MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn nhà trường
Ngày cập nhật 25/11/2022
Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ VSATTP tại trường học (nguồn: báo Sức khỏe và Đời sống).

Những ngày gần đây, thông tin về học sinh tại trường iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc thức ăn đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Giải pháp nào để đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể nói chung và trong các bếp ăn của trường học nói riêng đang là câu hỏi mà mọi người đặt ra.

Có thể nói, vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học không chỉ là mối quan tâm của các phụ huynh, của nhà trường mà đó còn là sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước và toàn xã hội, bởi lẽ đối tượng sử dụng thực phẩm ở đây chủ yếu là trẻ nhỏ, đang ở độ tuổi phát triển, có sức đề kháng còn yếu. Là vấn đề quan trọng nên Nhà nước đã có những quy định cụ thể về việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường học. Trong đó có thể kể tới như: Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ Y tế (Lĩnh vực an toàn thực phẩm); Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 08/7/2008 của Bộ Y tế và Bộ GDĐT hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn tực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thông tư 46/2010/TT-BYT Quy chuẩn về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư 15/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ GDĐT và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học; Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Tại các văn bản này cũng đã quy định rõ về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường đối với nhà ăn, căn tin, dụng cụ chứa thức ăn, đối với nhà bếp cho tới cả người làm việc tại nhà ăn, nhà bếp. Qua các quy định đó, chúng ta có thể thấy rằng, việc đảm bảo các yêu cầu, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng nghiêm ngặt.

Triển khai các quy định trên, trong thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt là ngay khi bước vào năm học mới, các địa phương cũng đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn có tổ chức các suất ăn bán trú cần chú ý, đảm bảo an toàn cho học sinh đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên gây hậu quả nghiêm trọng. Sự việc xảy ra ngày 17/11 vừa qua tại trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) khiến cho 662 học sinh bị ngộ độc, trong đó có  387 em phải nhập viện điều trị nội trú và không may đã có 1 trường hợp tử vong đã khiến dư luận vô cùng lo lắng.

Thông tin về vụ việc trên, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tới thời chiều 22/11, còn 137 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Qua kết quả kiểm tra xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, đã có rất nhiều vi khuẩn gây độc tố được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên tại bữa ăn trưa 17/11 của các em học sinh tại trường này. Cụ thể có 3 loại vi khuẩn được phát hiện qua xét nghiệm mẫu cánh gà chiên là Salmonella spp, Escherichia coli và Bacillus cereus. Trong đó, Bacillus cereus - chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu còn có trong mẫu nước mắm. Đối với vụ việc này, các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ. 

Để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học, các chuyên gia y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ phía nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho trường học; có nguyên nhân từ việc nhà trường không đảm bảo việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào kỹ càng, môi trường chế biến tại bếp ăn của nhà trường không đảm bảo yêu cầu, khu vệ sinh ăn uống, đồ dùng ăn uống không được vệ sinh cẩn thận.

Về giải pháp, trước tiên cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Tăng cường công tác tập huấn các kiến thức cơ bản về chế biến thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho những người tham gia vào bếp ăn tại các trường học, không chủ quan, lơ là. Đối với các nhà trường cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị chế biến thực phẩm đảm bảo nguồn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hàng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn), lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm.


Chuyên gia Bộ Y tế trực tiếp khám cho trẻ bị ngộ độc ở Nha Trang (nguồn: Báo sức khỏe và đời sống).

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất với những bếp ăn trong trường học, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Câu chuyện về ngộ độc thực phẩm của học sinh tại trường iSchool Nha Trang không chỉ là bài học cho các trường học có tổ chức học bán trú trên cả nước mà còn là sự cảnh tỉnh cho các bếp ăn tập thể nói chung trong đó đặc biệt là tại các khu công nghiệp với số lượng lớn công nhân. Qua sự việc trên, các địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể.

 Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, ngay sau khi xảy ra vụ việc tại trường iSchool Nha Trang, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở GDĐT, sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

 

Theo dangcongsan.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.649.874
Truy cập hiện tại 89