1- Việt Nam có 54 dân tộc, bao gồm dân tộc Kinh (Việt) và 53 dân tộc thiểu số. Khoản 4, Điều 4, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011, của Chính phủ “Về công tác dân tộc” quy định: “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Văn hóa vùng dân tộc thiểu số có một số đặc điểm riêng biệt, độc đáo, đồng thời cũng có những biến đổi nhất định trong thời gian gần đây trước tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ nhất, văn hóa vùng dân tộc thiểu số có tính đa dạng.
Đa dạng văn hóa là một đặc trưng của xã hội loài người. Năm 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra tuyên ngôn toàn cầu về đa dạng văn hóa, trong đó nhấn mạnh: Là một nguồn trao đổi, cải tiến và sáng tạo, sự đa dạng văn hóa đối với nhân loại cũng cần thiết như sự đa dạng sinh học trong trật tự cơ thể sống vậy. Với ý nghĩa đó, đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại và phải được thừa nhận và khẳng định vì lợi ích của các thế hệ ngày nay và mai sau. Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có nhiều ngành, nhóm địa phương khác nhau. Do đó, xét về mặt văn hóa dân tộc, Việt Nam là đất nước đa văn hóa. Tính đa dạng về văn hóa không chỉ phổ biến ở các dân tộc mà còn phản ánh đậm nét ở các vùng, miền khác nhau. Người Dao ở vùng cao khác với người Dao ở vùng thấp. Người Tày ở phía đông sông Hồng khác với người Tày ở phía tây sông Hồng. Người Thái ở vùng Tây Bắc cũng khác với người Thái ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và miền Tây Thanh Hóa - Nghệ An. Sự đa dạng về địa hình và những giao lưu văn hóa là những yếu tố tạo nên tính đa dạng văn hóa, góp phần quan trọng làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; đồng thời là nòng cốt để phát triển bền vững văn hóa, bởi không thể phát triển bền vững mà không có tính đa dạng văn hóa.
Thứ hai, cơ chế văn hóa dân gian là cơ chế vận hành quan trọng của vùng dân tộc thiểu số.
Ở vùng dân tộc thiểu số, người dân thường sống trong cộng đồng, trong các phum, sóc, bản, làng với mối quan hệ chủ đạo là quan hệ cộng đồng. Tính cộng đồng đề cao, chi phối các quá trình sáng tạo, phổ biến, tiêu dùng văn hóa. Mỗi một sản phẩm văn hóa đều được coi là sáng tạo của cộng đồng. Ví dụ, một bản nhạc, một điệu múa lúc đầu có thể do một nghệ nhân sáng tác, nhưng sau đó được cả cộng đồng trau chuốt; mặt khác, nghệ nhân sáng tác thường theo thị hiếu và quan điểm của cộng đồng. Do đó, tác phẩm văn hóa là tài sản chung của cộng đồng. Tính cộng đồng này được thể hiện nổi bật trong các thể chế phi chính thức, tạo ra vô số các chuẩn mực, thói quen, khuôn mẫu ứng xử, luật tục, hương ước… Các chuẩn mực đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên, định hướng các hành vi ứng xử của mỗi cá nhân.
Cơ chế văn hóa dân gian còn quy định mọi hoạt động văn hóa quy mô lớn hay các sự kiện văn hóa ở mỗi cộng đồng, mỗi tộc người đều phụ thuộc vào thời vụ sản xuất. Nền kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu là kinh tế nông nghiệp mang đậm tính chất thời vụ. Do đó, các hoạt động nghi lễ đều xoay quanh thời vụ của cây trồng chính (lúa, ngô,…). Mỗi loại cây trồng có thời vụ khác nhau nhưng người dân đều có thời gian mang tính nông nhàn và tiểu nông nhàn. Với cư dân trồng lúa, khi gieo trồng xong đến thời kỳ cây lúa phát triển thì họ có thời gian nhàn rỗi gọi là tiểu nông nhàn; nhưng đến khi thu hoạch xong thì đó là thời gian nông nhàn. Đây là thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, nghi lễ cộng đồng, nghi lễ gia đình. Tính mùa vụ quy định rất chặt chẽ đời sống của người dân. Vì vậy, mọi hoạt động tuyên truyền văn hóa của Nhà nước muốn đến với người dân cần tuân theo cơ chế mùa vụ. Các bản làng không thể tổ chức các cuộc thi hát hay biểu diễn văn nghệ quần chúng trái với mùa vụ.
Cơ chế văn hóa dân gian còn chi phối toàn bộ các thành tố văn hóa của cộng đồng. Mỗi phong tục, tập quán, nghi lễ, các sinh hoạt văn hóa đều mang tính chỉnh thể. Một bài hát then luôn gắn với sinh hoạt thực hành nghi lễ then. Bài dân ca đám cưới bao giờ cũng được tổ chức trong môi trường diễn xướng, lễ cưới. Các thành tố văn hóa của tộc người đều có giá trị, chức năng khác nhau, có sự liên kết chặt chẽ mang tính quan hệ hữu cơ. Đặc điểm này chi phối nhận thức và tổ chức các hoạt động văn hóa.
Trong các thành tố văn hóa tộc người, tri thức dân gian đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển bền vững. Tri thức dân gian là kho tàng kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm trong lịch sử, trở thành các ứng xử của tộc người với mối quan hệ xã hội, quan hệ với môi trường, bảo vệ các tài nguyên đất, rừng, nước… Ví dụ, tháng 2-2010, Vườn quốc gia Hoàng Liên bùng cháy dữ dội, thiêu rụi trên 1.000ha, lực lượng quân đội Quân khu 2 và dân quân tỉnh Lào Cai đã huy động hàng nghìn người cùng gần 500 đồng bào người Mông, người Dao lên núi dập lửa bằng kinh nghiệm dân gian thông qua việc nghiên cứu hướng gió, đặc điểm địa hình núi đá, đặc điểm cây rừng để làm đường ranh cản lửa, tổ chức vận chuyển nước và đã dập tắt được ngọn lửa sau 6 tiếng. Như vậy, tri thức dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các mô hình phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, nhờ có tri thức dân gian, nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường, thôn, bản một sản phẩm), góp phần hiệu quả xóa đói, giảm nghèo.
Thứ ba, những tác động của các phương tiện truyền thông xã hội thời gian gần đây.
Từ năm 2010 đến nay, các phương tiện truyền thông xã hội đã phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Trước hết, kết cấu hạ tầng của các phương tiện truyền thông xã hội trong những năm qua đã có sự bùng nổ, internet phát triển mạnh mẽ ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mạng internet đã phủ kín từ 80 - 98% số thôn, bản. Điển hình như tỉnh Lào Cai năm 2019 đã có hơn 98% số thôn có hạ tầng bảo đảm kết nối internet băng rộng di động tại trung tâm, khu vực tập trung dân cư. Thuê bao internet ở bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) những năm qua phát triển nhanh, đặc biệt là thuê bao internet tốc độ cao ADSL và thuê bao cáp quang FTTH. Bản Vàng Pheo đã được phủ sóng điện thoại; có cáp quang đi qua; phủ sóng 3G. Toàn bộ các nhà hàng ăn, uống ở Mường So đều có wifi miễn phí, nhiều quán hàng ăn uống bình dân cũng phục vụ wifi miễn phí. Toàn bản có 118 hộ nhưng đã có khoảng 230 thuê bao internet (di động và cố định). Một số tỉnh, như Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang…, tốc độ thuê bao internet cũng gia tăng rất nhanh.
Các phương tiện truyền thông xã hội xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số chưa đến một thập niên nhưng có tác động mạnh mẽ đến quan hệ xã hội của tộc người. Trước hết là sự hình thành ý thức cố kết cộng đồng tộc người cao, mang tính chất xuyên biên giới trên phạm vi toàn cầu. Các trang facebook của người Mông, Thái, Dao đều có mối quan hệ xuyên quốc gia với số người tham gia ngày càng đông đảo đến từ Pháp, Mỹ các nước ở khu vực Đông Nam Á… Các nhóm facebook này đề cao các bản sắc tộc người, ý thức cố kết tộc người mang tính chất toàn cầu, “đánh thức” và lan tỏa rộng khắp ý thức tộc người trong cộng đồng. Bên cạnh đó, mối quan hệ tộc người về văn hóa cũng phát triển khá mạnh thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, như hình thành và thống nhất chữ viết chung của một số cộng đồng dân tộc Mông, Thái, Dao…; hình thành nhiều trang, nhóm tuyên truyền, quảng bá về phong tục, tập quán, ẩm thực, lễ hội, di sản văn hóa, văn nghệ các tộc người. Ví dụ, trong cộng đồng người Dao ở tỉnh Lào Cai, nhiều youtuber (người sáng tạo nội dung và chia sẻ video trên YouTube) mở các trang giới thiệu, quảng bá về văn nghệ, phong tục, tập quán, lễ hội độc đáo,… của người Dao. Ẩm thực Thái đã được các nhóm cộng đồng người Thái Mường Lò, Mường La thường xuyên giới thiệu trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trên Youtube, nhiều kênh do các bạn trẻ người Thái yêu ca hát lập nên với hàng trăm nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem.
Nhờ có các phương tiện truyền thông xã hội, một số dân tộc thiểu số đã tham gia hoặc đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa có quy mô quốc gia, quốc tế. Sự kiện “Giao lưu văn hóa Thái Việt Nam lần thứ nhất” được tổ chức tại Hà Nội năm 2017 vừa quy tụ được đông đảo cộng đồng người Thái ở Việt Nam, vừa có sự tham gia của các đoàn người Thái đến từ Thái Lan, Lào… Bên lề các sự kiện, như “Ngày hội văn hóa Thái toàn quốc” năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, “Lễ hội Xòe Mường Lò” các năm 2018, 2019… đều có sự tham gia của cộng đồng người Thái Đông Nam Á. Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Pha Long, tỉnh Lào Cai cũng thu hút được nhiều người Mông ở một số nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội và internet cũng đặt ra không ít thách thức trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cũng như thách thức trong việc bảo vệ trật tự, an toàn xã hội khi các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng các phương tiện truyền thông mới để đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
2- Trên cơ sở nhận thức được những điểm đặc thù trong văn hóa vùng dân tộc thiểu số hiện nay, thời gian tới, chúng ta cần thống nhất quan điểm và có những chính sách phù hợp để thúc đẩy văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Một là, thống nhất quan điểm tính đa dạng là đặc điểm nổi trội của văn hóa các dân tộc. Trong xây dựng và thực thi chính sách, cần bảo đảm sự tôn trọng đa dạng văn hóa, chú ý tới đặc thù văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các dân tộc phải được bình đẳng, văn hóa của các dân tộc đều có giá trị như nhau, đều được tôn trọng ngang nhau, không có văn hóa cao và văn hóa thấp.
Văn hóa các dân tộc đều có đặc trưng chỉnh thể, nguyên hợp. Mỗi thực hành văn hóa (nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán…) đều có nhiều bộ phận (thành tố) có những giá trị, chức năng khác nhau, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, khi thay đổi một thành tố của văn hóa thì sẽ thay đổi cả hệ thống văn hóa. Vì thế, không thể áp dụng các quan điểm ấu trĩ, tả khuynh; không thể cắt xén từng bộ phận, thành tố văn hóa để bảo tồn và phát huy. Khi nghiên cứu các yếu tố phát triển bền vững về văn hóa, cần có quan điểm toàn diện, chú trọng đến các yếu tố tự nhiên, chính trị, môi trường, kinh tế, xã hội của chủ thể văn hóa dân tộc, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả.
Hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ ở khắp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, cần có các giải pháp quản lý hiệu quả, phù hợp, chú ý đến quan hệ tộc người xuyên biên giới.
Hai là, về xây dựng chính sách và thực hiện chính sách.
Với quan điểm về đa dạng văn hóa, về tính chỉnh thể, nguyên hợp trong văn hóa dân gian, về các yếu tố truyền thông xã hội…, cần rà soát lại các đạo luật và các chương trình mục tiêu, các thể chế, chính sách về văn hóa cho phù hợp với thực tiễn văn hóa vùng dân tộc thiểu số hiện nay. Cụ thể là:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số đạo luật. Trong Luật Di sản văn hóa cần sửa đổi, bổ sung Điều 26. Về chính sách tôn vinh, cần mở rộng đối tượng được tôn vinh, đó là không chỉ tôn vinh nghệ nhân mà còn tôn vinh những người thực hành, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Về chính sách truyền dạy, cần bổ sung chính sách khuyến khích việc truyền dạy trực tiếp tại cộng đồng, chính sách nghệ nhân tham gia truyền dạy tại các cơ sở của ngành giáo dục, đưa nội dung di sản văn hóa phi vật thể vào giảng dạy tại các trường phổ thông, trường nghề, trường văn hóa - nghệ thuật. Về chính sách hỗ trợ sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cần bổ sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nghệ nhân tham gia thực hành, sáng tạo văn hóa. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng theo hướng, bên cạnh việc tôn vinh bằng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, cần bổ sung đối tượng, hình thức tôn vinh, khen thưởng khác ở Điều 65 của Luật Thi đua khen thưởng. Việc bổ sung đối tượng, hình thức tôn vinh này cần thống nhất với Luật Di sản văn hóa.
Thứ hai, bổ sung một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình) cho phù hợp với đặc thù văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Chương trình đã có nhiều điểm phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên có một số điểm chưa thấm đẫm đặc trưng dân tộc, chưa thể hiện rõ sự tôn trọng cái riêng của các dân tộc trong lĩnh vực văn hóa. Ví dụ: Vấn đề xây dựng nhà văn hóa, xây dựng quy ước, hương ước, xây dựng câu lạc bộ… chủ yếu mới chỉ chú ý đến đặc điểm chung, ít chú ý đến các đặc điểm riêng của từng dân tộc, tộc người. Nhà văn hóa của người Mông, Dao cũng giống như nhà văn hóa của người Chăm, Khmer; đường đến các làng du lịch đều được bê-tông hóa, giống các làng ở vùng đồng bằng… Ngoài ra, nội dung, hình thức truyền thông, tuyên truyền đồng bào các dân tộc thiểu số trong Chương trình chưa đề cập đến văn hóa mạng và không gian các phương tiện truyền thông xã hội trong công tác tuyên truyền. Riêng lĩnh vực tuyên truyền, vận động cần nghiên cứu, đổi mới một cách toàn diện, phù hợp hơn với bối cảnh của toàn cầu hóa, số hóa hiện nay, trong đó có nội dung đề cập đến những cơ hội và thách thức đặt ra từ sự phát triển của mạng xã hội đối với sự phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số, cũng như những giải pháp phù hợp để vượt qua thách thức, khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển.
Thứ ba, tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa. Khảo sát và dựa vào niên giám thống kê ở một số tỉnh vùng dân tộc thiểu số từ năm 2015 - 2020 cho thấy, nhìn chung đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn thấp. Mức chi cho ngành văn hóa còn hạn chế khiến cho lĩnh vực này chậm phát triển, văn hóa chưa thực sự trở thành động lực của sự phát triển; nhiều địa phương chưa phát huy được lợi thế so sánh để phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn giúp tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách. Vì thế, vấn đề cấp bách hiện nay là các địa phương cần đổi mới nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển, tránh tư tưởng coi nhẹ vai trò của văn hóa, xem văn hóa không phải là ngành sản xuất. Cần xác định, đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho nguồn lực con người. Theo đó, cần tăng cường đầu tư cho phát triển văn hóa, chú trọng đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng phát triển nhanh ở địa phương. Đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư cho văn hóa, xóa bỏ cơ chế xin - cho; khắc phục những hạn chế, bất cập, qua đó thúc đẩy văn hóa vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.