người dùng như: miễn phí thành viên, có thể truy cập bất cứ khi nào và ở đâu chỉ cần có kết nối internet… đã khiến cho mạng xã hội ngày càng thu hút thanh, thiếu niên không chỉ ở các thành phố, đô thị mà ở cả những vùng nông thôn, miền núi.
Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội
Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng đây cũng là "mảnh đất màu mỡ'' để nhiều người thể hiện "cái tôi" theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.
Mạng xã hội cho thấy sự “chuyển động” rất khác của giới trẻ Việt trong thời đại số hóa. Nhiều hoạt động tẩy chay của giới trẻ trên mạng xã hội đã gây không ít “sóng gió” cho các nhãn hàng và buộc các nhãn hàng này phải lên tiếng công khai xin lỗi. Trong đó, phải kể đến chiến dịch quảng cáo “Chuyến đi của thanh xuân” của BitisHunter. Nhãn hàng này đã phun sơn vào giày để lại dấu chân trên thân cây, bậc đá… với ý tưởng dấu chân của tuổi trẻ. Giới trẻ Việt đã phản ứng rất mạnh với quảng cáo này. Họ bày tỏ quan điểm tuổi trẻ Việt có thể phá cách, điên rồ… nhưng không phá hoại môi trường. Đồng thời phát động phong trào tẩy chay sản phẩm, tẩy chay nhãn hàng đến mức họ phải lên tiếng xin lỗi.
Giới trẻ Việt Nam hiện nay có ý thức rất lớn về “tiếng nói” của mình. Bằng chứng là giới trẻ có riêng một kênh “Đài Tiếng nói GenZ” trên mạng xã hội Facebook và Tiktok để thể hiện quan điểm của mình. Giới trẻ đã quan tâm đến chính trị, chủ quyền, toàn cầu… và những vấn đề này trở thành luận điểm khi đưa ra một quyết định.
Bên cạnh những thông tin lành mạnh, vui vẻ, không ít người, trong đó phần lớn là giới trẻ trở thành các "anh hùng bàn phím" sử dụng mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức nào đó với những lời lẽ thiếu văn hóa, thô tục xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây.
Đặc biệt là trên mạng xã hội TikTok, nhiều TikToker hiện nay sản xuất video với mục đích giải trí thường đính kèm #J4F (từ viết tắt của Just for fun, với nghĩa là chỉ vui thôi) nhưng sau đó là những nội dung có phần nhạy cảm và không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của nước ta. Tuy nội dung họ sáng tạo không trực tiếp hướng đến một cá nhân nào nhưng vô tình lại tác động để cả một nhóm đối tượng. Từ những tranh cãi trên mạng xã hội lại tiếp tục tạo nhiều thời cơ cho những cá nhân sản xuất ra những sản phẩm hay các loại văn hóa lệch lạc. Ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới và cả ở Việt Nam đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra từ những trào lưu TikTok độc hại, đó không đơn giản chỉ là việc một ai đó sáng tạo nội dung với mục đích riêng của bản thân hay hướng đến một đối tượng nào mà với sự phủ sóng TikTok như hiện nay nó đã và đang tác động đến cả một thế hệ.
Mỗi người cần ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội
Mọi hành vi bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là vi phạm pháp luật và có đủ các chế tài pháp luật để xử lý. Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm với tình tiết định khung là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Mức thiệt hại được quy định chi tiết tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015...
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật; các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh các chế tài xử lý, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người sử dụng mạng xã hội. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, người dân hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội đúng quy định và có văn hóa. Hãy thật thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái. Hơn ai hết, mỗi người sử dụng cần có ý thức ứng xử có văn hóa mới dần loại bỏ được những mặt tiêu cực trên mạng xã hội./.