MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Giáo dục giá trị văn hóa Huế cho học sinh phổ thông
Ngày cập nhật 26/09/2022

Đưa giá trị văn hóa Huế vào các trường phổ thông là vấn đề mới và cấp thiết, cần được quan tâm và có những giải pháp căn cơ để gìn giữ và bảo tồn văn hóa Huế, góp phần xây dựng và phát triển TP. Huế trở thành thành phố di sản văn hóa đặc trưng của ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Thực hiện theo hướng mở

Văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo, thể hiện rất phong phú từ nhà vườn đến kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình miếu; từ món ăn dân dã đến món ăn quý tộc; từ trang phục bình dân đến phẩm phục vua quan, từ các điệu hò lao động đến ca lý và ca Huế thính phòng; từ tuồng dân gian đến tuồng cung đình, từ văn chương bình dân đến văn chương bác học... Vì thế, để có thể chắt lọc được thành tố văn hóa đặc sắc tinh hoa nhất giữa vô vàn giá trị văn hóa Huế để đưa vào giáo dục trong nhà trường là một thách thức khá lớn.

PGS.TS. Trần Văn Hiếu, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu giáo dục giá trị văn hóa Huế cho học sinh phổ thông tỉnh Thừa Thiên Huế” cho biết, theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục nói chung được thực hiện theo hướng mở; các  trường có vai trò cơ bản tổ chức thực hiện chương trình cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng trường.

Hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục giá trị văn hóa Huế nói riêng có thể thực hiện thông qua 3 phương thức cơ bản: Tích hợp nội dung giáo dục giá trị văn hóa Huế vào các môn học; tổ chức hoạt động trải nghiệm và thông qua dạy học các nội dung giáo dục địa phương. Các môn học có thể tích hợp giáo dục giá trị văn hóa Huế ở trường phổ thông trong Chương trình GDPT 2018 gồm: Tiếng Việt, tự nhiên & xã hội, lịch sử và địa lý, nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) ở trường tiểu học; ngữ văn, giáo dục công dân, lịch sử và địa lý, nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) ở trường THCS; và ngữ văn, lịch sử, âm nhạc, mỹ thuật, GD kinh tế và pháp luật ở trường THPT.

PGS.TS. Trần Văn Hiếu cho rằng, các trường có thể chủ động trong thiết kế, tổ chức hoạt động giáo dục theo những phương thức gợi mở giúp học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Hoạt động trải nghiệm cần được tổ chức thường xuyên, liên tục với các nhiệm vụ chủ yếu mang tính cá nhân, nhóm nhỏ. Ngoài ra, để tạo cơ hội cho học sinh được giao lưu, chia sẻ, hợp tác và tăng cường sự tham gia thì cần phải tổ chức các hoạt động có tính chất định kỳ với quy mô lớn hơn, như hoạt động ở quy mô lớp, khối, trường. Hoạt động thường xuyên và hoạt động định kỳ cần đươc thiết kế và tổ chức đan xen, phối hơp nhịp nhàng để tránh sự nhàm chán và chồng chéo lẫn nhau.

Lựa chọn các giá trị đặc trưng

ThS. Dương Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt cho rằng, tích hợp giáo dục văn hóa Huế trong dạy học môn tiếng Việt ở trường tiểu học là một đề xuất tham khảo để từ đó vẻ đẹp Huế, dấu ấn Huế được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong các môn học khác, hoạt động giáo dục khác. Các hoạt động tích hợp sẽ góp phần tích cực trong việc gia tăng các cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những di sản ngôn ngữ Huế, ẩm thực, làng nghề, nghệ thuật, kiến trúc cung đình Huế… cho học sinh tiểu học. Thế nên, cần xây dựng nguồn học liệu về văn hóa Huế và tổ chức thành các chủ đề đọc, khám phá, trải nghiệm; tích hợp giáo dục văn hóa Huế trong các hoạt động rèn kỹ năng đọc, viết, nói và nghe của môn tiếng Việt; tổ chức các chương trình, hội thi về văn hóa Huế gắn với các dấu mốc lịch sử hoặc sự kiện quan trọng; lan tỏa, quảng bá văn hóa Huế đến bạn bè quốc tế qua các sáng tác văn học hoặc văn bản thông tin từ điểm nhìn của học sinh tiểu học.

Theo bà Đào Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hải (huyện Phú Vang), tích hợp giáo dục văn hóa địa phương trong các hoạt động giáo dục luôn là định hướng chiến lược của các trường tiểu học ở Thừa Thiên Huế. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của mục tiêu giáo dục văn hóa địa phương thông qua các môn học, đặc biệt là qua các hoạt động trải nghiệm sinh động, hấp dẫn. Trong nhiều giải pháp tích hợp giáo dục văn hóa địa phương, hoạt động trải nghiệm tìm hiểu nét đẹp dân gian xứ Huế luôn tạo được niềm hứng khởi đối với học sinh, giúp các em tiếp nhận giá trị văn hóa quê hương một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

Cần phải xác định và lựa chọn được các giá trị văn hóa đặc trưng của văn hóa Huế đưa vào trường học, giáo dục cho học sinh từ bậc tiểu học đến bậc trung học trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các giá trị văn hóa trong việc phát huy và giữ gìn bản sắc Huế, cũng như sự tương thích của các giá trị ấy với sự phát triển tâm lý, nhân cách của học sinh theo từng lứa tuổi khác nhau.

Bài, ảnh: HUẾ THU
https://baothuathienhue.vn/giao-duc-gia-tri-van-hoa-hue-cho-hoc-sinh-pho-thong-a118045.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.649.857
Truy cập hiện tại 89