MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ
Ngày cập nhật 03/12/2022
Việc tập trung diện tích lớn đất sản xuất góp phần tạo ra vùng nguyên liệu quy mô rộng, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa (Ảnh minh họa: B.T)

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là vấn đề lớn mỗi khi nhắc đến hạn chế của nông nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ là điều cản trở đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất sản phẩm mà còn chính là lực cản làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế.

Nhỏ lẻ, manh mún là vấn đề mà bấy lâu nay nông nghiệp nước ta vẫn loay hoay tìm ra các hướng giải quyết để làm sao thoát khỏi tình trạng này. Bởi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chính là bài toán “đau đầu” dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là việc sử dụng vật tư đầu vào còn tốn kém, mỗi hộ sản xuất với một quy trình khác nhau dẫn đến sản xuất ra một mặt hàng với các chất lượng khác nhau và rất khó cho các doanh nghiệp để tổ chức thu mua, tiêu thụ khi cần một sản lượng lớn, đồng đều chất lượng.

Bà Ngô Thị Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, do vùng nguyên liệu rất manh mún, quy mô nhỏ nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong tổ chức thu mua, thu hoạch để đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Bên cạnh đó, vì mang tính tự phát, chủ yếu tự thu hoạch nên năng suất thu hoạch còn hạn chế, đặc biệt là lúc vào chính vụ, không đủ năng lực, nhân lực nên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, theo bà Hồng, tính tuân thủ quy trình trong sản xuất của bà con cũng là vấn đề hạn chế, một số bà con chưa tuân thủ đồng đều các hướng dẫn nên có vườn đạt tiêu chuẩn, vườn chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến các rủi ro trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường.

Cũng chính sự manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm” dẫn đến người bán được hàng, người không. Đây cũng chính là vấn đề dẫn đến chưa tạo ra được nhiều vùng sản xuất lớn để có lợi thế xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân.

Thực tế cho thấy, việc tập trung diện tích lớn đất, cùng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những kết quả nổi bật cho ngành nông nghiệp. Điều này có thể thấy rõ qua những trang trại của Tập đoàn TH, Vinamilk,…, tạo ra và mang lại những giá trị lớn về mặt kinh tế. Các sản phẩm không chỉ cung cấp cho tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu, giúp quảng bá thương hiệu của Việt Nam. Tất nhiên đây là hoạt động của riêng các doanh nghiệp được đầu tư với nguồn vốn lớn, quy trình sản xuất, kinh doanh bài bản, nhưng với nhiều hộ sản xuất với nhiều mảnh ruộng nhỏ lẻ thì việc cùng tập trung, cùng dồn đất thành những vùng lớn, cùng tham gia sản xuất theo một quy trình chính là điều tạo nên sức mạnh để cạnh tranh. Đây cũng là việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra được các mặt hàng có lợi thế cả về sản lượng và chất lượng.

“Sản xuất manh mún nhỏ lẻ nên cách làm ăn cũng manh mún, mỗi một hộ nông dân có một cách sản xuất với một tiêu chí khác nhau. Do đó, nông hộ nhỏ cùng nhau hợp tác để sản xuất theo cùng một tiêu chí, tiêu chuẩn, kết nối được với doanh nghiệp. Chỉ khi có vùng nguyên liệu chúng ta mới tiếp cận được các thị trường – ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trước đây, Bộ NN&PTNT tiếp cận theo hướng “cắt khúc”. Ví dụ, cán bộ trồng trọt xuống hướng dẫn người dân quy trình canh tác, khuyến nông cũng đi theo công việc đó; thủy sản thì hướng dẫn bà con nuôi trồng tôm cá, chăn nuôi thì hướng dẫn bà con kỹ thuật để chăn nuôi,…Còn bây giờ, Bộ NN&PTNT sẽ đi theo một chuỗi, hạn chế hỗ trợ qua hộ mà qua hợp tác xã để làm động lực cho bà con để khi vào hợp tác xã sẽ có chỗ dựa, không chỉ hỗ trợ giống, kỹ thuật, vốn, mà quan trọng là hỗ trợ thị trường. Chỉ khi đi vào hợp tác xã, quy mô sản lượng đủ lớn, thì lúc đó chúng ta sẽ hỗ trợ kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, thậm chí là những công nghệ phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến, xây dựng bao bì,…ở từng loại cấp độ.

Như lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập, để xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp, không thể không nhắc đến vai trò của hợp tác xã. Chỉ khi các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng tập hợp, tham gia vào hợp tác xã – cánh tay nối dài giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân, từng bước hình thành nên các hợp tác xã hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả chúng ta mới gỡ bỏ được bài toán nhỏ lẻ, manh mún.

Vậy một câu hỏi đặt ra, làm thế nào để thu hút được các hộ sản xuất tham gia hợp tác xã và gắn bó lâu dài với hợp tác xã?.

Phải chăng cần để người nông dân thấy rõ được lợi ích khi tham gia vào hợp tác xã. Đó là khi tham gia vào hợp tác xã sẽ được hỗ trợ về nguồn vốn, về giống, về khoa học kỹ thuật,…và đặc biệt là về thị trường, nghĩa là sản phẩm được nuôi trồng, làm ra có sản lượng, chất lượng tốt hơn trong khi chi phí bỏ ra được tiết giảm, đồng thời, sản phẩm được bao tiêu và có ngay thu nhập. Trên thực tế đây là vấn đề cần được thể hiện bằng hành động, được thực hiện ngay, bằng “tiền tươi, thóc thật” và được đảm bảo về lâu dài qua mỗi mùa vụ. Điều đó tự nhiên sẽ lôi kéo được người dân tự tham gia vào hợp tác xã.

Muốn có được điều này, chúng ta cần đảm bảo được sự hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã. Đó là hỗ trợ về vốn, đất đai, hạ tầng, công nghệ, nhân lực, quản trị để nâng cao năng lực cho các hợp tác xã và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần quan tâm hỗ trợ về mặt thị trường để cùng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục có nhiều đơn hàng, từ đó, giúp các hợp tác xã, hộ dân yên tâm sản xuất, cung ứng và đảm bảo chất lượng cho các mặt hàng nông sản. Đồng thời, về phía hợp tác xã, cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản, hiệu quả để có các sản phẩm đáp ứng được các đơn hàng của doanh nghiệp. Muốn vậy, người sản xuất cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định đã cam kết, tránh phá vỡ hợp đồng để tạo mối làm ăn lâu dài, đảm bảo sự tin cậy, uy tín.

Chỉ khi giải quyết dứt điểm về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, dứt khoát sẽ tự lôi kéo người dân tham gia vào hợp tác xã, từng bước xóa bỏ sự manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất của nông nghiệp Việt Nam.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới…Đồng thời, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp.

Muốn hiện thực hóa mục tiêu này chắc chắn sẽ cần đến việc đưa các hộ sản xuất vào các hợp tác xã và xây dựng được các hợp tác xã mạnh, hoạt động hiệu quả.

“Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – câu tục ngữ dường như rất đúng cho việc cần tập hợp đất đai sản xuất, cùng chung ý chí, hợp sức, thống nhất trong sản xuất, kinh doanh để giải quyết cho vấn đề nhỏ lẻ, manh mún của sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Nhằm từng bước khắc phục sự manh mún, nhỏ lẻ của sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 tại Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022. Đề án quyết tâm đạt mục tiêu: hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2022-2023, phấn đấu hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800ha gồm: cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc, gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững vùng duyên hải miền Trung, cà phê Tây Nguyên, lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên, cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười. Qua đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu.

Đề án được triển khai trên 13 tỉnh trải dài trên cả nước hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá cho sản xuất của nông nghiệp Việt Nam theo hướng hàng hóa.

 

Theo dangcongsan.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.649.864
Truy cập hiện tại 91