MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Người dân đặc biệt quan tâm vấn đề thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất
Ngày cập nhật 22/02/2023

Góp ý vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất là một trong những nội dung được người dân đặc biệt quan tâm, hay gây ra khiếu nại, tố cáo… Do đó, Luật đất đai (sửa đổi) cần đề ra giải pháp xử lý có hiệu quả, giải quyết dứt điểm vấn đề này, tránh gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn

Đề cập đến vấn đề quy hoạch đất đai, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật đất đai là luật chuyên biệt/chuyên ngành, có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều liên quan đến đất đai, ngay cả con người khi qua đời vẫn liên quan đến sử dụng đất đai. Vì vậy quy hoạch sử dụng đất là vô cùng quan trọng.

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, thực trạng quy hoạch sử dụng đất cho thấy, mặc dù những năm qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả của bộ máy chuyên ngành quản lý đất đai, siết chặt kỷ cương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý sai phạm, phòng chống tham nhũng – tiêu cực về đất đai… Nhưng bức tranh sử dụng đất đai vẫn chưa thực sự sáng sủa.

“Có lẽ không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai và không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất đai. Do đó, không thể không nhanh chóng thông qua Luật đất đai (sửa đổi) vì đây là vấn đề rất bức thiết”, TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo ông Nhưỡng, vướng mắc, khiếu kiện nhiều nhất hiện nay là vấn đề thu hồi đất vì mục đích quốc gia, dân tộc. Việc này mang lại lợi ích cho cả đất nước, xã hội nhưng lại gây bất công cho chính người sử dụng đất vì cách thu hồi đất vì mục đích quốc gia, dân tộc là cách thu hồi nhanh nhất, dễ nhất, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng nhất, nhưng giá trị mang lại cho người sử dụng đất lại ít nhất.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai là khoảng 70% trên tổng lượng đơn thư hằng năm. Các khiếu kiện và tố cáo, tố giác sai phạm về đất đai có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau đó tìm cách điều chỉnh nhằm phục vụ mục đích cá nhân, lợi ích nhóm…” TS Lưu Bình Nhưỡng trăn trở.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, TS Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Luật đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm mà không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm; đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện về không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

TS Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Luật đất đai (sửa đổi) cần đề ra giải pháp xử lý có hiệu quả những trường hợp đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm khiếu kiện kéo dài gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và xã hội để đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

Mức bồi thường căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi


Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật,
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 

Đề cập đến thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật, hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp. Bởi vậy ông Thường cho rằng, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp…

Theo ông Đỗ Duy Thường, mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất; đồng thời việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.

Đối với vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, tại chương X chưa có quy định về thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy cần có quy phạm quy định thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sao cho đơn giản, nhanh chóng. Nhất là lược bỏ những thủ tục giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.

Đồng quan điểm với ông Đỗ Duy Thường về việc bồi thường, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng đây là một trong những vấn đề "nóng nhất" trong các câu chuyện của Luật đất đai.


Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Nhất trí với hầu hết các nguyên tắc ở Điều 89, ông Trần Hữu Huỳnh nhận định, Điều này của dự thảo Luật đã đề ra những nguyên tắc tiến bộ và cũng có một số điểm mới so với luật cũ, đặc biệt là trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về việc bồi thường khi thu hồi phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Trong những nguyên tắc này, ông Huỳnh bày tỏ sự băn khoăn nhất với nguyên tắc mà ông cho rằng “được nhiều người tán dương nhất, và ở các diễn đàn xã hội, diễn đàn chính trị, diễn đàn chính trị xã hội vẫn được nhấn mạnh, đó là nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ”.

Đánh giá đây là một tuyên ngôn “tuyệt vời” về chính sách, đã được người dân phấn khởi tiếp nhận, song luật sư Trần Hữu Huỳnh nêu vấn đề, đó là trừ việc nhắc đến điều kiện sống về điện, đường, trường, trạm, các cơ sở giáo dục, còn lại những điều luật cụ thể trong chương này không có quy định khác cụ thể.

Ông Huỳnh cũng nhấn mạnh: “Hơn nơi ở cũ là hơn thế nào, thu nhập là bao gồm những thu nhập gì? Tôi nghĩ những vấn đề khác dễ đo đếm, riêng vấn đề này tôi băn khoăn không biết có nên để nguyên tắc này vào không? Hiện nay cách tiếp cận của Luật Đất đai đối với việc thu hồi chỉ chú ý đến khía cạnh vật chất, không chú ý đến khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của những gia đình bị thu hồi”, ông Huỳnh đặt vấn đề và đề nghị Đề nghị cân nhắc nguyên tắc số 2 trong số 5 nguyên tắc của Điều 89 để tránh xảy ra các khiếu nại, khiếu kiện sau này./.

https://dangcongsan.vn/phap-luat/nguoi-dan-dac-biet-quan-tam-van-de-thu-hoi-dat-boi-thuong-khi-thu-hoi-dat-631988.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.648.595
Truy cập hiện tại 968